Ngày mai, 5/7, HoSE sẽ có gì mới?
(DNTO) - Các nhà đầu tư đang vô cùng hào hứng với phiên giao dịch ngày mai, 5/7, khi HoSE chính thức được thay đổi diện mạo mới.
Không bao giờ còn nghẽn lệnh
Sau nhiều ngày tháng chờ mong, ngày mai, 5/7, hệ thống giao dịch mới của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), do HoSE và FPT xây dựng, chính thức được vận hành.
Từ ngày mai, "số lượng lệnh giao dịch hệ thống mới của HOSE có công suất lên tới 3-5 triệu lệnh/ngày. Các công ty chứng khoán thoải mái đẩy lệnh theo năng lực của họ", ông Dương Dũng Triều - Chủ tịch Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) khẳng định.
Như vậy, trên sàn HoSE, số lệnh giao dịch sẽ tăng gấp 3-5 lần so với trước đây khi công suất thiết kế chỉ 900.000 lệnh/ngày và hoạt động theo cơ chế phân bổ lệnh cho các công ty chứng khoán, nguyên nhân đã tạo nên sự quá tải của hệ thống khi số lệnh giao dịch tăng vọt thời gian qua.
Cũng theo nhận định của ông Dũng: "Tình trạng nghẽn lệnh sẽ được giải quyết hoàn toàn sau khi hệ thống mới đi vào vận hành chính thức từ đầu tuần tới (5/7/2021)".
Điều quan trọng nhất của hệ thống giao dịch mới là do FPT và HoSE thực hiện dự án nên cả hai bên hoàn toàn làm chủ hệ thống, phát hiện lỗi ở đâu có thể chủ động xử lý được ngay. Thậm chí, nếu HoSE rơi vào tình trạng quá tải, phía FPT sẽ chủ động nâng cấp phần cứng, cũng như các thuật toán đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Những rủi ro có thể xảy ra đã được hai bên tính toán và đưa ra các kịch bản phòng ngừa cụ thể. Theo ông Dương Dũng Triều: "Rủi ro có thể xảy ra và phân loại chúng thành ba nhóm gồm: hạ tầng, hệ thống, con người. Khả năng xảy ra rủi ro cũng được chia làm bốn cấp độ từ gần như “Không thể”, “Rất thấp”, “Thấp” đến “Vừa” và luôn có phương án hành động, nhân sự chịu trách nhiệm xử lý".
Trong ngày vận hành đầu tiên của hệ thống mới, ông Dương Dũng Triều cho biết, rủi ro lớn nhất là việc chuyển đổi dữ liệu và trục trặc từ các công ty chứng khoán.
Thực tế trước đó, phía HoSE và FPT có quá trình kiểm thử liên tục trong ba tuần cuối tháng 6 và hoàn toàn không có vấn đề nghiêm trọng nào phát sinh. "Tất cả công ty chứng khoán đều kết nối và vận hành thử nghiệm thông suốt. Hiệu năng hệ thống cũng cải thiện, các lỗ hổng bảo mật được xử lý triệt để nên nhà đầu tư có thể an tâm", người đứng đầu FPT IS cho biết.
Nhà đầu tư chờ gì?
Ngày mai được xem là một bước ngoặt mới của HoSE khi "tấm áo cũ kỹ" đã mặc hơn hai mươi năm qua được thay đổi. Và vui hơn hết là những nhà đầu tư, họ đang nức lòng chờ đợi những thay đổi ngoạn mục của HoSE để thị trường đi vào hoạt động chuyên nghiệp, đáp ứng được kỳ vọng mà họ mong đợi.
Chỉ số VN-Index tuần qua đã chính thức bước lên mốc kỷ lục mới với 1.420 điểm. Theo đánh giá của không ít chuyên gia, sự thay đổi của HoSE trong tuần tới sẽ có những tác động tích cực đến chỉ số này.
Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) nhận định, trong tuần tới, "việc hệ thống giao dịch mới được đưa vào vận hành vào tuần sau có thể giúp VN-Index nối dài nhịp tăng về khu vực 1440-1450 điểm".
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán SHS không quên lưu ý các nhà đầu tư: "Nhà đầu tư cần tiếp tục theo dõi giao dịch trong tuần tới khi hệ thống mới của HOSE được đưa vào vận hành, để có thể xác định xu hướng tiếp theo của thị trường".
Với một hệ thống giao dịch chạy mượt mà, không còn nghẽn hay đơ lệnh thì việc chỉ số VN-Index có nhiều cơ hội để khởi sắc cũng là điều dễ hiểu. HoSE đã để nhà đầu tư chờ đợi quá lâu mới có được ngày hôm nay. Tuy nhiên, theo nhiều người, muộn còn hơn không.
Đứng ở góc độ một nhà đầu tư, chuyên gia chứng khoán Nguyễn Hồng Điệp cho biết: "Tôi chúc mừng FPT và HoSE chứ không ngợi ca, tôi đặt niềm tin vào FPT chứ không tôn sùng". Theo ông, cần phải ghi nhận công sức của đội ngũ chuyên viên IT của FPT và HoSE, nhưng tất cả những điều này là nhiệm vụ của họ, trách nhiệm của họ phải đảm bảo thông suốt hệ thống. "Ở đây, đừng lầm tưởng là họ ban phát cái gì cho nhà đầu tư", ông cho biết.