Ngành công nghiệp hàng không thế giới vẫn đang loay hoay tìm giải pháp trong bóng đêm Covid-19
(DNTO) - Các giám đốc điều hành của các hãng hàng không lớn đều mô tả năm 2020 bằng những ngôn từ buồn như "một năm trải qua địa ngục" đối với United Airlines; “năm khó khăn nhất” trong lịch sử của hãng Delta Airlines hay “năm thử thách nhất” của American Airlines...
Những khoản lỗ tỷ đô
Trong vài tháng gần đây, du lịch bằng đường hàng không (air travel) đang có dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn giảm sâu so với đầu năm 2019, trước đại dịch Covid-19 và không ai biết khi nào hoạt động kinh doanh này sẽ trở lại bình thường. Hai nhóm đối tượng chính đem lại doanh thu cho các hãng hàng không là các công ty du lịch và du khách quốc tế có khả năng đứng “dự bị” trong nhiều năm tới.
Hiện tại, các hãng hàng không vẫn đang phục vụ nhưng chỉ có một nhóm nhỏ những du khách mê di chuyển và không từ bỏ những chuyến trượt tuyết hoặc đi biển dù đại dịch. Ben Baldanza, cựu Giám đốc điều hành của hãng hàng không giá rẻ Spirit Airlines, cho biết: “Thiết lập những chuyến bay đến khu vực đông khách hàng là một chiến lược linh hoạt và thông minh nhưng không phải là cách lâu dài để các hãng hàng không tăng doanh thu”.
Vì đại dịch, du khách có xu hướng không tiêu nhiều tiền nữa nên khiến cho ngành hàng không càng trở nên “bầm dập” hơn. Phần lớn hành khách trên máy bay là những người đi thăm gia đình và bạn bè, hơn là những du khách đi du lịch hay đi công tác nên mức độ chi tiêu giảm đáng kể. Theo thống kê của Hiệp hội hàng không Mỹ, trước đại dịch, các hãng hàng không Mỹ vận chuyển khoảng 30% du khách đi công tác nhưng chiếm 40-50% doanh thu. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán còn lâu lượng du khách này mới trở lại bằng như trước đây.
Cũng theo ước tính của Hiệp hội hàng không Mỹ, năm qua bốn hãng hàng không lớn nhất của Mỹ gồm American Airlines, Delta, United Airlines và Southwest Airlines đã lỗ hơn 31 tỷ USD, toàn ngành đang lỗ hơn 150 triệu USD mỗi ngày.
Thậm chí, các khoản lỗ còn nghiêm trọng hơn nếu các hãng hàng không được xem xét thêm khoản trợ cấp 40 tỷ đô la từ liên bang để trả lương cho nhân viên và hàng chục tỷ đô vay lãi suất thấp từ Chính phủ. Vấn đề hiện thời là các hãng hàng không không có đủ khách cho mỗi chuyển để đạt đến mức hòa vốn.
Ngành công nghiệp này đã dành phần lớn thời gian trong năm qua để nghiên cứu cắt giảm chi phí và tinh gọn bộ máy, những chiếc máy bay cũ, kém hiệu quả bị loại bỏ; các hợp đồng thương mại phải đàm phán lại; và khuyến khích hàng chục nghìn người lao động nhận bồi thường thất nghiệp hoặc nghỉ hưu sớm. Sự sụt giảm 2/3 lưu lượng đi lại bằng đường hàng không không đủ bù đắp các khoản chi phí. Nếu sự phục hồi kinh tế và tiêm chủng Covid-19 bị chậm trễ, có thể các hãng hàng không không thể chịu đựng nổi.
Tuy nhiên, các hãng hàng không cũng rất hy vọng. Hãng Southwest cho biết doanh số bán hàng trong tháng 2/2021 tốt hơn dự kiến. Hãng Alaska Airlines cho biết họ hy vọng sẽ khai thác khoảng 80% số chuyến bay vào mùa hè này so với năm 2019, hãng Hawaiian Airlines cũng đưa ra dự báo lạc quan tương tự. Giám đốc điều hành của Delta Airlines, Ed Bastian, trong thông điệp gửi khách hàng vào tuần trước, ông mong đợi “sự trở lại vào mùa xuân” khi niềm tin của khách hàng tăng lên, sự hạn chế đi lại giảm xuống và việc tiêm chủng vắc xin được mở rộng. Tuần trước, hãng JetBlue cũng bắt đầu các chuyến bay hàng ngày từ New York, Boston và Los Angeles đến Miami và thêm các chuyến bay theo mùa đến Key. Theo Sheila Kahyaoglu, một nhà phân tích hàng không và quốc phòng: “Cuộc thảo luận đang chuyển từ việc ai sống sót sang việc ai chiếm nhiều cổ phần hơn trong quá trình phục hồi. Hãng nào có khả năng tiếp cận các thị trường nhất định tốt nhất".
Các hãng hàng không Mỹ cũng nhận được một số hỗ trợ kịp thời. Các nhà lập pháp ở Washington đang tiếp tục nỗ lực tung ra gói viện trợ lớn thứ ba cho ngành này kể từ khi đại dịch xảy ra vào mùa xuân năm ngoái. Tuần trước Ủy ban Hạ viện hỗ trợ 14 tỷ đô la để các hãng hàng không có thể trả lương cho người lao động đến hết tháng 9, thêm vào đó, Quốc hội đang xem xét gói cứu trợ bổ sung do đại dịch Covid-19.
Và nỗ lực kích cầu
Mới đây, hãng Delta Airlines đã gia hạn lệnh cấm hành khách đặt chỗ ngồi ở giữa đến hết tháng 4 nhằm giãn cách không gian tiếp xúc và cho thuê một giám đốc y tế cho hãng. Động thái này là một phần trong nỗ lực của Delta Airlines xây dựng thương hiệu như một nhà cung cấp dịch vụ cao cấp, quan tâm hơn đến sức khỏe. Hãng Southwest cũng tung ra các chương trình khuyến mãi, bao gồm cả việc giảm giá vé đầy hứa hẹn với giá thấp nhất là 50 USD/một chiều nhân kỷ niệm 50 năm thành lập. Hãng hàng không này thường có doanh thu lớn vào mùa thu và đôi khi có doanh thu vào mùa hè. Giám đốc điều hành Southwest, Gary Kelly cho biết: “Giờ mục tiêu rất đơn giản là kích thích du lịch. Hầu hết các chuyên gia trong ngành cho biết họ hy vọng du khách sẽ quay trở lại với số lượng lớn hơn vào mùa xuân hoặc mùa hè này, khi thời tiết cải thiện và nhiều người được tiêm phòng hơn”.
Nhưng lập kế hoạch cho điều đó không dễ dàng. Hành khách từng đặt chuyến bay trước nhiều tháng, nhưng xác nhận chỉ sau vài tuần. Và xu hướng đặt chuyến bay thường khó nắm bắt. Hunter Keay, nhà phân tích hàng không cao cấp tại Wolfe Research cho biết: “Mỗi khi nhu cầu có dấu hiệu hồi phục, nó lại lùi một bước nữa. Vì vậy, rất khó cho các hãng hàng không bước ra khỏi khó khăn đó và đưa các chuyến bay trở lại, bởi vì chỉ cần đi sai thì các hãng sẽ đối mặt với các vấn đề tài chính trầm trọng hơn”. Có lẽ câu hỏi khó nhất đối với các hãng hàng không và các công ty du lịch khác là khi nào các giám đốc điều hành, quản lý cấp trung và các doanh nhân sẽ cảm thấy thoải mái để bay.
Theo các hãng hàng không, trong ba tháng cuối năm 2020, hoạt động du lịch của các công ty đã giảm từ 85% trở lên. Hiệp hội Nhà nghỉ và Khách sạn Hoa Kỳ cho biết họ không hy vọng hoạt động kinh doanh sẽ hồi phục hoàn toàn cho đến năm 2024. Vì trong cuộc khủng hoảng tài chính một thập kỷ trước, các chuyến công tác quốc tế của các doanh nghiệp giảm còn 13%, nhưng phải mất 5 năm để trở lại mức cao nhất trước đó, theo McKinsey.
Một số chuyên gia cho rằng số chuyến công tác của các công ty có thể không bao giờ hồi phục hoàn toàn vì nhiều cuộc họp trực tiếp được thay thế vĩnh viễn bằng các cuộc họp trực tuyến video và cuộc gọi điện thoại. Theo IdeaWorks, một công ty tư vấn việc làm cho biết trong một báo cáo tháng 12/2020, việc đi lại cho các cuộc họp bán hàng, hội nghị và triển lãm thương mại ít bị ảnh hưởng vĩnh viễn nhưng các chuyến đi ngắn hơn để gặp gỡ đồng nghiệp trong vài giờ có thể bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo nghiên cứu nội bộ của hãng hàng không Delta Airlines vào tháng 1 vừa qua, có khoảng 40% khách hàng doanh nghiệp lớn đang mong đợi các chuyến đi công tác của họ sẽ được phục hồi hoàn toàn vào năm 2022 và tăng thêm 11% vào năm 2023. Chỉ 7% cho biết việc đi công tác có thể không bao giờ được khôi phục hoàn toàn, trong khi số còn lại nói rằng họ không chắc khi nào mọi thứ sẽ trở lại bình thường.
Tập đoàn sản xuất máy bay Airbus (châu Âu) vừa báo cáo mức lỗ hơn 1 tỷ euro vào năm ngoái và sẽ tiếp tục giữ lại các khoản thanh toán của cổ đông sau khi việc giao máy bay của hãng giảm 1/3. Năm 2020, Airbus đã bàn giao 566 máy bay thương mại, giảm mạnh so với 863 chiếc của năm 2019, và dự kiến sẽ tương tự vào năm 2021. Việc giao hàng máy bay chậm lại khiến doanh thu của Airbus giảm 27% xuống còn 49,9 tỷ euro (42,4 tỷ bảng Anh) vào năm ngoái, dẫn đến khoản lỗ ròng 1,13 tỷ euro cho năm 2020. Đồng thời, Airbus cũng có kế hoạch sa thải 15.000 lao động, bao gồm 1.700 tại Anh.
Ngành hàng không vẫn chịu áp lực trong năm tới trong bối cảnh "môi trường biến động" do đại dịch Covid-19. Theo ông Peter McNally, một chuyên gia trong ngành tại công ty nghiên cứu Third Bridge: “Các hãng hàng không thương mại có khởi đầu khó khăn vào năm 2021 và triển vọng từ Airbus phản ánh điều đó. Tình hình có thể cải thiện khi vắc-xin được phân phối rộng rãi hơn”.