Nâng tầm cho sâm Ngọc Linh
(DNTO) - Cùng với Quảng Nam, Kon Tum được xác định là địa phương có nguồn sâm Ngọc Linh quý, với thành phần dược liệu cực tốt, nhưng đến nay, dường như tỉnh vẫn chưa huy động hết nguồn lực để đẩy sâm Ngọc Linh thành một “quốc bảo” của Việt Nam.
Vậy, liều thuốc nào để ‘bật lên’ cơ hội cho vùng đất Tây Nguyên này?
Miên man sâm...
Theo PGS.TS Trần Công Luận, Nguyên giám đốc Trung tâm sâm và dược liệu TP.HCM thuộc Viện Dược liệu, Bộ Y tế cho biết, năm 1978 theo thống kê, toàn bộ vùng núi Ngọc Linh thuộc huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei có 108 vùng sâm mọc tự nhiên. Sâm mọc dưới những tán rừng ẩm ướt, ven các con suối. Ước tính thời điểm đó, sản lượng khoảng 300 tấn tươi, độ tuổi trên 10 năm.
Tuy nhiên, hiện nay, phổ biến nhất với sâm xứ Ngọc Linh lại chính là Đẳng sâm, thường gọi là sâm dây Ngọc Linh, một loại sâm dây cho củ bình thường. Loại sâm này có thể tìm thấy ở nhiều triền núi, trảng rừng vùng Ngọc Linh, nhiều nhất là ở các xã bà con Xơ Đăng huyện Đắk Glei và các xã cao huyện Tu Mơ Rông, giáp giới địa vực nổi tiếng sâm củ ĐăkTô hay ở khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen.
Thay vì phải mất 6-10 năm mọc trong điều kiện hoang dã tự nhiên như sâm củ Ngọc Linh, loại Đẳng sâm chỉ cần 1 năm mọc tại các triền núi, dưới tán rừng, là đã thu hoạch được củ. Loại sâm này cho củ lớn bình quân từ 8 - 10 củ/kg, thậm chí đến 0,5 -1 kg/củ. So với sâm củ Ngọc Linh, sâm dây có chỉ số dinh dưỡng không cao bằng, nhưng riêng chỉ số saponin lại đạt đến 6,94%, xấp xỉ loại sâm tốt nhất của Hàn Quốc là khoảng 7,2%.
Rõ ràng với chỉ số hoạt chất cao như vậy, lại chỉ cần thời gian sinh trưởng ngắn, loại sâm này có thể làm thực phẩm như rau củ bình thường, bên cạnh việc ngâm rượu, chế biến thuốc... như các loại sâm khác. Chị Y Long - Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã Ngọc Linh, người dân tộc Xơ Đăng, cho biết bên cạnh sâm dây, sâm củ, vùng Ngọc Linh còn rất nhiều cây củ khác có thể làm thuốc, làm thực phẩm với đặc tính khác biệt, mà chỉ có cộng đồng bà con dân tộc mới nắm rõ. Nếu khai thác đúng, chắc chắn sẽ là cơ hội rất lớn cho vùng Ngọc Linh và Kon Tum để phát triển thành vùng nông nghiệp dược liệu quý.
Lan tỏa sâm dây Ngọc Linh?
Có một điều đáng buồn với người dân Ngọc Linh chính là mức độ lan tỏa thông tin giá trị của loài sâm quý này còn quá hạn chế. Rất nhiều người không biết giá trị quý về mặt dược liệu của sâm ở Ngọc Linh. Đáng buồn hơn do công tác thông tin kém, ít truyền bá, nên sâm Ngọc Linh hiện tại chỉ được tiêu thụ ít, chủ yếu do bà con người dân tộc Xơ Đăng gùi chuyển ra gần đường cái, bán cho người mua qua lại.
Chỉ có một vài doanh nghiệp địa phương như công ty TNHH Lâm Thịnh là có thu gom tổ chức, chế biến thành các loại mứt sâm, ngâm rượu bổ, làm thực phẩm gia dụng... để mang lại hiệu quả kinh tế tương đối.
Hiện tại, giá sâm dây Ngọc Linh và các loại cây cỏ hữu ích khác ở Kom Tum, vẫn dao động tầm 60-200 ngàn đồng cho mỗi ký thu hoạch tùy loại. Bên cạnh đó, việc đầu tư, vận chuyển những sản vật rừng núi ở Ngọc Linh, cho đến nay chủ yếu chỉ dựa vào nhân lực thủ công từ bà con dân tộc bởi địa hình hiểm trở, phần lớn vùng đất sâm đều ở đồi núi cao dốc đứng, nên rất khó đi lại.
Theo chị Y Long, các bản có sâm thường cách đường lớn từ 5-10km đường dốc đứng. Dù thời tiết mưa hay nắng, việc khai thác sâm đều khó khăn hiểm trở. Khối lượng thu hoạch của bà con theo đó cũng hạn chế. Và một khi người mua trả giá thấp, người dân cũng không mặn mà cấy trồng thêm làm gì. Việc vận chuyển, thu hoạch khó khăn, đã là vòng kim cô luẩn quẩn bó buộc cơ hội cho chính người dân và vùng sâm Ngọc Linh.
Chị Hồ Thị Kim Oanh, Công ty Lâm Thịnh cho biết, địa phương đã nhiều lần đưa ra các giải pháp, nhiều kế hoạch để mong thay đổi tình hình, nhưng gần như lực bất tòng tâm.
Phải chăng, cần tìm kiếm được những nhà đầu tư có nội lực lớn hơn, có tầm nhìn chiến lược và cái tâm gắn bó cùng thiên nhiên Kon tum, may ra mới làm thay đổi được thực trạng hiện nay.
Chờ liên kết 4 nhà
Công thức liên kết 4 nhà đã từng được nhiều địa phương đề cập, đặc biệt dành cho những địa phương có những sản phẩm nông nghiệp đặc thù, tiêu biểu. Đó là 4 nhà: Nhà nước (tạo điều kiện, ra chính sách hỗ trợ), nhà khoa học (nghiên cứu, chuyển giao công nghệ), nhà nông (nông dân, hợp tác xã trồng, phát triển nguồn nguyên liệu) nhà đầu tư (doanh nghiệp khai thác, kinh doanh). Nếu không có sự đồng bộ này rất khó để biến cả vùng sâm Ngọc Linh trở thành thế mạnh độc đáo cho Kon tum, cũng như nghĩ xa hơn đó là quảng bá để sản phẩm này trở thành “quốc bảo” của Việt Nam được thế giới biết đến.
Vừa qua đã có một dự án của Sở Khoa học và Công Nghệ tỉnh Kon Tum thực hiện trong vòng 39 tháng (từ tháng 4/2014 đến tháng 7/2017) do ông Phạm Thanh, cử nhân công nghệ sinh học, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Kon Tum làm chủ nhiệm dự án.
Nhóm của ông Phạm Thanh đã thực hiện hàng loạt những hoạt động nhằm nhân giống cây sâm và khuyến khích người dân trồng đại trà ở các huyện miền núi tỉnh Kon Tum. Nhưng với đầu ra còn khó khăn như hiện nay thì chính người trong cuộc cũng phải thốt lên là: sâm ở Kon Tum, vui tiềm năng nhưng buồn thực trạng!
Hy vọng trong thời gian đến, với sự vào cuộc quyết liệt hơn của chính quyền địa phương, sự đầu tư bài bản và chuyên nghiệp hơn của các doanh nghiệp, sự tham gia tích cực của các nàng sâm (Thanh Loan nàng sâm, Kim Oanh nàng sâm, Y Cô Viên nàng sâm…), miền sâm Kon Tum sẽ được đánh thức và vươn ra biển lớn để sánh vai với sâm Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ…