‘Mùa xuân’ cho nền kinh tế số: Cần ‘cú twist’ từ cơ chế sandbox
(DNTO) - Sandbox – cơ chế thử nghiệm chính sách sẽ là cú twist (cú hích) để các doanh nghiệp phá bỏ những e dè về pháp lý, mạnh dạn thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy nền kinh tế số phát triển.
“Manh giáp” bảo vệ nền kinh tế
Trong năm 2021, một trong những điểm sáng của kinh tế Việt Nam là sự phát triển của kinh tế số. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô của nền kinh tế số Việt Nam 2021 ước đạt 21 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2020.
Quy mô nền kinh tế số Việt Nam 2021 đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (tương đương Malaysia và đứng sau Indonesia, Thái Lan). Đến năm 2025, kinh tế số Việt Nam dự đoán sẽ đạt 57 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 2 trong khu vực (theo Google, Temasek và Bain & Company).
PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho biết, kinh tế số được xác định là một trong ba trụ cột chuyển đổi số của Việt Nam, bên cạnh Chính phủ số và xã hội số. Sự tăng trưởng của kinh tế số trong giai đoạn vừa qua đã giúp nền kinh tế Việt Nam tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, điển hình là đại dịch Covid-19.
Hiện các nước trong khu vực và trên thế giới như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Mỹ, Đức,…đều đang đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế phát triển kinh tế số. Nếu châu Âu có kế hoạch cho một “Single Digital Market” (thị trường đơn kỹ thuật số), thì Úc đang nỗ lực hình thành “Digital Australia (nước Úc kỹ thuật số)”, và Singapore nêu cao khẩu hiệu “Smart Nation” (quốc gia thông minh).
Nhờ trợ lực của nền kinh tế số trong thời gian qua mà nhiều ngành công nghiệp có bước chuyển biến đột phá, từ thương mại điện tử (Lazada, Shoppee, Amazon)..., quảng cáo trực tuyến trên các trang mạng xã hội (Facebook, Instagram, TikTok), giải trí (Netflix, Pinterest), đến vận tải (Uber, Grab, Gojek)…
Vì vậy, một chiến lược chuyển đổi số quốc gia với những kế hoạch cụ thể là những điều các Chính phủ đều hướng tới, nhằm tạo động lực phát triển mới cho nền kinh tế, để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu.
Còn thiếu một “cú twist”
Để thúc đẩy nền kinh tế số Việt Nam, năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW, đặt mục tiêu đến năm 2025 nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 20% GDP, phát triển được một cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lớn mạnh.
Gần đây nhất, một Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030 đã được Chính phủ ban hành, nhằm thực hiện mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 52-NQ/TW. Điều này đã cho thấy quyết tâm của Việt Nam về việc phát triển kinh tế số.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng thừa nhận, các nền tảng phục vụ cho kinh tế số được phát triển tại Việt Nam vẫn hạn chế, chủ yếu vẫn dựa vào các nền tảng sẵn có của nước ngoài. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt vẫn còn chưa chủ động trong việc tham gia phát triển nền tảng kinh doanh, hay việc phát triển còn tự phát, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số.
Trong khi đó, năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu tỷ trọng kinh tế số trong GDP chiếm khoảng 11,5% và chiếm 20% vào năm 2025. Tỷ lệ doanh nghiệp doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số khoảng 30%. Do vậy, để đạt được mục tiêu này, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, việc cải thiện thể chế, chính sách cần “mạnh tay” hơn nữa.
Dưới góc độ một doanh nghiệp đã và đang tham gia phát triển các nền tảng số, ông Nguyễn Minh Quý, Chủ tịch Tập đoàn Novaon cho rằng Chính phủ cần đi đầu đề ra những mục tiêu thực tiễn và cụ thể, từ đó doanh nghiệp Việt có thể bám sát và phấn đấu để đạt được mục tiêu đó.
Cụ thể, theo ông Quý, hiện các rào cản pháp lý đang khiến doanh nghiệp buộc phải lựa chọn một trong 2 con đường: một là xây dựng mô hình mới, sản phẩm mới nhưng với một tâm thế e dè, không dám mạnh tay đầu tư. Hai là chạy sang các “thiên đường” khởi nghiệp như Singapore để phát triển doanh nghiệp.
Do vậy, Chính phủ cần đẩy mạnh xây dựng cơ chế sandbox – thử nghiệm chính sách để giảm thiểu rào cản về pháp lý, cho phép doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Ví dụ như Grab đã rất thành công trong việc mở rộng kinh doanh từ dịch vụ vận chuyển sang giao hàng, trung gian thành toán, bằng sự trở lực của cơ chế sandbox chính sách.
“Việc triển khai cơ chế sandbox cần rõ ràng và mạnh mẽ hơn bởi hiện nhiều vấn đề pháp lý chưa theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình kinh doanh mới”, ông Quý nói.