Không chỉ doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã, các cá nhân có sản phẩm chất lượng tốt đều sẽ có cơ hội đưa hàng hóa ra thế giới thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới.

Lần đầu tiên các loại hàng hóa mang thương hiệu Việt Nam sẽ được tập trung trong “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại JD.com để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, trong bối cảnh thương mại truyền thống bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Đây được xem là “phát súng” đầu tiên mở màn cho chiến dịch đưa hàng Việt, thương hiệu Việt ra toàn cầu thông qua kênh thương mại điện tử quốc tế. Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham nhập vào các thị trường khó tính, nơi tồn tại rất nhiều rào cản và tốn nhiều chi phí nếu giao thương theo cách truyền thống.

Để làm rõ hơn về cách doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới, Tạp chí Doanh Nhân Trẻ đã có cuộc trò chuyện với ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương về vấn đề này.

PV: Vì sao thương mại điện tử được đánh giá là kênh giao thương có nhiều ưu thế hơn so với các kênh truyền thống? Doanh nghiệp Việt sẽ được hưởng lợi gì từ xu thế này, thưa ông?

Ông Đặng Hoàng Hải: Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu với việc tham gia hàng loạt FTA, nội dung về thương mại điện tử cũng bắt đầu xuất hiện trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia, như CPTPP, EVFTA, RCEP,… Đây sẽ là động lực mới của nền kinh tế Việt Nam, góp phần kết nối trở lại chuỗi cung ứng xuyên biên giới đang bị đứt gãy do đại dịch, mở đường cho những sản phẩm vốn là thế mạnh của Việt Nam tiếp tục tiếp cận thị trường quốc tế.

Trước đây, khi cần mua hàng hóa ngoại nhập, người tiêu dùng Việt luôn phải chờ đợi đến khi có doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối lại, hoặc phải trực tiếp ra nước ngoài để tìm kiếm và đặt hàng. Còn hiện nay, chỉ cần truy cập vào các trang thương mại điện tử lớn như Amazon, Ebay, Alibaba…, bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận với hàng tỷ sản phẩm từ vô số nhà cung cấp trên toàn thế giới.

Đối với doanh nghiệp, việc đăng bán trực tiếp trên các trang thương mại điện tử quốc tế thông qua sự giám sát chất lượng của cơ quan quản lý, các trang thương mại điện tử uy tín là cách nhanh nhất để kết nối với khách hàng, tìm thị trường xuất khẩu và đối tác mới. Hình thức này vừa giúp giảm chi phí vận hành, vừa giúp phân phối sản phẩm đến người dùng cuối tại nhiều thị trường với chính thương hiệu của sản phẩm.

Theo số liệu Hải quan Trung Quốc, xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới trong năm 2020 của nước này đạt tổng cộng 1,69 nghìn tỷ NDT, tăng 31,1%, trong đó giao dịch nhập khẩu hàng hoá vào thị trường Trung Quốc trên các trang thương mại điện tử tăng 16,5% lên 570 tỷ NDT.

Tại thị trường EU, doanh số thương mại điện tử xuyên biên giới của 16 nước lớn nhất EU đã đạt tới 146 tỷ Euro, tăng 35% so với năm 2019, và chiếm khoảng 25,5% doanh số thương mại điện tử của cả châu Âu (573 tỷ Euro).

Với doanh thu thương mại điện tử theo mô hình B2C toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2,883 nghìn tỷ USD, đặc biệt thị trường thương mại điện tử của các quốc gia là đối tác xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc hay các quốc gia EU ngày càng tăng sẽ mở ra cho các doanh nghiệp có sản phẩm tốt, phù hợp với thị trường, tận dụng được các thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh, các doanh nghiệp có thể len vào các thị trường khó tính, nơi tồn tại rất nhiều rào cản và tốn nhiều chi phí nếu giao thương theo cách truyền thống.

JD

* Vì sao Bộ Công thương quyết định lựa chọn thị trường Trung Quốc và sàn thương mại điện tử JD.com là điểm đến đầu tiên để xây dựng gian hàng quốc gia biểu trưng sản phẩm Việt Nam trên nền tảng trực tuyến tại thị trường nước ngoài?

- Như chúng ta đã biết, Trung Quốc hiện tại là thị trường nhập khẩu quan trọng hàng đầu của hàng hoá Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc lại là thị trường thương mại điện tử phát triển hàng đầu khu vực và thế giới. Mức độ tiếp cận thương mại điện tử cũng như quy mô thương mại điện tử của Trung Quốc là một trong những lợi thế lớn mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng. Với thế mạnh là thương mại điện tử, thị trường trực tuyến của Trung Quốc tăng trưởng rất nhanh và ngày càng mở rộng đầu vào với lượng hàng hóa đa dạng từ bên ngoài Trung Quốc.

Tại Trung Quốc hiện nay, sàn thương mại điện tử JD hiện là tập đoàn kinh doanh thương mại điện tử lớn và uy tín hàng đầu của Trung Quốc với nhiều mô hình hoạt động như thương mại điện tử, siêu thị, cửa hàng tiện lợi... (Ở đây không chỉ là quy mô lớn mà cần có uy tín hợp tác). Nguồn hàng hoá trên sàn thương mại điện tử của JD được cung cấp từ các công ty sản xuất của Trung Quốc và nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới, được bán và phân phối trên toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc tới tận tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó JD có hệ thống logistics, hàng chục nghìn kho bãi trải rộng trên khắp các tỉnh, thành của Trung Quốc và được đánh giá là hệ thống logistics lớn nhất, hiện đại nhất ở Trung Quốc hiện nay. Chính vì vậy, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số đã chủ động triển khai hợp tác với Tập đoàn JD (Sàn thương mại điện tử JD.com) để tổ chức xây dựng Gian hàng Quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hoá thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Trung Quốc. Mô hình này đã được nhiều quốc gia triển khai trên Sàn thương mại điện tử JD trong những năm qua.

san-xuat

* Doanh nghiệp Việt được hưởng lợi ích gì và cần những điều kiện gì khi tham gia chương trình Gian hàng Quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử JD.com?

- Lợi ích Gian hàng Quốc gia Việt Nam mang lại cho doanh nghiệp tham gia là đa dạng hoá kênh phân phối, tiếp cận và ứng dụng kênh phân phối hiện đại, tối ưu hoá chi phí, được hưởng những lợi ích do các đơn vị tài trợ, nguồn lực xã hội hoá mang lại. Tiếp cận trực tiếp được với người tiêu dùng trong phạm vi cả nước.

Ngoài ra, doanh nghiệp Việt được quảng bá thương hiệu một cách mạnh mẽ thông qua các chương trình của Bộ Công thương, các tỉnh, thành địa phương, thúc đẩy giao lưu hàng hoá các tỉnh, địa phương.

Tiêu chuẩn chung đối với doanh nghiệp đăng ký tham gia: Là doanh nghiệp sản xuất, có nhà máy, cơ sở sản xuất tại Việt Nam được đăng ký kinh doanh hợp pháp; Có hàng hoá đã được đăng ký thương hiệu, được đăng ký chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm...; Có hàng hoá, sản phẩm phù hợp với mô hình phân phối trên sàn thương mại điện tử tại Trung Quốc. 

Khi tham gia vào chương trình Gian hàng Quốc gia Việt Nam trên sàn thương mại điện tử JD.com, doanh nghiệp được miễn phí khởi tạo gian hàng, tiết kiệm tối đa chi phí vận hành, chi phí quảng cáo, chi phí truyền thông và các chi phí logistics khác... Đặc biệt thuế tổng hợp áp riêng cho thương mại điện tử thấp hơn thuế VAT thông thường.

online

* Với vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực thương mại điện tử nói chung và thương mại điện tử xuyên biên giới nói riêng, Bộ Công thương có khuyến nghị gì đối với doanh nghiệp xuất khẩu khi tham gia kênh xuất khẩu tiềm năng này?

- Chắc chắn thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ mở ra câu chuyện xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm khác vốn là thế mạnh của Việt Nam. Đây là cơ hội không chỉ cho doanh nghiệp xuất khẩu nói chung mà cho cả các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp địa phương, hợp tác xã, các cá nhân có sản phẩm chất lượng tốt và biết vận dụng thương mại điện tử.

Tuy nhiên, cơ hội bao giờ cũng đi kèm với thách thức. Đó là những khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, bảo quản hàng hóa, khâu thông quan hàng hóa, hiểu biết về thủ tục xuất nhập khẩu và đặc biệt là đối với lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới. Có thể tóm tắt một số điểm quan trọng đáng chú ý như sau:

- Cần phải hiểu biết về thị trường nước nhập khẩu, một sản phẩm có thể bán rất tốt ở thị trường này, nhưng sẽ không thể bán được ở thị trường khác do tính chất của sản phẩm và đặc tính tiêu dùng của thị trường. Do vậy, nên tập trung vào những sản phẩm là lợi thế của Việt Nam để đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm đó.

- Ngoài ra, để nhận được các đơn đặt hàng qua nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp cũng cần có kỹ năng quảng bá về các mặt hàng chủ lực, có lợi thế tới các thị trường ngoài nước. Với sự quảng bá mạnh mẽ, cùng sự vào cuộc, hỗ trợ của các cơ quan chức năng, chúng ta mới có thể đem các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới người tiêu dùng của các nước trên thế giới một cách hiệu quả qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới.

- Đồng thời, cần hiểu các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hoá cũng như các quy định liên quan tới nhập khẩu của thị trường nước nhập khẩu. Đảm bảo hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng và các chứng từ, chứng nhận phù hợp với các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, quy định về pháp lý trước khi đưa sản phẩm vào thị trường đó.

- Cuối cùng cần nắm rõ được quy trình vận hành logistics trong thương mại điện tử xuyên biên giới, cách thức bảo quản hàng hóa hiệu quả và tính toán được phương án logistics tối ưu nhất, chi phí thấp nhất để hàng hóa có giá bán cạnh tranh nhất khi phân phối trên thương mại điện tử tại thị trường quốc gia nhập khẩu.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Huyền Trang (thực hiện)