Mùa dịch, tinh thần cũng cần ‘vaccine'
(DNTO) - Sang chấn tâm lý với các biểu hiện lo âu, trầm cảm, thậm chí bị giảm ý thức…, đang có dấu hiệu gia tăng. Dịch bệnh đang thúc đẩy bệnh lý tâm thần diễn ra nhanh, trầm trọng hơn và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Những lo lắng về tình hình dịch bệnh, cộng với việc phải ở trong nhà dài ngày do giãn cách xã hội hay thường xuyên đọc các báo cáo về tình hình dịch, số ca mắc, ca tử vong..., là những tác nhân đang khiến nhiều người bất an, lo lắng do chưa kịp thích nghi, nặng hơn là có thể mắc phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Phát biểu trong buổi hội thảo về Chăm sóc F0 và phòng chống Covid-19, diễn ra ngày 4/9, do Bệnh viện y khoa Phạm Ngọc Thạch kết hợp cùng Hội Quân dân y, Hội Giáo dục và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng tổ chức, Ths.BS Lê Thành Tân, bộ môn Tâm thần, trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết dịch bệnh đang tác động mạnh đến tâm lý không chỉ bệnh nhân F0 mà cả với lực lượng y tế và người dân trong cộng đồng.
Thống kê chung trên toàn thế giới cho thấy, với những người dân sống trong mùa dịch, 9,7% người dân rơi vào trầm cảm; 8-36% bị căng thẳng tâm lý với các triệu chứng trầm cảm, tuyệt vọng, lo âu; 3-7% vướng phải các triệu chứng rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) với biểu hiện như tăng kích thích, tâm trạng tiêu cực, cơn hồi tưởng...
Riêng với nhân viên y tế, PTSD đạt tỷ lệ cao chiếm 35-49% do những ám ảnh trong quá trình điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt các bạn trẻ mới ra trường; 15-25% y, bác sĩ rơi vào trầm cảm.
Đặc biệt, với các bệnh nhân F0 Covid-19, biểu hiện của sang chấn tâm lý càng rõ nét. Theo BS. Lê Thành Tân, tới 25% bệnh nhân nhập viện có triệu chứng thần kinh trung ương như choáng váng, nhức đầu, giảm ý thức; 69% bị kích động; 65% lú lẫn; 33% suy nhược thần kinh. Tuy nhiên, theo bác sĩ, "các triệu chứng trên có thể do phản ứng viêm, cơn bão cytokines (phản ứng miễn dịch quá mức đối với các kích thích đối với cơ thể từ bên ngoài) nhiều hơn do virus tấn công não", bởi xét nghiệm vùng não thì hoàn toàn âm tính với virus gây bệnh.
Nguy hại hơn, nhiều bệnh nhân còn có ý định tự sát nếu không được can thiệp kịp thời của y, bác sĩ. Điều này khiến cho quá trình điều trị bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn.
Có thể nói, trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay, vấn đề sức khỏe tâm thần trở thành vấn đề quan trọng cần phải quan tâm và phòng ngừa tích cực, tránh để lại những hậu quả nặng nề.
Theo BS Tân, việc dành thời gian nghỉ ngơi hay tập hít thở sâu, hoặc thiền có hiệu quả giúp bộ não được thư giãn. Thậm chí, có thể ngửi mùi hương mình thích cũng có thể giúp não nghỉ ngơi, tăng khả năng thích nghi.
Ăn uống lành mạnh, tập thể dục chăm chỉ, hạn chế các chất kích thích cũng sẽ góp phần chăm sóc cơ thể và sức khỏe tinh thần, giúp bạn vững vàng vượt qua mùa dịch. Đặc biệt, việc sử dụng các loại thuốc an thần cần phải được sự tư vấn của bác sĩ, tránh việc lạm dụng thuốc.