Luật sư Việt đứng sau những tỉ phú giàu nhất nước Úc: ‘Cuộc đời tôi giống như một giấc mơ’
(DNTO) - 20 năm học tập và hành nghề trên đất khách, luật sư Nguyễn Hải Đăng cho rằng, những thành công đến với ông ngoài sự nỗ lực của bản thân, còn có những sự sắp đặt không ngờ của số phận.
Bố mẹ là người dẫn đường đầu tiên
Sinh trưởng trong một gia đình có bố là kĩ sư đóng tàu, mẹ là kĩ sư mỏ địa chất, làm việc tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Nguyễn Hải Đăng sớm thừa hưởng sự giáo dục nề nếp. Cậu thanh niên lúc đó sớm bộc lộ năng khiếu tại các môn tự nhiên (toán, lý, hóa) và tự nhận là người không thích viết lách, chỉ thích thể hiện ý tưởng bằng kí hiệu, càng ít chữ càng tốt và muốn theo đuổi những ngành nghề liên quan đến khoa học – kĩ thuật.
Thế nhưng, Việt Nam những năm đầu thập niên 90 đang bước vào thời kì đổi mới, bố mẹ Hải Đăng nhận định rằng, hiện trong nước không thiếu chuyên gia khoa học nhưng quá trình đất nước mở cửa, nền kinh tế sẽ vận hành theo thị trường quốc tế, nên rất cần chuyên gia kinh tế, thương mại. Vì vậy, Hải Đăng được định hướng cho theo học ngành luật kinh tế.
Năm 1993, khi vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, tuy đỗ đại học trong nước với thành tích khá cao nhưng Hải Đăng quyết định đi du học theo nguyện vọng của gia đình, dù lúc đó, trong đầu cậu thanh niên này chưa hề có định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Trước khi du học, Hải Đăng có một năm học dự bị tiếng Anh. Do trước đó chỉ học tiếng Nga nên Hải Đăng phải bắt đầu lại từ đầu. “Trong một năm đó, tôi học miệt mài, sáng học tiếng Anh, tối lại đeo headphone nghe phát âm, đến nỗi lúc nằm mơ nói tiếng Anh, thi thoảng ngồi một mình cũng tưởng tượng có người nói chuyện với mình bằng tiếng Anh”, Hải Đăng nói.
Năm 1994, Nguyễn Hải Đăng được nhận vào Đại học New South Wales – một trong những trường đại học hàng đầu nước Úc, học song bằng luật - kinh tế. Thế nhưng, năm đầu tiên ngồi trên giảng đường của New South Wales, cậu sinh viên người Việt “tưởng chừng cái gì cũng biết nhưng thực tế chẳng hiểu gì”, bởi chưa thể thay đổi tư duy và làm quen với phương pháp đào tạo tại Úc.
“Mỗi tiết học hầu như giáo viên không giảng nhiều mà dành chủ yếu dành thời gian cho sinh viên thảo luận. Ngày nào cũng như vậy mà tôi không biết mình đang học cái gì, và không hiểu gì khi tiếp cận với những tư duy luật pháp mới lạ. Trong lúc làm bài tập, lúc nào tôi cũng chỉ muốn chiến thắng, thậm chí đề nghị giáo viên công bố kết quả bài tập, nhưng thầy đều nói không. Phải mất một năm tôi mới cảm thấy vỡ ra rằng đối với một luật sư, đừng mong tìm câu trả lời đúng/sai. Điều quan trọng là chính kiến của mình như thế nào và làm thế nào bảo vệ nó một cách hợp lý”, Nguyễn Hải Đăng chia sẻ.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Kì nghỉ hè năm đầu tiên tại trường Đại học New South Wales, Nguyễn Hải Đăng trở về Việt Nam sau 11 tháng học tập tại đất khách. Tuy nhiên, do thay đổi lịch trình, Nguyễn Hải Đăng buộc phải đến phòng vé để đổi vé.
Cũng trong khoảnh khắc bước chân ra khỏi phòng vé, Đăng chạm mặt Tom – người bạn nước ngoài sau 1 năm không gặp mặt, đang làm cho hãng luật Baker McKenzie tại Việt Nam. Nhờ cuộc gặp gỡ này, Đăng được Tom giới thiệu vào Baker McKenzie làm vị trí dịch thuật và trợ lý luật sư.
“Cơ duyên với các hãng luật bắt đầu từ đó. Vì được học việc trong Baker McKenzie thời điểm đó tôi mới biết được luật sư làm những công việc gì. Giám đốc điều hành hãng luật dường như thấy được khả năng của tôi nên vào mỗi dịp nghỉ hè, ông thường tạo điều kiện cho tôi về Việt Nam để vừa học vừa làm, giúp tôi có thêm kinh nghiệm”, ông Đăng kể.
Cũng theo Nguyễn Hải Đăng, mỗi năm, hãng luật như Baker McKenzie nhận được hơn 1.000 hồ sơ xin việc, nhưng sau vòng sơ tuyển chỉ còn lại 100 người. Với một du học sinh Việt còn đang chập chững ngồi trên ghế nhà trường, nhận được một cơ hội không phải ai cũng có, Hải Đăng cho biết phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba người khác.
“Khi vào hãng luật, xung quanh toàn người da trắng, tôi luôn tâm niệm phải làm thế nào để khẳng định được mình, vươn lên trong môi trường cạnh tranh gay gắt, dù thời điểm đó tôi không biết mình làm được bao lâu”.
Cuối năm học thứ 2, Nguyễn Hải Đăng đạt giải sinh viên xuất sắc ngành tài chính ngân hàng của Đại học New South Wales và cũng là một trong số ít sinh viên được chọn để làm phụ giảng. Ra trường, Hải Đăng thuận lợi được nhận vào làm trong các hãng luật danh tiếng.
Ông Nguyễn Hải Đăng hiện là Luật sư thành viên tại Úc và Anh của hãng luật danh tiếng Squire Patton Boggs, đồng sáng lập và là thành viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Sydney (Úc). Năm 2020, ông đạt danh hiệu Luật sư thành viên của năm (chuyên ngành Tài chính, Ngân hàng) do Hiệp hội luật sư, doanh nghiệp và khách hàng Úc bình chọn. Ông cũng đã tư vấn cho rất nhiều ngân hàng và tập đoàn lớn trên thế giới và Việt Nam như Google, Amazon, HSBC, Citibank, Techcombank, Vietcombank… và cũng là luật sư được nhiều tỷ phú nước Úc “chọn mặt gửi vàng”.
Nguyễn Hải Đăng chưa dám nhận là thành công bởi ông cho rằng, thành công của một con người có hai khía cạnh: thành công trong công việc và cuộc sống. Bản thân ông dành sự đánh giá cho khách hàng.
“Từ việc sang Úc, học và tốt nghiệp ngành luật đến việc làm việc cho hãng luật hàng đầu thế giới đối với tôi đã là một giấc mơ, chỉ vừa mới xảy ra, nó giống như một định mệnh vì có những sự kiện xảy ra mà mình không thể dự trù trước”, ông Đăng nói.
Luôn phải lường được rủi ro
Trước câu hỏi đã từng thất bại chưa, ông Nguyễn Hải Đăng cho hay, trong suốt hơn 20 năm hành nghề luật, ông không dám cho phép mình thất bại. Đôi lúc có những khó khăn, kết quả công việc không được như ý muốn nhưng ông Đăng cho biết nó chỉ giống như việc đi học, dù nỗ lực rất nhiều nhưng không được điểm cao. Bởi theo ông Đăng, nghề luật sư tư vấn là phải nắm bắt, phân tích được rủi ro và tư vấn cho khách hàng làm sao hạn chế, giảm thiểu rủi ro một cách thấp nhất và phải chuẩn bị một kế hoạch để giải quyết hậu quả nếu rủi ro xảy ra.
“Trong cuộc sống nói chung, với tư duy của người luật sư, tôi luôn đặt câu hỏi xoay quanh rủi ro nên quá trình hành nghề giảm thiểu tối đa những thất bại”, ông Đăng chia sẻ.
Sau chặng đường dài gắn bó với nghề luật, ông Nguyễn Hải Đăng mong muốn được truyền lửa nghề cho thế hệ kế cận. Ông Đăng cho biết, nghề luật cần những người có niềm đam mê mãnh liệt, bởi nếu không có đam mê, khó có thể kiên trì đọc tới hàng trăm trang sách mỗi tuần, hay thức thâu đêm suốt sáng để giải quyết vấn đề cho khách hàng.
“Có nhiều luật sư trẻ nhờ tôi chỉ cách làm thế nào để trong vòng một năm có thể học được những kinh nghiệm từ tôi. Nhưng nghề luật không thể “ăn xổi”, không phải cứ học thuộc lòng các bộ luật, hay làm việc quên ăn quên ngủ là thành công, nó cần sự đúc kết kinh nghiệm qua từng vụ việc. Hiện tại, ngay bản thân tôi vẫn phải nỗ lực mỗi ngày”, ông Đăng nhấn mạnh.