Luật hóa 6 hành vi thao túng thị trường chứng khoán
(DNTO) - Luật được Quốc hội thông qua bổ sung quy định xác định rõ 6 hành vi được coi là thao túng thị trường chứng khoán.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật (Chứng khoán; Kế toán; Kiểm toán độc lập; Ngân sách Nhà nước; Quản lý, sử dụng tài sản công; Quản lý thuế; Thuế thu nhập cá nhân; Dự trữ quốc gia; Xử lý vi phạm hành chính) đã được Quốc hội thông qua, với 445/450 đại biểu tán thành, chiều 29/11. Trong đó, luật đã quy định rõ 6 hành vi được coi là thao túng thị trường chứng khoán.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Cũng trong ngày 29/11, Quốc hội thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi); thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật; Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; thông qua Luật Địa chất và khoáng sản; thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Với Luật Chứng khoán, quá trình thẩm tra nội dung, cũng như các ý kiến của đại biểu thảo luận tại tổ và hội trường, có 2 nội dung còn có ý kiến nhiều chiều, gồm: Báo cáo về vốn điều lệ và việc ngân hàng thương mại tham gia làm thành viên bù trừ, thanh toán giao dịch cho các chứng khoán giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán.
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trước khi đại biểu bấm nút biểu quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan, tiếp thu, chỉnh lý quy định 2 nội dung này, theo hướng quy định trong luật mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể bảo đảm tính khả thi.
Theo đó, trong luật quy định, báo cáo về vốn điều lệ đã góp tính đến thời điểm đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán độc lập theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Luật cũng quy định thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch cho các chứng khoán giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán.
“Trường hợp thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh, thành viên bù trừ là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được thực hiện bù trừ, thanh toán giao dịch cho chính thành viên bù trừ là ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, theo luật được thông qua.
Luật quy định 6 hành vi thao túng thị trường chứng khoán, gồm:
1. Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;
2. Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo;
3. Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm thao túng giá chứng khoán;
4. Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán;
5. Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó;
6. Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.