Liệu có gì mới với PGB?
(DNTO) - Hơn 155 triệu cổ phiếu giao dịch, tương đương với hơn 51% lượng cổ phiếu đang lưu hành của PGB được trao tay trong phiên ngày 11/7, cùng đó thị giá của PGB tăng hơn 14%, chốt phiên tại 27.900 đồng/cp.
Cổ phiếu PGB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Xăng dầu Petrolimex đã lập kỷ lục mới với lượng giao dịch khổng lồ trên 150 triệu đơn vị chỉ trong một phiên. Trước đó, mã VND của VNDirect cũng từng được biết đến với thành tích bất ngờ với trên 105 triệu đơn vị khớp lệnh trong phiên.
Hơn 51% lượng cổ phiếu lưu hành được giao dịch, điều này cho thấy sự xáo trộn mạnh mẽ mà cổ phiếu này đang phải trải qua. Thị giá PGB tăng kịch trần 14,8%, đạt 27.900 đồng/cp, giá trị giao dịch đạt hơn 3,2 ngàn tỷ đồng. Kết phiên, chiều dư mua vẫn còn hơn 770 ngàn đơn vị, chiều dư gần như còn rất ít.
Khối ngoại cũng giao dịch nhỏ giọt với PGB khi hoàn toàn không có lệnh mua. Khối này chỉ bán nhẹ 1.500 đơn vị, giá trị mua ròng đạt con số âm 42 triệu đồng.
Thông báo từ ngân hàng cho biết, nhiều người nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã liên tục đăng ký bán cổ phiếu PGB.
Cụ thể, bà Đinh Thị Bé, chị ruột Phó Tổng Giám đốc ngân hàng, ông Đinh Thành Nghiệp, đăng ký bán gần 4,1 triệu đơn vị, tương đương 1,38% vốn tại PGB, thời gian từ 6/7-4/8. Em ruột của ông Đinh Thành Nghiệp cũng đăng ký bán gần 3,4 triệu cổ phiếu, tương đương 1,13% vốn cũng trong khoảng thời gian trên. Trước đó, hai cá nhân trên đã liên tục đăng ký bán PGB nhưng đều không thành công.
Nhiều thách thức phía trước
Nói về khó khăn thách thức của ngành ngân hàng, PG Bank có thể xem là một điển hình.
Tính đến cuối năm 2022, PGB là một ngân hàng quy mô nhỏ gần như thấp nhất trong hệ thống tín dụng trong nước với tổng tài sản chỉ 49 nghìn tỷ đồng.
Tăng trưởng tín dụng cả năm 2002 khá khiêm tốn chỉ 4%, NIM của ngân hàng cũng chỉ đạt 2,9%, không quá cao do cấu trúc cho vay tập trung nhiều vào khách hàng doanh nghiệp. Cùng đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vẫn ở mức cao với 2,6% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu LLR thấp chỉ 38%.
Tháng 4 vừa qua, PLX (Petrolimex) cổ đông lớn nắm giữ 40% cổ phần của PGB, đã chính thức thoái vốn khỏi ngân hàng này. "Kết quả đấu thầu vừa qua có 4 nhà đầu tư trúng giá, trong đó 3 tổ chức và 1 cá nhân. Giá trúng cao nhất là 21.500 đồng/cp, chỉ cao hơn 200 đồng/cp so với giá khởi điểm 21.300 đồng/cp. Giá trúng bình quân là 21.400 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị cổ phần bán được là 2.568 tỷ đồng", VNDirect thông tin.
Việc ra đi của PLX được cho sẽ tác động mạnh đến hoạt động của ngân hàng đặc biệt các vấn đề như tiền gửi, khoản vay, bảo lãnh phát hành, dịch vụ thanh toán tại các trạm xăng khi mà vai trò của PLX tại ngân hàng này đã quá lớn trong thời gian dài.
Trong khi đó, nhiều năm qua, PGB đã liên tục tìm kiếm đối tác mà chưa có kết quả. Nhiều đồn đoán đã được đưa ra về đối tác mới của PGB, tuy nhiên tại ĐHĐCĐ thường niên, phía lãnh đạo ngân hàng đã khẳng định sẽ không có kế hoạch sáp nhập với đơn vị nào và sẽ tiếp tục hoạt động độc lập.