‘Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung’
(DNTO) - Có lẽ ít người biết sự kiện lần đầu tiên Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) quyết định tổ chức “Ngày Quốc tế về khoan dung” vào ngày 16/11/1996. Từ sự kiện này cho thấy, khoan dung là một phẩm chất cao đẹp của con người cần được cổ súy, thúc đẩy và vinh danh.
Chiều ngày 3/12, trên mạng xã hội facebook xuất hiện một video dài gần 4 phút ghi lại hình ảnh một nhóm người có hành vi tát vào mặt, cắt tóc, cắt dây áo ngực… kèm theo những lời chửi bới và ghi hình đăng tải lên mạng xã hội đối với một cô gái trong khi cô gái hoảng loạn, sợ hãi, quỳ lạy, liên tục khóc lóc van xin.
Theo người đăng tải chia sẻ, vụ việc xảy ra tại shop thời trang Mai Hường ở số 93 đường Lê Hoàn, phường Lam Sơn, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Nạn nhân được cho là đã lấy cắp một chiếc chân váy trị giá 160 nghìn đồng tại shop Mai Hường trước đó.
Ngay khi tiếp nhận nguồn tin, Công an TP.Thanh Hóa đã tiến hành xác minh làm rõ. Nội tình được ghi nhận như sau: Ngày 25/11, sau khi phát hiện shop bị mất trộm quần áo, chủ shop là chị Mai Hường đã sử dụng trang facebook cá nhân đăng nội dung “shop đã tìm được thủ phạm ăn cắp, nếu trong vòng 24h không liên hệ, shop sẽ trình báo công an”.
Sau khi đọc được thông tin trên, T.M và L.T.H (cùng 17 tuổi, trú tại phường Quảng Vinh, TP.Sầm Sơn, Thanh Hóa) đã chủ động liên hệ với Hường để xin lỗi về việc ngày 18/11, hai cháu có đến shop Mai Hường lấy trộm quần áo. Theo yêu cầu của Hường, khoảng 9h ngày 26/11, T.M và L.T.H đi xe máy đến shop để gặp Hường nói chuyện. M. một mình đi vào trong và sau đó bị hành hung như clip đã ghi nhận.
Đành rằng pháp luật bảo vệ tài sản của công dân nhưng pháp luật cũng bảo vệ danh dự nhân phẩm của con người. Việc hai em M. và H. lấy cắp cái chân váy của shop Mai Hường là có thật. Nhưng hành vi làm nhục người khác, nhất là một bé gái còn trong độ tuổi vị thành niên, mới là việc khiến dư luận xã hội bức xúc, phẫn nộ khi clip được lan truyền.
Lấy cái sai này để giải quyết một cái sai khác sẽ dẫn đến sai càng sai. Nhìn câu chuyện theo góc nhìn thu phục nhân tâm, chúng ta rất tiếc vợ chồng chị chủ shop không đủ sự bao dung, rộng lòng tha thứ cho người khác khi họ biết nhìn nhận và sửa chữa lỗi lầm. Đặc biệt là với một đứa trẻ còn trong độ tuổi vị thành niên.
Từ xưa, các cụ đã dạy "đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại". Còn trong 14 điều răn của Phật thì điều thứ 12 ghi: “Lễ vật lớn nhất của đời người là khoan dung”. Tương tự, trong 8 câu Kinh thánh nói về lòng khoan dung của Thiên Chúa có câu: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em”… Tất cả đều nhằm răn dạy, giáo dục lòng khoan dung cho con người.
Trong lịch sử, khi giặc Minh thua trận, ta vẫn khoan hồng, không dồn họ vào đường cùng: “Thể lòng trời, ta mở đường hiếu sinh” (Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi), rồi còn cấp thuyền, cấp ngựa cho họ về nước. Giáo dục về lòng bao dung, Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng hình tượng: "Sông to, bể rộng thì bao nhiêu nước cũng chứa được, vì độ lượng của nó rộng và sâu".
Ngày nay, bàn về câu chuyện xây dựng văn hóa khoan dung, các chuyên gia cho rằng nên bắt đầu từ gia đình, lấy tấm gương của người lớn để giáo dục lòng vị tha cho trẻ nhỏ. Trẻ nhỏ chưa đủ nhận thức, dễ gây ra lỗi lầm. Chúng cần sự khoan dung của người lớn. Chứng kiến những hành động vị tha của người lớn, lòng độ lượng của trẻ cũng từ đây mà hình thành và phát triển.
Câu chuyện về một thầy giáo bắt tất cả học sinh trong lớp đứng quay mặt vào tường và nhắm mắt lại để tìm thủ phạm lấy cắp chiếc đồng hồ là một câu chuyện nói về lòng bao dung của một thầy giáo mà có thể rất nhiều người đã được đọc.
Nhiều năm sau, khi được chính cậu học trò, thủ phạm năm xưa, nhắc lại, người thầy thổ lộ: “Thầy nghĩ rằng việc lấy chiếc đồng hồ là một hành động nhất thời bồng bột của tuổi trẻ, thầy không muốn hành vi đó lưu lại trong trí nhớ của các em như một vết nhơ mà muốn đó như là một bài học để rút kinh nghiệm. Thầy tin rằng em nào đã lấy sẽ tự biết sửa đổi để trở thành người tốt hơn. Giáo dục là làm cho con người biết hướng thiện, giáo dục không phải là sự trừng phạt!”.
Còn trong “Hồi ức Đỗ Trung Quân”, nhà thơ thú nhận, hồi còn đi học, có lần vì quá mê mẫn một tập thơ mà không đủ tiền mua nên anh đã “quyết định một quyết định chưa từng có trước đó trong đời: ăn cắp sách”. Anh lận tập thơ sau lưng áo học trò bước ra cửa. Không qua mắt được ông Hùng Trương (chủ tiệm sách Khai Trí). Ông ôn tồn: “Em học lớp mấy? Là học trò sao lại đi ăn cắp. Ăn cắp gì cũng xấu hiểu chưa? Tôi coi sổ thấy em mới phạm lần đầu ở đây nên cho em về. Ráng làm người tốt, được đi học thì đừng thành ăn cắp nghen em!”.
Hơn 30 năm sau, một ngày nọ, bỗng dưng nhà thơ được ông Hùng Trương mời đến gặp. Ông đưa một bản in tay bài thơ “Quê hương – bài học đầu cho con” để xin tác giả ký tên.
Quân kể cho ông nghe về buổi chiều nhá nhem tối của Sài Gòn hơn 40 năm trước: “Đứa học sinh ăn cắp tập thơ Phạm Thiên Thư được ông tha cho với lời khuyên bảo ân cần ngày xưa. Nó đây thưa ông!”.
Sự khoan dung trong nhiều trường hợp có thể làm thay đổi cuộc đời một người theo hướng tích cực, biến họ trở thành người tử tế. Rõ thật may mắn cho cậu học trò ăn cắp đồng hồ và cậu học trò Đỗ Trung Quân vì đã gặp được những người có tấm lòng khoan dung, độ lượng.
Cô gái trong clip bị hành hung vì trót lấy cắp cái chân váy trong shop quần áo kia thì không được may mắn như thế. Bài học về hành vi sai trái của mình là bài học đáng giá mà M. cần phải thuộc là đã đành. Nhưng bài học nhân cách về tấm lòng khoan dung, về cách hành xử chấp nhặt, thô bạo, định kiến, hẹp hòi, bằng mọi cách dồn người khác vào đường cùng… cũng là một bài học mà vợ chồng chị chủ shop cần phải học.
Sống trong một đất nước pháp quyền, mọi người đều phải thượng tôn pháp luật. Không ai có quyền tự xử người khác theo cách của mình là bài học tiếp theo cho vợ chồng chị Mai Hường.
Không phải ngẫu nhiên mà Nhà nghiên cứu xã hội học Trịnh Hòa Bình tỏ ra lo lắng: Với thực tế đang diễn ra trong xã hội hiện nay, nhiều người băn khoăn có phải người Việt ưa bạo lực và ngày càng hung hãn hơn, khép kín tấm lòng với nhau hơn, nhìn người khác một cách e dè, sợ sệt hơn?