Làm sao để ‘già hóa’ thành công?
(DNTO) - Báo cáo của Ủy ban các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc công bố vào đầu năm 2023 xác định "già hóa dân số" là một xu hướng toàn cầu. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trước tình hình đó, các bạn trẻ cần làm gì để chủ động “già hóa” thành công.
Chưa kịp đi qua hết giai đoạn dân số vàng thì Việt Nam đã “hăng hái” gia nhập vào các nhóm nước “già hóa” với tỷ lệ số dân trên 65 tuổi là 9%. Đây là niềm tự hào về thành tựu của ngành y tế và thành công của chiến lược kế hoạch hóa gia đình trong nhiều thập kỷ trước đây. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra nhiều thách thức về kinh tế, xã hội và nảy sinh tình trạng “chưa giàu đã già”.
Thách thức về kinh tế, xã hội
Dân số già gây ra thiếu hụt nhân lực lao động. Mặt khác, giảm sinh khiến việc duy trì nói giống, kế thừa và gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống bị đứt gãy ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển bền vững của dân tộc. Bên cạnh đó, đội ngũ bổ sung vào quân đội làm nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng - an ninh quốc gia cũng bị ảnh hưởng. Đặc biệt trước mắt tạo sức ép rất lớn lên chính sách an sinh xã hội quốc gia.
Để biến thách thức trở thành cơ hội, Việt Nam đang tiến tới xây dựng môi trường hỗ trợ hình thành và phát triển nền “kinh tế bạc” (Silver Economy). “Kinh tế bạc” là một thuật ngữ dùng để chỉ tất cả các hoạt động kinh tế liên quan đến việc phục vụ và đáp ứng nhu cầu của người cao tuổi - một cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội chất lượng cao.
Thay vì xem người cao tuổi là gánh nặng kinh tế thì biến họ thành khách hàng tiềm năng với tư cách là người tiêu dùng. Mục tiêu kép là vừa cải thiện cuộc sống người cao tuổi vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường này động lực phát triển nền kinh tế bạc.
Nổi bật là sự ra đời, nâng cấp, mở rộng mô hình viện dưỡng lão mang lại môi trường sống khá thoải mái và thuận lợi cho người cao tuổi. Bao gồm các cơ sở dưỡng lão từ thiện do cá nhân hoặc tổ chức tôn giáo đứng ra thành lập, hoạt động theo mô hình thiện nguyện. Các cơ sở chăm sóc người cao tuổi thuộc diện chính sách do nhà nước đứng ra bảo trợ. Gần đây, bằng sự nhạy bén nắm bắt xu hướng, thời cơ của mình, nhiều cơ sở do các cá nhân, doanh nghiệp đã đứng ra tổ chức, xây dựng, vận hành mô hình trung tâm điều dưỡng, dưỡng lão cung cấp dịch vụ toàn diện, từ hỗ trợ sinh hoạt hằng ngày đến chăm sóc y tế chuyên sâu theo phương thức kinh doanh dịch vụ có thu phí tạo lợi nhuận tự duy trì hoạt động. Bên cạnh mô hình viện dưỡng lão, nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối cũng chú trọng đến các sản phẩm, dịch vụ nhắm vào đối tượng người cao tuổi.
Mới đây, ngày 2/8/2024, tại khu dân cư Phú Mỹ Hưng, Quận7, TP. HCM, Trung tâm sinh hoạt và chăm sóc người cao tuổi Genki House và siêu thị dành cho người cao tuổi Genki Plaza vừa được làm lễ ra mắt, chính thức đưa vào hoạt động.
Điểm đặc biệt của Genki House là theo mô hình chăm sóc ban ngày (bán trú). Tại đây, ban ngày các cụ được sinh hoạt trong cộng đồng cùng thế hệ, được thụ hưởng các dịch vụ y tế, giải trí dành cho người cao tuổi; Chiều tối, các cụ được trở về nhà thay vì bị tách hoàn toàn khỏi gia đình như các mô hình viện dưỡng lão trước đây. Đây là giải pháp mà các cụ rất ưa chuộng đồng thời cũng mang lại sự an tâm cho con cháu.
Cùng thời điểm khai trương Genki House, siêu thị đầu tiên dành cho người cao tuổi tại TP.HCM - Genki Plaza - cũng được ra mắt. Genki Plaza gồm khu ẩm thực, khu bán lẻ thực phẩm chức năng, nông sản sạch từ Genki Farm, các dụng cụ, thiết bị hỗ trợ luyện tập, sinh hoạt cho người cao tuổi. Genki Plaza còn có khu vực tập yoga, spa, thư giãn.
Chủ động chuẩn bị già hóa thành công
Trong bối cảnh nhiều người kết hôn muộn, sinh con muộn và con một như hiện nay, ước tính chỉ 15-20 năm trách nhiệm vừa phải chăm sóc nhiều người cao tuổi, vừa nuôi nấng con cái vừa lo cho tuổi già của chính mình đang là mối quan tâm rất lớn cho một thế hệ.
Để chủ động “già hóa thành công” phải lo cho tuổi già từ khi còn trẻ gồm sức khỏe; kinh tế và tham gia xã hội, theo Giáo sư Giang Thanh Long - chuyên gia cao cấp về dân số và phát triển của Đại học Kinh tế Quốc dân.
Nhưng bao nhiêu tuổi thì bắt đầu chuẩn bị dần cho tuổi già, đang còn trong vòng tranh cãi. Theo tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh niên là từ tuổi 45; Còn Giáo sư Nguyễn Đình Cử thì cho rằng “36 tuổi mới bắt đầu lo cho tuổi già thì đã là… hơi muộn”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có sẵn nguồn lực kinh tế để lên kế hoạch cho tuổi già từ sớm. Chỉ riêng việc xác định tương lai sau này sẽ vào trung tâm dưỡng lão cũng phải chuẩn bị tài chính trong nhiều năm, chưa kể số trung tâm dưỡng lão trên cả nước cũng chưa đủ lớn để "gánh" hết lượng người cao tuổi ngày càng cao.
Trong khi chờ đợi Nhà nước có giải pháp đột phá liên quan đến việc làm, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập bền vững cho thế hệ trẻ để họ sẵn sàng đón một tuổi già thành công thì mỗi người cần tự mình chủ động chuẩn bị già hóa thành công nhằm giảm gánh nặng cho con cái về cả vật chất lẫn tinh thần sau này.