Lương hưu: ‘Niềm tin, sức mạnh và quyền lực của tuổi già’
(DNTO) - Gần 210.000 lượt người rút bảo hiểm xã hội một lần chỉ trong 3 tháng đầu năm 2022, tương đương với con số 210.000 người về già có thể không có lương hưu đang trở thành vấn đề quan tâm của xã hội. Mặc dù các nhà quản lý đã phân tích, cảnh báo nhưng con số chưa có dấu hiệu dừng lại.
Rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần không phải là câu chuyện mới, nó xảy ra nhiều năm nay, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong giai đoạn 2014-2020, cơ quan BHXH đã giải quyết chi trả cho khoảng 4,5 triệu người hưởng BHXH một lần. Tuy nhiên, những ngày gần đây, khi nhiều công nhân ở TP.HCM đến cơ quan BHXH xếp hàng từ 5 giờ sáng để làm thủ tục hưởng BHXH một lần thì vấn đề trở nên báo động.
Có nhiều nguyên nhân đưa đến việc người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần: Nhưng tập trung vào 2 nguyên nhân phổ biến. Thứ nhất, do cuộc sống trước mắt khó khăn, thiếu thốn nhất là qua hai năm đại dịch, số tiền tích lũy được đã không còn. Trước tình thế cần giải quyết việc gia đình, người lao động nghĩ đến phương án rút BHXH một lần.
Thứ hai, thời gian chờ đến tuổi nghỉ hưu để được lĩnh lương hưu kéo dài lâu quá, có khi phải đến 15 – 20 năm. Người ta không biết chắc mình có “chờ” được đến ngày đó hay không. Thôi thì rút ra làm “vốn”.
Cũng không loại trừ một lý do nữa nghe có vẻ “tâm linh” nhưng trong thực tế không ít người dân đã có suy nghĩ về sự “vô thường” của cuộc sống qua những mất mát đau thương mà đại dịch Covid-19 để lại, họ rút BHXH một lần trước mắt cho “chắc ăn”.
Tuy nhiên, trên đây chỉ là suy nghĩ một chiều, bởi vì con người không ai biết mình có thể bất ngờ “ra đi” vào lúc nào thì con người cũng đâu có biết mình sẽ “tồn tại” trên thế gian này đến bao nhiêu tuổi (trong khi tuổi thọ của người Việt ngày càng tăng cao)
Chỉ khi nào đối mặt với tuổi già, với những ngày tháng không thể lao động kiếm tiền, chỉ khi nào đau yếu triền miên, phải nương tựa, thậm chí làm gánh nặng cho con cái…, lúc ấy, chúng ta mới thấy mấy đồng lương hưu còm cõi có sức mạnh và “quyền lực” vô biên. Lúc ấy, chúng ta mới thấy giá trị của loại hình “đầu tư tài chính” này. Lúc ấy, chúng ta mới thấy được gánh nặng an sinh xã hội của nhà nước đối với bản thân mình.
Khi đề cập đến quan hệ mẹ chồng nàng dâu, người ta luôn nghiêng về phía nàng dâu bị ức hiếp, ngược đãi, thiếu tình thương… nhưng với bà N. có vẻ như ngược lại. Từng làm công nhân ngành than rồi nghỉ việc khi mới 40 tuổi, bà N. rút BHXH một lần “hùn” vào tiền sửa lại ngôi nhà của anh con trai rồi về ở chung với con “cho nó phụng dưỡng”. Mang tiếng là phụng dưỡng nhưng suốt ngày bà quần quật như ôsin. Thằng cháu nội hiếu động chạy nhảy lung tung, bà theo không kịp, thằng bé té u đầu, cô con dâu đi làm về “giằng mâm xán thớt”.
Bà N. ngày một già yếu theo tuổi tác, lương hưu không có, bảo hiểm y tế cũng không. Phải ăn bám của con, ngày khỏe mạnh đã vất vả, những khi ốm đau bị con dâu dằn vặt, tiếng chì tiếng bất còn tủi thân gấp bội phần. Mặc dù lúc nào có ai đó chạnh lòng an ủi, bà cũng đều nói, quen rồi, nhưng trong lòng thì lúc nào cũng buồn tủi không nguôi.
May mắn hơn bà N., bà L lúc nghỉ việc, theo quy định về độ tuổi thì bà đã đủ tuổi về hưu nhưng số năm tham gia BHXH còn thiếu khoảng hai năm để được nhận lương hưu. Thay vì nhận BHXH một lần, bà L. chọn cách tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện cho những năm còn thiếu để được nhận lương hưu.
Giờ đây hằng tháng bà có thêm mấy triệu tiền lương hưu. Mọi chi phí sinh hoạt bà có thể tự túc lo được mà không phải nhờ vào con cháu. Lại còn thi thoảng mua cho các cháu cái bánh, cái kẹo hay món quà sinh nhật… vì thế các cháu cứ xoắn xuýt theo bà.
Có thể vì không có sự lựa chọn khác nên nhiều người buộc phải rút BHXH một lần Nhưng rất nhiều người nhìn nhận cùng với khoản tiền có được giúp giải quyết nhu cầu về tài chính trước mắt là nỗi lo tuổi già không có lương hưu trong tương lai, bởi vì quyết định rút BHXH một lần đa số là người lao động nghèo.
Làm gì để ngăn dòng người đang ồ ạt nhận BHXH một lần, trách nhiệm này thuộc người làm chính sách. Riêng người lao động khi đứng trước quyết định rút BHXH một lần hay để dành lĩnh lương hưu bảo đảm cuộc sống khi về già, nên cân nhắc kỹ lưỡng.
Người lao động có lương hưu, đồng nghĩa với việc sẽ có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng, không phải tiếp tục lao động mưu sinh hay sống dựa vào con cái.
Ngoài khoản tiền lương, người nghỉ hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Khi bị ốm đau, bệnh tật, phải đi khám chữa bệnh, không cảm thấy mình là gánh nặng của con cái sẽ tạo cho cha mẹ sự thanh thản tự tin an hưởng tuổi già. Nếu người đang hưởng lương hưu chẳng may qua đời, thân nhân của họ sẽ được hưởng tiền mai táng phí và tiền tuất một lần.
Tóm lại, để có thể chủ động tài chính khi chúng ta không còn sức khỏe để tạo ra thu nhập thì việc tham gia đóng BHXH để lĩnh lương hưu góp phần tự chủ cuộc sống khi về già, là kế hoạch tốt nhất cho mỗi cá nhân.