Kỹ năng sinh tồn quyết định sự sống của con người trong thảm họa

(DNTO) - Sống sót kỳ diệu trong rừng Amazon hơn 40 ngày sau tai nạn máy bay, 4 đứa trẻ thuộc cộng đồng thổ dân Huitoto đã cho chúng ta một bài học về kiến thức và kỹ năng sinh tồn mà mỗi đứa trẻ đều nên được rèn luyện ngay từ bé.
Ngày 9/6, tức là 40 ngày sau khi chiếc máy bay Cessna 206 chở 7 người gặp nạn trên hành trình từ Araracuara đến San Jose del Guaviare, trong khu vực rừng Amazon của Colombia, bốn đứa trẻ mất tích được tìm thấy gồm chị cả 13 tuổi Lesly, Soleiny 9 tuổi, Tien 4 tuổi, và bé Cristin mới 11 tháng tuổi giữa khu vực đầy rắn, muỗi và nhiều loài sinh vật nguy hiểm khác.
Chị cả Lesly cho biết, trong những ngày đầu tiên, chúng ở gần khu vực xác máy bay, ăn những thực phẩm tìm được từ máy bay. Khi thực phẩm cạn dần, các em đã tìm đường ra khỏi khu rừng. Thức ăn mang theo là mấy ký lô bột sắn lấy được trên máy bay. Trên đường đi, chúng đã ăn các loại quả hái trong rừng và uống nước sông. Do Lesly rất quen thuộc với môi trường trong rừng, Lesly biết loại quả nào có thể ăn được và biết cách chăm em bé.

Rèn luyện kỹ năng sinh tồn cho trẻ bao gồm giáo dục kiến thức và cho trẻ trải nghiệm thực tế. Ảnh Internet
Đây là một minh chứng cho giá trị của kỹ năng sinh tồn. Trẻ em người Huitoto vốn được học kỹ năng săn thú, bắt cá và hái lượm từ nhỏ. Những kiến thức, hiểu biết về cách sinh tồn trong rừng đã cứu sống các em.
Trong cuốn sách có tựa đề “Turbulence: A Survival Story” (tạm dịch: Bất an - Câu chuyện về sự sinh tồn), Herfkens viết rằng: “Nếu bạn nghĩ sống sót sau một vụ tai nạn máy bay nghĩa là định mệnh đã trao cho bạn tấm vé may mắn, có lẽ bạn nên nghĩ lại…”.
Cách đây rất nhiều năm, tôi cũng đã được xem một phim. Bối cảnh trong phim là cảnh một thiếu niên trên đường đi thăm bố đang làm việc ở một đoàn nghiên cứu trong rừng Amazon dịp Noel, bị tai nạn rơi máy bay. Cả máy bay chỉ có mình em sống sót. Theo lời bố dặn, nếu lạc rừng cứ bám theo suối thế nào cũng gặp người. Nó đã làm như vậy và được cứu sống. Khi người ta tìm thấy thì vết chân em đã lúc nhúc dòi.
Ở nước ta, thỉnh thoảng chúng ta vẫn nghe thấy thông tin đau lòng về việc trẻ em thương vong do tai nạn gây ra. Hay gặp nhất là đuối nước, rơi từ trên tầng cao, bỏng nước sôi, bỏng lửa, tai nạn giao thông… cho đến những tai nạn rất hy hữu như sặc thức ăn, uống nhầm xăng, ngã cầu thang, bị bỏ quên trên xe ô tô.
Vấn đề đặt ra là chúng ta buộc phải giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ, đặc biệt là kỹ năng sinh tồn và thoát hiểm. Kỹ năng sinh tồn là những kỹ thuật mà một người có thể sử dụng để duy trì sự sống trong bất kỳ môi trường nào. Kỹ năng sinh tồn thường gắn liền với nhu cầu sống sót trong tình huống thảm họa.
Rèn luyện kỹ năng sinh tồn cho trẻ bao gồm giáo dục kiến thức và cho trẻ trải nghiệm thực tế. Hãy bắt đầu bằng những việc rất nhỏ xảy ra trong cuộc sống. Chẳng hạn để tránh cho con bạn tai nạn đuối nước hãy tập cho con mình biết bơi lội thành thạo; Tập cho trẻ sử dụng thành thạo các dụng cụ trong nhà như búa đóng đinh, để khi bị nhốt trong xe hơi bé biết dùng búa thoát hiểm đập vỡ kính xe; Cung cấp kiến thức về cách núp mưa như thế nào để tránh sét, dạy trẻ biết băng qua đường đúng vạch, biết cách phản ứng khi bị sàm sỡ, khi bị kẹt trong thang máy, khi đi lạc đường… Thậm chí khi tan trường, không thấy bố mẹ đến rước như thường lệ mà trời thì tối, đường thì vắng, trẻ phải làm sao… Hãy bắt đầu bằng những việc rất nhỏ như thế.
Đã đến lúc chúng ta hãy xem giáo dục kỹ năng sống, cụ thể là rèn luyện kỹ năng sinh tồn và thoát hiểm cho trẻ là mục tiêu quan trọng trong việc bảo vệ con cái chúng ta trước hiểm họa. Hãy từ bỏ thói quen chăm bẵm, bao bọc, cưng như trứng hứng như hoa mà nhiều ông bố, bà mẹ Việt hiện nay vẫn đang “áp dụng” với con mình.

Luôn giữ được bình tĩnh trong mọi tình huống là “xương sống” của kỹ năng sinh tồn. Ảnh Internet
Đang bắt đầu vào mùa nghỉ hè, các hoạt động dã ngoại như cắm trại ngoài trời, di chuyển bằng các phương tiện máy bay, tàu xe; tắm biển, lội sông, câu cá, săn bắn… tất cả đều có yếu tố rủi ro, rất cần kỹ năng sinh tồn cơ bản, đặc biệt là cách xử lý các tình huống khẩn cấp.
Cũng cần nói thêm, yếu tố có tính cách quyết định ban đầu, làm nền tảng cho quá trình chiến đấu để duy trì sự sống khi gặp tình huống nguy hiểm là sự bình tĩnh. Luôn giữ được bình tĩnh trong mọi tình huống là “xương sống” của kỹ năng sinh tồn.