Hãy để người mình thương yêu đi bằng chính đôi chân của họ

(DNTO) - Qua câu chuyện "sóng gió gia tộc" nhà cố NSƯT Vũ Linh, chúng ta - những người ngoài cuộc thấy được điều gì khi chiêm nghiệm về cuộc sống? Chắc chắn sẽ có rất nhiều bài học được rút ra.

Ca sĩ Hồng Phượng - cháu gái cố NSƯT Vũ Linh đã đăng tải đoạn video lên tiếng về những ồn ào trong gia đình. Ảnh internet
Việc gì đến sẽ đến. Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận (TP.HCM) tuần qua đã thụ lý đơn kiện của bà Võ Thị Hồng Nhung - em gái cố nghệ sĩ Vũ Linh - nội dung khởi kiện tranh chấp tài sản đối với chị Võ Thị Hồng Loan - con gái cố nghệ sĩ Vũ Linh.
Động thái tiếp theo là nghệ sĩ Hồng Phượng - con gái của bà Hồng Nhung có buổi livestream cho biết cô đã gửi thư đến các cơ quan báo chí để trình bày về quan điểm của cô, đã lập vi bằng các tài khoản mạng xã hội cố tình sỉ nhục, bôi nhọ, vu khống và triệt hạ danh dự của cô. Và cô cũng gửi đơn tố cáo hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ theo điều 331 Bộ LHS và vi phạm Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của facebooker, tiktoker cùng các cá nhân tham gia trên mạng xã hội.
Như vậy là việc gia đình cùng ngồi lại với nhau như mong muốn của giới hâm mộ đã không xảy ra. Nội dung khởi kiện nêu rất rõ đây là cuộc tranh chấp tài sản.
Cố NSƯT Vũ Linh qua đời đã hơn 100 ngày. Cũng ngần ấy thời gian, câu chuyện gia đình ông hằng ngày, hằng giờ được mổ xẻ trên mạng xã hội. Rất hiếm có một "drama" nào khi xảy ra, được nhận về hơn 90% ý kiến một chiều công khai trên mạng xã hội như sự việc này. Cho nên cư dân mạng hầu hết có niềm tin rất mãnh liệt vào sự chính xác của những thông tin mà họ được nghe thấy. Đó là điều dễ hiểu.
Câu chuyện được khai thác hầu như không còn chi tiếc nào là mới. Và nếu những thông tin kia cuối cùng được xác tín bởi cơ quan chức năng thì vấn đề còn lại đặt ra ở đây là: Qua câu chuyện "sóng gió gia tộc" nhà cố NSƯT Vũ Linh, chúng ta - những người ngoài cuộc – thấy được điều gì khi chiêm nghiệm về cuộc sống? Chắc chắn sẽ có rất nhiều bài học được rút ra. Trong đó không thể không nói đến sự bao bọc đi quá giới hạn của cố NSƯT Vũ Linh với em mình.

Sự bao bọc của NSƯT Vũ Linh lúc sinh thời là một trong những nguyên nhân gây ra những ồn ào của người thân về quyền thừa kế sau này. Ảnh Internet
Xuất phát từ tình thương yêu vô bờ bến và tinh thần trách nhiệm tột đỉnh của một người anh, là điều mà ai cũng nhận thấy rất rõ ở cố NSƯT Vũ Linh. Tình thương và trách nhiệm ấy rất được ngưỡng mộ và xứng đáng được vinh danh. Tiếc thay, sự vượt quá giới hạn chừng mực của lòng tốt và "chiến lược hành động" không phù hợp của anh ít nhiều đã hình thành nên tính cách của những người được cưu mang dẫn đến câu chuyện "gia môn bất hạnh" sau này.
Mối quan hệ anh chị em trong gia đình xưa nay được xem như là thủ túc. Có câu: "Huynh đệ như thủ túc, phu thê như y phục". Có nghĩa, anh em như chân tay, vợ chồng như quần áo. Quần áo có thể thay nhưng tay chân không thể chặt. Cho thấy, tình cảm anh chị em là thứ tình cảm huyết thống thiêng liêng. Sự thương yêu, đùm bọc, nhường nhịn, sẻ chia vừa là lẽ tự nhiên vừa là mục tiêu hướng tới trong sự giáo dục nhân cách: "Một giọt máu đào hơn ao nước lã", "Chị ngã em nâng"…
Tuy nhiên, cũng có câu: "Giàu cha giàu mẹ thì ham, giàu anh giàu chị ai làm nấy ăn". (Tuy là câu nói dân gian nhưng thực tế rất đúng với quy định của pháp luật: Con chỉ thừa kế của cha mẹ chứ không thừa kế của anh em). Lại cũng có câu "Giúp ngặt chứ không giúp nghèo". Có nghĩa, gọi là giúp thì người ta chỉ có thể giúp ai đó trong cơn nguy khốn chứ không thể giúp một người nghèo triền miên cho đến suốt đời. Chính kiểu “bao bọc” suốt đời của cố NSƯT Vũ Linh đã tạo ra cách sống dựa dẫm, ỷ lại cho em mình, khiến họ có niềm tin vô biên vào số tài sản mà họ sẽ được hưởng sau khi cố NSƯT Vũ Linh qua đời. Nền tảng cho niềm tin ấy là việc trong quá khứ, họ đã từng được anh trai không tiếc với họ nhiều lần bằng những khoản tiền rất lớn.
Tuy nhiên, sự việc không ngờ là cố NSƯT Vũ Linh khi qua đời không để lại di chúc chính thức chia tài sản cho em và cháu. Thế là họ chới với vì không còn chỗ bám víu, họ hụt hẫng và tuyệt vọng. Và cơ sự xảy ra dẫn đến sự việc bà Võ Thị Hồng Nhung khởi kiện tranh chấp tài sản như chúng ta đều biết.
Khi chúng ta tạo cho ai đó thói quen thường xuyên nhận của chúng ta sự giúp đỡ vô điều kiện thì khi chúng ta không giúp nữa, người có lỗi và bị oán trách chính là chúng ta. Cuộc sống dựa dẫm và ỷ lại khiến con người mất dần ý chí đấu tranh, khả năng đương đầu và sức chịu đựng, triệt tiêu tính độc lập tự chủ, không thể tự mình đối diện với cuộc sống.
Tình yêu tốt nhất giữa những người thân kỳ thực là: Hãy buông tay cho họ tự đi bằng chính đôi chân của mình. Dẫu con đường phía trước lắm chông gai hay trải đầy hoa hồng cũng nên để người mình yêu thương tự bước đi trên đôi chân của chính họ. Tình thương và trách nhiệm chính là bớt yêu đi một chút, biết buông tay đúng lúc vì không chắc chúng ta có thể đi cùng nhau hết cuộc hành trình để mà bao bọc mãi. Và thực tế là cố NSƯT Vũ Linh đã dừng lại nửa chừng bỏ lại bao nhiêu hệ lụy chỉ vì tình thương và trách nhiệm vượt quá giới hạn cần có. Thật thương anh và cũng thật tiếc cho anh.