Kinh doanh online trái cây nông sản, đầu ra cần đảm bảo chất lượng

(DNTO) - Kênh kinh doanh online đang là xu hướng trong thời thời đại số, trong đó có trái cây nông sản. Nhưng muốn sản lượng tiêu thụ đạt tỉ lệ cao, thu hút được người bán lẫn người mua thì tiêu chí "sạch - ngon - rẻ" cũng là vấn đề được đặt ra.
Có thể nói, kênh bán hàng online đang là thị trường tiềm năng, màu mỡ đối với các doanh nghiệp, đại lý vốn dĩ đã quá quen với kinh doanh tại thị trường truyền thống. Nhiều nhà nông cũng dần mong muốn khẳng định và nâng cao giá trị cho nông sản của mình.
Hiện nay, không khó để người mua có thể lựa chọn mua loại trái cây nông sản theo chủng loại, vùng miền mà mình thích. Giá cả đa dạng và đang có sự cạnh tranh với thị trường truyền thống, từ đó có những yêu cầu về nguồn gốc rõ ràng, chất lượng an toàn cũng được khách hàng đặt lên hàng đầu.

Các thông tin nguồn gốc, chất lượng, sản phẩm được niêm yết để khách hàng an tâm khi lựa chọn.
Nhiều doanh nghiệp, cửa hàng đang thích nghi với kênh kinh doanh online cũng đang dần “khó tính” hơn trong lựa chọn nguồn trái cây nông sản để vừa đảm bảo đáp ứng nhu cầu khách hàng và giữ vững uy tín cho chính thương hiệu của mình.
Gần 10 năm kinh doanh theo kênh truyền thống, chị Lê Minh Thư – công ty Viet fruits, cùng gia đình đã chọn chuyển hướng sang kinh doanh qua hình thức online để thích ứng với xu hướng hiện tại. Chính nhờ quyết định áp dụng thêm kênh kinh doanh mới mà doanh thu tăng 30% so với trước đây. Thị trường, khách hàng ngày càng được mở rộng nhiều hơn.

Sản phẩm của công ty chị Thư không chỉ mang đi tiêu thụ cho thị trường nội địa mà còn hướng đến xuất khẩu.
Chị Thư cho biết: “Kinh doanh qua online giúp mình có đầu ra nhiều, mình cũng dần chuyển hướng sang trồng cây theo tiêu chuẩn Global gap để tạo ra sản phẩm đạt chuẩn chất lượng. Từ đó, công ty cũng tạo uy tín cho khách hàng khi tìm tới”.
Được biết, công ty của chị không chỉ giải quyết nguồn tiêu thụ cho gia đình mà còn giúp nông dân ở một số địa phương tại các tỉnh miền tây có đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, doanh nghiệp của chị cũng tập huấn, hướng dẫn cho nông dân trồng trái cây nông sản theo tiêu chuẩn Global gap để hướng đến xuất khẩu.

Sản phẩm đạt tiêu chí chất lượng và an toàn cũng là cách để người nông dân năng cao giá trị nông sản.
Hiện tại, các doanh nghiệp, đại lý phân phối đang dần đầu tư vào xây dựng website, các sàn thương mại điện tử..., để giải quyết vấn đề kinh phí cho mặt bằng, nhân viên... Theo nhiều chủ doanh nghiệp, đó là giải pháp vừa theo xu thế, vừa tiết kiệm vốn, vấn đề chỉ còn là cạnh tranh lành mạnh.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Trăm (ngụ Gò Vấp) cho biết: "Hiện giờ mua trái cây đặc sản không khó, ngồi tại nhà và đặt mua là được, nhưng muốn kiểm tra đúng nguồn gốc hay không mình phải lựa chọn nơi bán có xuất xứ rõ ràng".
Cũng theo nhiều nhà phân phối cho biết, để người mua có thể an tâm về chất lượng sản phẩm, các kênh phân phối đang tạo kênh truyền thông bằng hình thức công khai quy trình sản xuất, quy trình cung cấp, trồng trọt như thế nào, thu hoạch và vận chuyển đến người tiêu dùng ra sao.

Các sàn thương mại điện tử đang là thị trường có nhiều tiềm năng vượt trội.
Ngoài ra, từ đó khách hàng có thể đánh giá, phản hồi trực tiếp đến cửa hàng đã bán ra. Cần nhìn nhận thực tế, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, lượng khách hàng mua online giảm nhẹ. Tuy nhiên nhiều đơn vị kinh doanh đã tung ra hàng loạt khuyến mãi, quà tặng, chính sách ưu đãi để giữ chân khách hàng.
Chị Phan Dương Ái Khuê, Phụ trách khối Operation, Công ty CP Food Network, cho biết: “Thực tế doanh thu online ở các kênh không quá cao như ở trong dịch, nhưng vẫn chiếm khoảng 5-7% trong tổng doanh thu của chúng tôi. Trên các trang như fanpage, chúng tôi sẽ post đường link của mình lên và đề nghị khách cứ phản hồi, gửi thông tin đến, chúng tôi sẽ kịp thời hỗ trợ, qua đó sẽ tăng độ tin tưởng. Đồng thời sẽ có freeship, chương trình kết hợp với Tiki, Grab, Shopee để chạy khuyến mãi cho khách”.
Cũng nói thêm, để đáp ứng nhu cầu cho người mua, các địa chỉ phân phối, bán lẻ đã có thêm hình thức kinh doanh trái cây theo mùa vụ, cũng từ đó làm cho sản phẩm luôn dồi dào, đa dạng và kịp thời đáp ứng thị trường.
Với lợi thế được thu giá tại vườn, chi phí vận chuyển không quá tốn kém nên giá cả cạnh tranh với thị trường truyền thống hầu như không quá trên lệch. Để đảm bảo được lợi thế sẵng có thì tiêu chí “ngon - sạch- rẻ” phục vụ khách hàng đã và đang được các doanh nghiệp, đại lý vừa và nhỏ quan tâm nhiều hơn.
Trước nhu cầu, xu thế của môi trường kinh doanh thời công nghệ, đòi hỏi doanh nghiệp, nhà phân phối cần có cách thích nghi hữu hiệu. Bên cạnh đó, cần phải đáp ứng các yếu tố về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm nhằm để nông sản không chỉ phát triển ở thị trường nội địa mà hướng đến xuất ngoại.