Khủng hoảng càng nghiêm trọng, cơ hội càng lớn với các doanh nghiệp biết cách vượt khó
(DNTO) - Dịch bệnh Covid-19 đặt các doanh nghiệp trước tình trạng khó khăn, thậm chí rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, đây lại chính là cơ hội thử thách để các doanh nghiệp nhìn nhận lại mình, chuẩn bị sẵn sàng cho sự trở lại tốt nhất khi dịch qua đi.
Đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 với số ca nhiễm tăng cao, diễn ra tại nhiều địa phương đã tác động trực tiếp đến hoạt động của nhiều doanh nghiệp mạnh, một phần nguyên nhân là do không có sự chuẩn bị sẵn sàng từ trước.
Lượng lao động sụt giảm, chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh bị đứt gãy, việc tiến hành "3 tại chỗ" (3T) gây tốn kém, chưa kể "gánh nặng" chi phí phòng, chống dịch... đã trở thành những bài toán khó mà doanh nghiệp phải tìm cách vượt qua nếu muốn tồn tại.
Bà Nhan Húc Quân, Tổng giám đốc Công ty New Toyo, trong hội thảo "Bức tranh tổng quan về năng lực quản trị khủng hoảng cho doanh nghiệp" do Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE) tổ chức ngày 21/9, cho biết, bài học quan trọng nhất mà doanh nghiệp rút ra khi trải qua đợt dịch là "phải làm thế nào để kiểm soát tốt nhất và tổn thất về chi phí, con người phải là ít nhất".
Thực tế từ doanh nghiệp của bà, việc thực hiện phương án 3T thời gian qua khiến doanh nghiệp đối mặt với nhiều vấn đề chưa từng gặp, không chỉ là vấn đề lao động mà cả cảm xúc của con người và đơn vị sản xuất kinh doanh.
Nhiều lao động từ chối thực hiện 3T ngay từ đầu, nhưng có nhiều lao động duy trì được một tháng thì từ bỏ do không thể xa gia đình. Doanh nghiệp rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động, lại phải chịu nhiều chi phí phát sinh, ngoài ra còn đối mặt với "hiệu ứng đám đông của người lao động, có thái độ thái quá, không hài lòng với người quản lý và doanh nghiệp".
Tuy nhiên, doanh nghiệp của bà đã tìm mọi cách để vượt qua khó khăn, chiến thắng các rủi ro bằng sự cởi mở, chân thành và sự đồng hành của lãnh đạo. Nếu chẳng may có một đợt dịch mới bùng phát, bởi không thể chắc chắn sẽ không có biến chủng virus mới, doanh nghiệp sẽ luôn biết cách vượt qua một cách tốt nhất.
Tìm cách thích nghi với tình hình mới, chuẩn bị đối mặt với mọi tình huống khó khăn trở nên vô cùng quan trọng với các doanh nghiệp. Ông Phùng Đức Hoàng, chuyên gia cao cấp thuộc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cho ví dụ, thời gian vừa qua, khi có doanh nghiệp xuất hiện F0 thì toàn bộ công ty mất bình tĩnh khiến xáo trộn sản xuất, tuy nhiên, với nhiều công ty, người lao động lại được chuẩn bị tâm lý rất tốt.
Dẫn chứng một doanh nghiệp ở Bình Dương, ông Hoàng cho biết, doanh nghiệp này đã cung cấp kiến thức giúp người lao động biết cách theo dõi diễn biến bệnh, hoặc giúp đồng nghiệp theo dõi bệnh. Khi có người chuyển biến nặng, lần đầu còn lúng túng do phải gọi rất lâu mới có xe cấp cứu, nhưng dần dần nếu gọi và phải chờ quá lâu, công ty sẽ có xe được trang bị bình oxy chủ động đưa người bệnh đi, chính điều này khiến người lao động có thể an tâm sản xuất.
Cũng theo ông Hoàng, khủng hoảng Covid-19 chính là cơ hội để thử thách doanh nghiệp, "khủng hoảng càng nghiêm trọng, cơ hội càng lớn". Các doanh nghiệp có thể vất vả nhưng Covid chính là lúc để họ nhìn nhận, thay đổi mình.
"Doanh nghiệp có thể nhìn nhận đây là cơ hội để sớm có kế hoạch, cải thiện khả năng chống dịch của mình đối với tình huống khủng hoảng, phát huy tối đa nguồn nhân lực, tiếp tục tìm phương án nâng cao hiệu quả kinh doanh, sẵn sàng vận hành trở lại với tốc độ cao nhất", ông Hoàng cho biết.
Trên tất cả, vai trò người lãnh đạo "chèo lái" con thuyền, quyết định sự sống còn của doanh nghiệp được đặt lên hàng đầu. "Người lãnh đạo doanh nghiệp phải thể hiện tinh thần ứng biến trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh cũng như phải chuyển đổi chính mình, đây là cách nếu muốn doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong khủng hoảng ", bà Nguyễn Phụng Trân. Tổng giám đốc Công ty Constantia Việt Nam nhấn mạnh.