Khối ngoại bán mạnh: Không đồng nghĩa với việc rút vốn trên thị trường chứng khoán
(DNTO) - Dù tháng 5, khối ngoại bán ròng mức cao nhất từ tháng 12/2021, tuy nhiên nếu tính chung 5 tháng đầu năm, khối này vẫn đang trong trạng thái mua ròng 3,6 ngàn tỷ đồng, loại trừ các giao dịch đột biến.
Trạng thái mua ròng vẫn được duy trì trong 5 tháng
Thị trường chứng khoán ghi nhận kết quả giao dịch không mấy tích cực của dòng vốn ngoại trong tháng 5 vừa qua.
Cụ thể, trên thị trường thế giới, dòng tiền có xu hướng đảo chiều vào các quỹ cổ phiếu, trong đó chảy nhiều hơn ở các thị trường mới nổi. Thị trường Nhật Bản là một điểm sáng, khi hút mạnh nhất dòng tiền ngoại.
Tại thị trường trong nước, theo thống kê của SSI Research, khối ngoại đã bán ròng 3,4 ngàn tỷ đồng trong tháng 5. Nếu tính cả giao dịch thoả thuận đến từ STG và EIB, thì giá trị bán ròng đạt gần 4 ngàn tỷ đồng, con số cao nhất tính từ thời điểm tháng 12/2021. Xu hướng mua và bán không rõ ràng theo nhóm ngành nào.
Trong đó, nhóm quỹ ETF nội rút ròng hơn 826 tỷ đồng, mức lớn nhất kể từ tháng 8/2022. Hai nhóm quỹ rút mạnh nhất là VFM VN30 ETF (-381,7 tỷ) và VFMVNDiamond (-420,9 tỷ). Với nhóm ETF ngoại, rút ròng được ghi nhận chủ yếu ở Vaneck (-113,4 tỷ) và Ishares Frontier and Select EM (-340 tỷ đồng). Fubon Việt Nam cũng chỉ ghi nhận vào ròng hơn 34 tỷ đồng.
Nhóm quỹ ETF, với sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân chủ yếu, đã bán ròng lên tới 1,1 ngàn tỷ đồng trong tháng 5.
Ngược lại, ở nhóm quỹ chủ động, xu hướng rút ròng đã thu hẹp lại và thận trọng hơn khi vẫn duy trì tỷ trọng nhất định trên thị trường.
Như vậy, tính chung trong tháng 5, giao dịch khối ngoại chỉ chiếm 6,5% tổng giá trị giao dịch trên thị trường, tương đương giai đoạn giữa năm 2021 hoặc quý 1/2022. Mã STG được mua ròng mạnh nhất trong tháng và bán mạnh nhất là CTG và EIB.
Và dù khối này đã bán nhiều trong tháng 5 nhưng tính chung 5 tháng đầu năm, khối ngoại vẫn duy trì trạng thái mua ròng 3,6 ngàn tỷ đồng nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận đột biến.
Đã nằm trong dự đoán?
Tính đến cuối tháng 5, vốn ngoại đang sở hữu khoảng 19% giá trị vốn hoá toàn thị trường, trong đó trên HoSE chiếm 23%, trên HNX chiếm 7% và trên Upcom chiếm khôảng 5%.
Theo SSI, diễn biến của dòng vốn ngoại trên thị trường thời gian qua khá tương đồng với dự đoán của các nhà phân tích, trong đó riêng diễn biến của các quỹ chủ động mang yếu tố tích cực hơn kỳ vọng và khả năng là thực hiện việc tái cơ cấu danh mục.
"Cần phải lưu ý rằng việc bán ròng của khối ngoại không đồng nghĩa với việc rút vốn ròng ra khỏi thị trường", các chuyên gia nhận định.
Hiện thị trường đang ở giai đoạn giao thoa chính sách và nhiều khó khăn đã được phản ánh sớm trong năm 2022. Trước mắt, tháng 6, thị trường có thể đứng trước thông tin Fed dừng tăng lãi suất khi tình trạng lạm phát đang hạ nhiệt, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục tốt hơn khi các chính sách bắt đầu có thời gian để phát huy hiệu quả. Đây sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho thị trường và dòng vốn ngoại được kỳ vọng dần tích cực hơn.
"Xu hướng dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới phụ thuộc vào nhiều biến số, và chúng tôi cho rằng bất kỳ điều chỉnh lớn nào sẽ là cơ hội để dòng tiền các quỹ đầu tư đảo chiều trên thị trường", SSI khuyến nghị.