Thời điểm xấu nhất đã qua với cổ phiếu bất động sản?
(DNTO) - Với 9 mã cổ phiếu tăng kịch trần, mức tăng trung bình cả nhóm đạt 0,94% trong phiên ngày 7/6, nhóm bất động sản đang phần nào minh chứng cho kịch bản: thời điểm xấu nhất có thể đã qua với ngành này.
Nhóm bất động sản ghi nhận một phiên giao dịch khá tích cực, trong khi chỉ số VN-Index chỉ tăng nhẹ hơn 1 điểm, với mức tăng 0,1% so với phiên ngày 6/6, thì nhóm ngành bất động sản tăng hơn 4 điểm, với tỷ lệ tăng trung bình 0,94%.
Thanh khoản cả nhóm chiếm gần 21% giá trị giao dịch toàn thị trường với 4,3 ngàn tỷ đồng, con số này vượt xa nhóm ngân hàng với hơn 3 ngàn tỷ đồng hay nhóm chứng khoán chỉ với hơn 2 ngàn tỷ đồng thanh khoản. Điều này là minh chứng rõ nét cho thấy, dòng tiền bắt đầu đổ về với nhóm bất động sản để tìm cơ hội đầu tư.
Cổ phiếu NVL của Novaland là một tên sáng giá trong phiên khi tăng kịch trần gần 7%. Kết phiên, NVL trong tình trạng cháy hàng khi hoàn toàn trắng bảng chiều dư bán, chiều dư mua lên tới 2,5 triệu đơn vị.
Tính đến hôm nay, NVL đang có bước lội ngược dòng ngoạn mục. Trong tháng qua, NVL đã tăng hơn 7%; tính theo ba tháng gần nhất, cổ phiếu này đã tăng hơn 34%, chốt phiên hôm nay tại 14.550 đồng/cp.
Cổ phiếu PDR của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt cũng tím lịm trong phiên giao dịch với đà tăng 6,69%. Mã PDR cũng đã tăng 18% trong một tháng qua và tăng 41% tính trong ba tháng gần nhất.
Mã QCG của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai bước vào phiên thứ 9 tăng điểm liên tiếp. Sau hôm nay, QCG đã tăng 118% so với thời điểm cách đây một tháng và tăng 144% so với ba tháng trước.
Nhiều cổ phiếu bất động sản xứng đáng được điểm mặt như ITA của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo tăng hơn 50% chỉ sau một tháng; TDH của Công ty cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức tăng 83%; VC7 của Công ty cổ phần Tập đoàn BGI tăng 163%...
Nhìn chung toàn nhóm có sự tăng trưởng tốt, phản ánh kỳ vọng tích cực mà nhà đầu tư dành cho nhóm sau thời gian dài chờ đợi.
Khó khăn đã qua?
Nhiều chính sách mới từ phía Chính phủ khá sớm và kịp thời đã tạo động lực cho nhóm cổ phiếu bất động sản.
Có thể kể tới như Nghị định 08/2023/NĐ-CP cho phép doanh nghiệp có thể đàm phán với trái chủ về thời gian đáo hạn hoặc hoán đổi trái phiếu thành bất động sản; Nghị định 10/2023/NĐ-CP quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ du lịch nghỉ dưỡng; Quyết định 338/QĐ-TTG phê duyệt đề án phát triển nhà ở xã hội hay Công văn 2308/NHNN-TD hướng dẫn gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng đối với nhà ở xã hội.
Những chính sách mới liên tục được ban hành đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản. Hiệu quả của các chính sách luôn có độ trễ nhất định, tuy nhiên thị trường chứng khoán hào hứng với các thông tin mới là điều dễ hiểu.
Mặt khác, sự hạ nhiệt của lãi suất cũng là một điểm đáng chú ý. Việc hạ lãi suất điều hành đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lần thứ 3 trong năm đã cho thấy triển vọng tích cực với sự hạ nhiệt của lãi suất cho vay.
Hiện tại, lãi suất cho vay mua bất động sản trung bình đã giảm xuống dao động trong khoảng 13-14%/năm từ mức cao nhất khoảng 15%/năm hồi đầu năm. Dù vẫn là mức cao nhưng việc lãi suất một phần giảm xuống đã góp phần đáng kể ổn định tâm lý của thị trường và của chính các doanh nghiệp bất động sản.
Đánh giá của các chuyên gia từ SSI Research, khuyến nghị với ngành bất động sản nâng từ "kém khả quan" lên "trung lập". Cũng theo các chuyên gia: "Thời điểm xấu nhất có thể đã qua đối với ngành bất động sản".
Theo đó, những chủ đầu tư ít bị ảnh hưởng bởi trái phiếu, sở hữu quỹ đất tốt, khả năng phát triển và bán hàng tốt, được nhận định sẽ vượt qua “cơn gió ngược” để hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ. Các cổ phiếu được khuyến nghị bao gồm: NLG, KBC, IDC, VRE.
SSI cũng lưu ý nhà đầu tư về trở ngại nhất định như lãi suất cho vay vẫn cần giảm thêm; các chính sách hỗ trợ cần thời gian để ngấm vào thị trưởng hay rủi ro vỡ nợ với doanh nghiệp không thể thương lượng giãn thời hạn nợ hoặc mất cân đối dòng tiền để trả nợ.