Khách du lịch vạ vật ngủ ngoài đường, cơ sở kinh doanh đua nhau 'chặt chém'
(DNTO) - Những ngày nghỉ cuối cùng của Tết Nguyên Đán 2022 chứng kiến lượng du khách tăng vọt tại các điểm du lịch nổi tiếng, dẫn đến các cơ sở lưu trú quá tải, nhiều người buộc phải ngủ ngoài đường chờ xếp chỗ.
Ngủ vỉa hè vì không thuê được phòng
Đến TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) vào lúc 9g tối ngày 3/2 (tức ngày mùng 3 Tết Nhâm Dần), anh Trần Quang Vũ bàng hoàng vì nơi đây chật kín du khách, các khách sạn, nhà nghỉ liên tục báo cháy phòng. Không còn cách nào khách, anh Vũ và người bạn buộc phải mua tạm chăn ấm, ngủ trên thùng xe bán tải, chờ trời sáng.
Hơn 10 tiếng đồng hồ vất vưởng ngoài trời gió lạnh, anh Vũ cho biết chuyến du lịch Đà Lạt đầu tiên của anh đã có một kỷ niệm đáng nhớ. Tiếc rằng, kỷ niệm này không nấy làm vui vẻ. Anh Vũ khuyên mọi người đi du lịch Đà Lạt trong dịp Tết này nên cân nhắc thật kỹ lưỡng.
Chọn Nha Trang làm điểm đến trong ngày Tết, chuyến du lịch của gia đình chị Cao Diệu cũng không được trọn vẹn vì lượng du khách kéo tới nơi đây quá đông, các cơ sở kinh doanh đua nhau chặt chém khách.
“Nha Trang hôm nay đúng kiểu như trước dịch vậy, ớn thật sự, đông nghẹt, tắc đường khói bụi, xô bồ khách du lịch, du xuân như kiểu… hành xác. Đi ra dọc mấy quán hải sản gần bờ kè bị chặt chém…”, chị Cao Diệu chia sẻ.
Theo ghi nhận của Doanh nhân trẻ, những ngày gần đây, nhu cầu du lịch Tết của các gia đình tăng cao khiến nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu, Sa Pa (Lào Cai)… luôn trong tình trạng đông nghịt người, các khách sạn kín phòng, đường đến các điểm du lịch cũng ùn tắc hàng km. Rất nhiều khách du lịch than phiền về tình trạng không thuê được phòng, phải ngủ vạ vật ngoài đường chờ trời sáng hay mệt mỏi khi lượng người đông nghịt chen chân đi du xuân.
Người kinh doanh được dịp “làm tiền”
Hình ảnh chật kín du khách trên đường đến Đà Lạt trong ngày mùng 3 Tết Nhâm Dần. Ảnh: Đồng Phúc Lộc.
Không chỉ khó thuê phòng nghỉ, nhiều du khách còn than phiền về việc một số cơ sở kinh doanh ngang nhiên chặt chém trong dịp lễ Tết.
Cụ thể, gia đình chị Hồ Diệu Phương đến Đà Lạt ngày mùng 3 Tết (tức 3/2) và đặt bàn ăn lẩu gà lá é tại một nhà hàng. Nếu như ngày bình thường, nồi lẩu gà lá é chỉ có giá 250.000 đồng, nhưng vào dịp Tết này, gia đình chị Phương phải chi trả thêm 400.000 đồng tiền phí phụ thu; hay phải chi trả 150.000 đồng tiền taxi khi chỉ di chuyển 1,5km.
Nhiều du khách cũng phàn nàn về tình trạng các cơ sở kinh doanh đặt ra mức phụ thu quá cao trong dịp Tết, với lý do phải trả gấp 3-4 lần cho nhân viên.
Còn trường hợp gia đình chị Phúc An bị một khách sạn tại Đà Lạt “ép” phải sử dụng dịch vụ giá đắt đỏ.
Cụ thể, cuối năm, chị An đặt chuyến du lịch 5 ngày 4 đêm ở Đà Lạt qua app Agoda, khởi hành ngày 28 Tết (tức 30/1) với giá 2,2 triệu đồng/4 đêm (chưa phải thanh toán). Sau khi nhận mail từ Agoda xác nhận đã đặt được vé và phòng, chị An ung dung chờ tới ngày là bay.
Tới ngày 27 Tết (tức 29/1), chị An gọi điện xác nhận lần cuối cho phía khách sạn thì nhận được câu trả lời: “Chị thông cảm, khách sạn đang sửa phòng nên không nhận khách, chắc app Agoda lỗi ạ. Để em gọi xem chi nhánh khác còn phòng thì em báo lại chị”. Chưa đầy 1 phút sau, phía khách sạn gọi điện xác nhận bên chi nhánh khác còn phòng, nhưng giá là 700.000 đồng/ đêm.
Vốn có kinh nghiệm 3 năm làm hướng dẫn viên du lịch, chị Phúc An thừa hiểu mánh khóe “làm tiền” của phía khách sạn, luôn báo hết phòng để “dụ” khách sử dụng các dịch vụ giá cao hơn. Sau khi dọa sẽ báo cáo với phía Agoda, chị An nhận được lời giải thích và xin lỗi rối rít từ phía lễ tân khách sạn.
Chị An cũng cho hay, sau khi gấp rút đặt khách sạn khác nhưng tình trạng cũng không khá khẩm hơn vì “giá trên app là giá khác, còn thực tế đều tăng gấp đôi so với giá app”. Hết cách, chị An đành gọi điện cầu cứu các đồng nghiệp cũ. May mắn chị được trợ giúp và có thể đặt được khách sạn ngay sát đường Trần Phú (trung tâm TP Đà Lạt) với “giá y trên app”.
“May mắn tôi kiểm tra trước, nếu không ngày 28 vào đó mới tá hoả phát hiện giá phòng bị tăng thì nguy to. Vì vậy mọi người khi đi du lịch nhớ kiểm tra thật kĩ với đầu làm vé, đầu khách sạn”, chị An khuyến nghị.
Đường lên Cột Cờ (Hà Giang) ken đặc người trong ngày mùng 3 Tết. Ảnh: PV.
Tình trạng chặt chém khách du lịch trong những dịp lễ Tết nhiều năm qua vẫn chưa được giải quyết một cách triệt để. Trong bối cảnh ngành du lịch đã bị kiệt quệ bởi dịch Covid-19, thiết nghĩ, trong giai đoạn phục hồi, cần có những giải pháp căn cơ, hiệu quả để thúc đẩy phát triển. Đặc biệt, để thu hút và giữ chân du khách quốc tế, cần xây dựng hình ảnh Việt Nam là một điểm đến an toàn, hiếu khách, thân thiện.