Họa sĩ Hà Thành mang thu quyến rũ đến vùng đất Phương Nam
(DNTO) - Bộ sưu tập với hàng trăm bức tranh lụa và màu nước của họa sĩ Đặng Quý Khoa, được sưu tập từ nhiều năm qua, mang chút hương mùa Thu về giữa trời Sài Gòn, sẽ được giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật tại triển lãm The World ArtSpace, khai mạc ngày 1/10.
Triển lãm giới thiệu 85 trong số gần 200 tác phẩm của họa sĩ đa tài Đặng Quý Khoa, được phân chia theo các mảng đề tài phong phú, đa dạng để người xem thấy được mạch sáng tác và lối nhìn riêng, không ngừng sáng tạo của một họa sĩ lão thành - người thầy kính yêu của bao thế hệ học trò.
Đề tài được vị họa sĩ gốc Hà Nội chọn trong mỗi tác phẩm mang chủ đề bình dị, thường nhật... nhưng luôn hàm chứa một triết lý nhân sinh được gửi gắm mềm mại vào đường nét hay câu chuyện.
Tranh lụa của hoạ sĩ Đặng Quý Khoa khai thác vẻ đẹp đặc thù của chất liệu lụa: óng ả, nhung mịn, giàu chất thơ, chất hiện thực... khoe được “thớ dọc”, “ganh ngang” của lụa.
Am tường văn hoá, triết học Phương Đông cùng kiến thức sâu sắc về lịch sử mỹ thuật, hoạ sĩ Đặng Quý Khoa theo đuổi lối vẽ hiện thực lãng mạn trong các sáng tác về đề tài phong cảnh, sinh hoạt, tĩnh vật, chân dung.
Trong đó, tranh phong cảnh và tranh sinh hoạt chiếm số lượng nhiều hơn cả. Dưới nét bút của họa sĩ, phong cảnh làng xóm, đồng ruộng dưới chân núi xen lẫn kiến trúc đền, chùa vùng trung du Bắc bộ hiện lên, mang đậm sắc thái văn hoá đặc trưng của vùng sông nước nông nghiệp.
Người xem có thể cảm nhận được trong tranh của họa sĩ nỗi hoài niệm về sự yên bình, vẻ đẹp của làng quê Bắc bộ truyền thống qua hình ảnh con đò, quán hàng dưới gốc đa, chiếc cầu đá cong cong, những đứa trẻ chăn trâu tóc để trái đào, những bà mẹ nón thúng quai thao.
Ở tranh phong cảnh miền núi, sự tĩnh mịch, hoang sơ của tạo hóa được tác giả nhấn mạnh ở vẻ tự nhiên của đá núi, cây cỏ, thác nước, một vài con thuyền neo đậu bên bờ tạo cảm giác u tịch... Phong cảnh làng bản được diễn tả từ điểm nhìn trên cao, trong buổi hoàng hôn hay dưới ánh trăng...
Tất cả như hiện lên trong ký ức mờ ảo, thấp thoáng những mái nhà, cây cỏ, đá núi đang chìm trong sự tĩnh tại của không gian, núi rừng, thiên nhiên. Núi non trùng điệp được thu gọn trong tầm nhìn với ruộng bậc thang, cánh đồng lúa chín vàng, thấp thoáng bóng những cô gái Thái đang gặt lúa, vài cành mai trắng tô điểm cho cảnh sắc thiên nhiên: “Dưới trăng” (lụa), “Ngày mùa” (lụa), “Chợ vùng cao” (màu nước trên giấy), “Bản làng”, “Xuống chợ” (Màu nước trên giấy), “Làng quê”, “Mùa gặt”, “Xuống chợ”...
Phong cảnh và sinh hoạt nhộn nhịp vùng sông nước Nam bộ cũng được hoạ sĩ thể hiện trong một số tác phẩm gặt lúa, chợ nổi trên sông. Một số tác phẩm tiêu biểu: “Hạ Long” (màu nước trên giấy), “Chợ nổi” (lụa).
Trong tranh sinh hoạt, hoạ sĩ đưa người xem trở về với đời sống, lễ hội đặc trưng của từng vùng miền hòa cùng cảnh sắc thiên nhiên và kiến trúc. Nơi thành thị là cảnh sinh hoạt gia đình, đi chợ tết, hát xẩm trên phố cổ Hà Nội, đi lễ chùa, rước đèn Trung thu... Ở nông thôn Bắc bộ là cảnh sinh hoạt đầm ấm của những ông bà vui đùa cùng con cháu, hay trong công việc thường ngày như đan giỏ, vá lưới, buông câu, hút điếu cày...
Ở tranh sinh hoạt miền núi, ngoài cảnh gặt lúa quen thuộc, còn có những sinh hoạt bên suối như thiếu nữ tắm, thiếu nữ khoả thân... Ngoài ra còn có tranh sinh hoạt của người dân Tây Nguyên như cưỡi voi, uống rượu... Tác phẩm tiêu biểu: “Hát xẩm” (sơn dầu), “Trung thu”, “Bên Hồ Gươm” (lụa), “Chợ quê”, “Cổng chùa Kim Liên”, “Lễ hội” (lụa), “Hai bà lão ăn trầu” (lụa)…
Ở thể loại tranh sinh hoạt lịch sử, hoạ sĩ Đặng Quý Khoa khá thành công với những chủ đề như: Nguyễn Huệ vào thành Thăng Long, Hồ Xuân Hương, Mỵ Châu, Trọng Thuỷ, Vua Hùng, Sự tích bánh chưng, bành dày...
Trong thể loại tranh này, hoạ sĩ khai thác nét đẹp cổ kính của kiến trúc kinh thành Thăng Long cùng những mô típ hoa văn truyền thống như tiên, rồng, phượng..., trang phục dân tộc, đồ thờ, đồ rước như trống, kiệu, cờ quạt, võng lọng... như tác phẩm: “Quang Trung, chén rượu đầu xuân” (lụa), “Vinh quy” (lụa), “Lớp học thầy đồ” (lụa)...
Ngoài ra, họa sĩ vẽ khá nhiều tranh tĩnh vật với hình ảnh những chú mèo xinh xắn cùng đồ vật hay hoa trái... Tranh thiếu nữ khoả thân cũng là mảng đề tài được tác giả thể hiện trên nhiều chất liệu như lụa, giấy dó, sơn dầu, bột màu...
Giới hội họa nhận định, Phó giáo sư - họa sĩ Đặng Quý Khoa là người ham nghiên cứu, tự hoàn thiện mình, đọc nhiều, hiểu rộng các nền văn hoá, nhất là triết học Phương Đông, tinh thông kiến thức về lịch sử mỹ thuật, yêu nghệ thuật và thơ ca.
Đảm nhận chức vụ Trưởng khoa Khoa Lý luận và Lịch sử mỹ thuật, giảng dạy các học phần về lý thuyết nhưng niềm đam mê của ông vẫn là vẽ tranh, không ngừng sáng tạo và đều đặn trưng bày triển lãm cá nhân.
Sinh ra trong gia đình có văn hóa, nề nếp, phong cách thanh lịch của người Tràng An đã thấm vào con người ông, thể hiện đậm nét ở cách cư xử niềm nở, hòa nhã và lối ăn nói lịch lãm, điềm đạm, nhẹ nhàng pha chút thâm thúy. Xem tranh của hoạ sĩ Đặng Quý Khoa, công chúng sẽ cảm nhận được chất văn hóa ấy trong con người ông từ cách chọn đề tài đến lối biểu hiện lên tác phẩm.
Triển lãm BST tranh của họa sĩ Đặng Quý Khoa sẽ khai mạc ngày 1/10 và kéo dài tới hết ngày 15/10 tại The World ArtSpace (21 Võ Trường Toản, phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh).
Họa sĩ Đặng Quý Khoa sinh ngày 17/10/1936 trong một dòng họ khoa bảng, hiếu học tại Cự Đình, Văn Lâm, Hưng Yên. Sống trong một gia đình có nề nếp, truyền thống đã nuôi dưỡng tâm hồn và định hình trong họa sĩ một nhân cách sống trọng thực, nhân hậu. Yêu văn chương, nhạc hoạ, đam mê vẽ và nghiên cứu triết học đã mang đến cho ông những tri thức sâu sắc trong sáng tác, nghiên cứu và giảng dạy.
Tốt nghiệp chuyên khoa Sơn dầu, Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Việt Nam khoá 1 (1957-1962) (tiền thân là Trường Mỹ thuật Đông Dương) hoạ sĩ Đặng Quý Khoa học cùng khoá với các hoạ sĩ thành danh như Vũ Giáng Hương, Phạm Công Thành, Nguyễn Trọng Cát, Ngọc Thọ... Theo nhận xét của đồng nghiệp, “Tranh của hoạ sĩ Đặng Quý Khoa khai thác được vẻ đẹp đặc thù của chất liệu, giàu chất thơ, chất hiện thực... Đề tài trong mỗi tác phẩm tuy bình dị, thường nhật nhưng đều hàm chứa trong đó những triết lý nhân sinh. Ở đó luôn thể hiện cảm thức nhớ thương, hoài tưởng về những gì đã qua”.