Họa sĩ Trung Nghĩa và cuộc vui 'chiều chuộng tâm hồn'
(DNTO) - Ngày 7/11, Trung Nghĩa - chàng họa sĩ “đại ngàn” tổ chức buổi triển lãm đặc biệt trưng bày các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt mang tên “Nát giỏ còn bờ tre”. Anh đã có những chia sẻ thú vị cùng Doanh Nhân Trẻ xung quanh các tác phẩm này.
Chào họa sĩ, xin anh cho biết anh có ý tưởng khởi xuất từ đâu để thực hiện buổi triển lãm ấn tượng này?
Thực ra các câu hỏi về chủ đề thực hiện một tác phẩm nào đó luôn khiến tôi khó khăn khi trả lời. Hầu như các ý tưởng của tôi luôn nảy ra trong các hoàn cảnh lạ lùng và chủ đề các tác phẩm vẫn luôn được tôi thay đổi khi không phù hợp với suy nghĩ tôi lúc đó nữa. Nhưng có thể tựu trung lại, các ý tưởng của tôi thường bắt nguồn từ thiên nhiên, từ những gì xưa cũ, hoài cổ và tôi sẽ phục hồi sức sống lại cho những thứ đó.
Đặc biệt khi mình đến những ngôi nhà hoang, hay đến những chỗ hoang tàn, mình thấy hoa cỏ mọc lên rất đẹp. Giữa những sự chết chóc dường như thiên nhiên đã khỏa lấp đi, nó làm dịu dàng mọi thứ lại. Tôi xúc động trước những hình ảnh như thế. Và tôi lấy những điều xúc động đó làm cảm hứng cho lần triển lảm mây tre đan lần này. Bạn có thể thấy những trảng cỏ mọc lên khắp nơi, đó là sức sống mà tôi muốn truyền tải.
Hoàn cảnh nào mà anh nảy ra ý tưởng thực hiện một buổi triển lãm với nguyên liệu từ mây tre?
Việc này tôi bắt đầu làm ở Quảng Nam vào 4 năm trước trong một chuyến đi tình cờ. Tôi thực hiện tác phẩm này cùng với một đội thợ đặc biệt ở đây. Cộng sự của tôi là những lão nông hết sức bình dị, họ là nông dân, là ngư phủ đã về hưu nhưng hấp dẫn tôi bởi cái nhìn đầy mộc mạc.
Tôi thuyết phục họ cùng mình thực hiện những tác phẩm này. Tôi xem đó như một món quà tặng cho họ ở cái tuổi gần đất xa trời, như một sự biết ơn họ đã truyền cảm hứng cho mình.
Tôi và những ông lão ngồi lại với nhau cùng bàn luận xem sẽ tạo hình như thế nào, sắp đặt những vòng cỏ ra sao… Tôi cho họ thấy những điều bình dị xung quanh các ông. Do họ đã lớn tuổi nên quá trình trao đổi và phối hợp gặp vô số khó khăn. Đó là một phần lý do mà tận 4 năm sau tôi mới sẵn sàng cho buổi triển lãm hôm nay.
Anh nổi tiếng với phong cách hội họa độc đáo bằng các nguyên liệu không ai nghĩ đến như khói, lửa, chất diêm sinh. Có lẽ nhờ thế mà các bức tranh về thiên nhiên hoang dã của anh như đang gào thét trong ánh lửa bập bùng của cao nguyên – nơi anh sinh ra. Nhưng ở lần này, anh lại chọn một phong cách êm đềm hơn, có chiều sâu hơn. Phải chăng phong cách nghệ thuật của anh đang thay đổi?
Tôi không cho những thứ đó là phong cách, người nghệ sĩ không tạo phong cách cho mình, không định hướng bản thân mình. Người nghệ sĩ họ sống theo cảm tính và thuận theo tự nhiên. Tức là trong một thời khắc nào dó trong cuộc đời, người nghệ sĩ sẽ cảm nhận hoàn cảnh vào thời điểm đó, và thai nghén ra tác phẩm mà mình ưng ý nhất.
Chúng tôi đón nhận những giá trị tìm đến chứ không đi tìm nó, càng không muốn mình năm nay sẽ là người thế này, năm sau thế khác. Có lẽ sự dữ dội của những ngày độc thân đã qua nên giờ một quý ông sẽ mềm mại hơn chăng? (cười)
Với một buổi triển lãm về nghệ thuật sắp đặt thế này, anh mong muốn công chúng sẽ đón nhận như thế nào?
Trước hết, tôi phải thừa nhận là mình hơi ích kỷ trong việc bày biện ra cuộc triển lãm này. Vì tôi có lời hứa với những cộng sự của mình rằng: “Các bác cứ làm với con đi, rồi mình sẽ có một cuộc vui với nhau”.
Thế nên giá trị của buổi triển lãm này trên nhất là tôi gửi tặng cho các cụ ông “một cuộc vui” như đã hứa. Và thực sự tôi không cần biết sự đón nhận của mọi người như thế nào, bởi vì điều đó thuộc về cảm xúc.
Cảm ơn họa sĩ!
Tôi không mong chờ ở khán giả điều gì hết. Tôi vui nhất là đã làm cho những cộng sự của tôi hài lòng về lời hứa của tôi. Cuộc triển lãm này là để chiều chuộng tâm hồn của tôi.