Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi cần được sớm triển khai ngay
(DNTO) - Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi cần lưu ý 3 điểm mấu chốt để phát huy hiệu quả tốt nhất là năng lực thực thi; kịp thời và đúng đối tượng.
Trước những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp (DN) mong muốn chương trình phục hồi, phát triển kinh tế sẽ sớm được thông qua và triển khai ngay từ những ngày đầu tháng đầu của năm mới 2022, đặc biệt được tiếp cận nhanh chóng những gói hỗ trợ, cải cách thủ tục hành chính tạo đà cùng cả nước nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.
Theo ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, từ tháng 10/2021 gần như hoạt động của DN sản xuất trên địa bàn đã hoạt động tương đối ổn định, đến nay đã có trên 96% DN sản xuất đã trở lại hoạt động. Trong đó, khởi động nhanh nhất là các DN FDI, kế đến là các DN “3 tại chỗ”, DN trong các khu công nghiệp và cuối cùng là DN bên ngoài khu công nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, các DN vẫn gặp khó khăn về lao động, vốn vay để chuẩn bị nguyên liệu, đầu tư cho sản xuất năm 2022.
“DN đang cần 1 gói hỗ trợ tiếp cận được nguồn vốn nhanh, những chính sách miễn và giảm thuế. Trong hoạt động trở lại của chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu của DN Việt Nam đang nhập khẩu từ 70-80%, nhưng khi hàng hoá về DN phải đóng thuế VAT ngay, do đó DN rất mong muốn được giãn thời gian nộp thuế này”, ông Trần Việt Anh đề xuất.
Theo các chuyên gia kinh tế, để hỗ trợ DN phục hồi cần lưu ý 3 điểm mấu chốt để chương trình phát huy hiệu quả tốt nhất đó là: Năng lực thực thi; kịp thời và đúng đối tượng.
Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng, cần hỗ trợ DN theo cả hai cách trực tiếp và gián tiếp. Cụ thể, hỗ trợ DN tiếp cận được nguồn vốn, đi liền với đó là khôi phục quỹ bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa để hỗ trợ nhóm DN này tiếp cận được vốn. Đồng thời đề xuất hỗ trợ lãi vay 2%/năm bằng tiền ngân sách, có giá trị khoảng 40.000 tỷ đồng, gói này sẽ có tính lan toả tới nhiều đối tượng hơn. Cùng với đó, cần tăng đầu tư công để tập trung cho tuyến đường cao tốc Bắc - Nam, góp phần giảm chi phí logistics, hỗ trợ DN trong thời gian tới.
“Phải đưa ra một thông điệp để cho DN trong và ngoài nước tin tưởng đó là việc sẽ kiểm soát được dịch bệnh, không còn có tình trạng giãn cách, đứt quãng lưu thông hàng hoá ở trong nước. Hiện doanh nghiệp rất cần "ô xy", trước mắt nên kéo dài, giãn thời gian đến hết năm 2022 về những khoản DN phải nộp cho ngân sách nhà nước như thuế, phí, tiền thuê đất để DN có tiềm lực phục hồi”, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân nêu ý kiến.