Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam kiến nghị cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống mở cửa bình thường
(DNTO) - Ngày 18/10 Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) đã gửi kiến nghị lên UBND TP.HCM, Sở Công thương TP.HCM về việc cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống được mở cửa hoạt động bình thường.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch VCCA cho rằng, ẩm thực nằm trong nhóm ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch Covid-19, đặc biệt là phân khúc nhà hàng.
Kiến nghị của Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam nêu, hiện nay cả nước có 550.000 cơ sở dịch vụ ăn uống, trong đó có khoảng 430.000 cơ sở kinh doanh truyền thống, trên 82.000 nhà hàng chuyên dịch vụ thức ăn nhanh, trên 22.000 cửa hàng cà phê, quầy bar, và khoảng 16.000 cơ sở dịch vụ ăn uống khác.
VCCA cũng dẫn số liệu của Sở Công thương cho thấy, TP.HCM hiện có khoảng 7.500 doanh nghiệp, hàng chục ngàn hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống. Hình thức kinh doanh thức ăn mang về phải tạm ngưng trong thời gian qua đã kéo doanh thu của ngành ẩm thực giảm mạnh.
Cũng theo thống kê của Sở Công thương, doanh thu dịch vụ ăn uống 8 tháng qua chỉ đạt 32.075 tỉ đồng, giảm 20,3% so với cùng kỳ. Kinh doanh sụt giảm khiến hàng loạt doanh nghiệp F&B phải đóng cửa, trả mặt bằng hay thu hẹp kinh doanh.
Theo VCCA, tình hình dịch hiện nay đã có những chuyển biến tích cực nên VCCA kiến nghị UBND TP.HCM cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống được mở cửa bình thường trong giai đoạn “bình thường mới” và chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Chính phủ, UBND TP.HCM, sau khi đã bị ảnh hưởng nặng nền trong 4 tháng giãn cách xã hội.
Trước đó, ngày 22/4/2020, hiệp hội cũng đã gửi Văn bản kiến nghị Thủ tướng về 8 giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ngành ẩm thực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Tại buổi họp báo chiều ngày 18/10, Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết chưa có kế hoạch cho phép hàng quán bán tại chỗ.