Hệ quả của Brexit đang 'ngốn' hơn 100 tỷ Bảng Anh mỗi năm

(DNTO) - Ba năm sau khi Anh Quốc rời khỏi EU, nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với một viễn cảnh đáng ngại. Đầu tư kinh doanh tại Anh yếu dần, vấn đề thiếu hụt việc làm càng trở nên trầm trọng.

Một người dân biểu tình với bảng chữ "Brexit, liệu có đáng không?". Ảnh: NPR
Đã trải qua ba năm sau khi Anh Quốc quyết định rời khỏi khối Liên minh châu Âu (EU), những hậu quả của hành động đó hiện đã lộ rõ. Trong khi các nhà kinh tế của Bloomberge Economics “vẽ” một viễn cảnh u tối cho nền kinh tế nước này thì Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) cảnh báo Anh Quốc là nước duy nhất có nền kinh tế đi xuống trong khối G7.
Theo các chuyên gia phân tích của Bloomberg, nền kinh tế của Anh Quốc có thể đã lớn hơn 4% so với hiện tại, nếu quốc gia này không rời khỏi EU. Còn trong bản báo cáo của IMF, dự đoán tăng trưởng GDP của Anh sẽ giảm 0,6% trong 2023, nước duy nhất bị thuyên giảm trong khối G7.
“Liệu Anh Quốc đã gây hại cho chính bản thân họ khi quyết định rời khỏi EU vào hồi 2016? Các bằng chứng đã chỉ đến chữ ‘Có’. Nhưng điều đáng nói nhất là ảnh hưởng của nó diễn ra nhanh hơn các dự đoán của chúng tôi” - theo báo cáo của chuyên gia phân tích Andrade và Hanson.

Thủ tướng Rishi Sunak đang phải đối mặt với thử thách Brexit. Ảnh: JapanTimes
Các kết luận này “dội gáo nước lạnh” vào lời quả quyết của Thủ tướng Rishi Sunak, ông cho rằng Brexit là một “cơ hội lớn” mà Anh Quốc đang dần nhận ra. Theo những ý kiến ủng hộ Brexit, rời khỏi EU sẽ giúp tạo ra các cổng thương mại tự do, kích thích thương mại và điều chỉnh chính sách tài chính theo chiều hướng có lợi hơn cho ngân hàng Anh Quốc.
Tuy các chuyên gia thú nhận đã rất khó để tính toán một cách chính xác về mức độ thuyên giảm của Anh Quốc do Brexit diễn ra cùng lúc với đại dịch Covid-19, nhưng các dữ liệu có thể cho thấy rõ ràng sự khác biệt trong tăng trưởng kinh tế của Anh so với các nước khác trong khối G7. Hiện tượng này xuất hiện ngay vào lúc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu và càng lúc càng nới rộng.

Đường biểu thị màu đen: GDP hiện tại của Anh Quốc. Đường biểu thị màu vàng: GDP của Anh Quốc nếu họ không rời khỏi EU. Ảnh: Bloomberg.
Con số trong đầu tư kinh doanh sẽ cho thấy mức độ khác biệt đó. Các hãng đầu tư cũng như doanh nghiệp tại Anh Quốc đã hoãn các khoản vốn đầu tư bởi họ không rõ tương lai sau khi rời khỏi EU sẽ diễn biến như thế nào. Đầu tư kinh doanh đã chiếm 9% GDP tại Anh, thua kém so với mức trung bình 13% của các nước G7. Mặc dù sự cẩn trọng đó đang dần tan biến, Anh Quốc sẽ mất một thời gian dài để đuổi kịp con số của các nước bạn.
Một trong những vấn đề nổi cộm đến từ Brexit là sự khan hiếm nhân lực. Nghiên cứu của Bloomberg cho thấy thị trường việc làm của Anh Quốc đã thiếu hụt 370.000 lao động đến từ các nước khác của EU.
“Vấn đề thiếu hụt lao động tạo áp lực lên lạm phát trong thời gian ngắn và giới hạn tiềm năng phát triển trong tương lai” - các nhà phân tích cho biết. “Đó không phải là một tin lành cho nền kinh tế đang phải đối mặt với viễn cảnh tương lai u tối”.
Tổng cộng, Brexit hiện đang tiêu tốn 124 tỷ Bảng Anh mỗi năm cho nền kinh tế Anh Quốc, với ảnh hưởng lan rộng từ đầu tư kinh doanh cho đến khả năng thuê nhân công của các doanh nghiệp.
Trong mảng thương mại, các con số có phần ảm đạm. Các chuyên gia kết luận Brexit đã không để lại dấu ấn rõ ràng cho mua bán trao đổi hàng hoá. Nhưng họ cũng lưu ý, điều này có nghĩa việc hứa hẹn Brexit có thể tăng cường thương mại đã không trở thành hiện thực và những “rào cản” của EU mà đảng cầm quyền chỉ ra có vẻ như không có thật.