Giữ vững niềm tin và lạc quan để vượt qua dịch bệnh
(DNTO) - Trong lúc này, sự lạc quan rất cần thiết cho mỗi người, là sức mạnh giúp chúng ta có thêm niềm tin vượt qua lo lắng, sợ hãi, hoang mang để cùng chung tay với Chính phủ và cộng đồng vượt qua dịch bệnh.
So với các cơn đại dịch trong lịch sử nhân loại như dịch bệnh Athens, đại dịch hạch Antonine, bệnh dịch hạch Justinian, đại dịch “Cái chết đen”, bệnh đậu mùa, các đại dịch cúm và gần đây nhất là thảm họa HIV thì Covid-19 là cơn đại dịch nhắm vào nhân loại có sức tàn phá kinh khủng.
Với một đất nước nhỏ bé phải triền miên chống giặc ngoại xâm từ phương Bắc cho tới phương Tây như Việt Nam, giỏi đánh giặc là chuyện dễ hiểu. Nhưng việc chống lại virus SARS-CoV-2 liên tục sinh ra các biến chủng mới đến "chóng mặt" lại là một “cuộc chiến” hoàn toàn mới. Đặc điểm của “kẻ thù” lần này nằm ở chỗ, nó gần như "vô hình" và đường đi vô cùng lắt léo, khó lường.
Trước tình hình đó, Chính phủ đã huy động tổng lực vào trận. Mọi chiến lược, mọi biện pháp được đưa ra đều nhắm vào việc phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe và tính mệnh của người dân, đồng thời duy trì sản xuất, ổn định kinh tế.
Trong đó, áp dụng giãn cách xã hội là biện pháp sau cùng để giữ vững thành trì. Giãn cách xã hội trong tình hình dịch bệnh tấn công vào các chợ, nơi cung cấp hàng hóa thiết yếu mỗi ngày cho bữa ăn của người dân, gây nên tình trạng khan hiếm hàng hóa, làm cho giá cả tăng vọt… là một cái khó. Nhưng là một dân tộc từng trải qua chiến tranh, từng trải qua thời kỳ xây dựng đất nước với bao khó khăn, đây chưa phải là nỗi lo lắng, sợ hãi tột cùng của người dân, chính con số hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày mới là gây nên nỗi lo sợ, hoang mang.
Trong hoàn cảnh này, chúng ta có thể lo lắng, sợ hãi, có thể hoang mang nhưng nhất định phải giữ lại cho mình niềm tin và sự lạc quan để vượt qua dịch bệnh.
Tôi đã đọc ở đâu đó câu chuyện về một nửa ly nước: Khi nhìn vào một cái ly bên trong chứa phân nửa nước, người lạc quan vui vẻ cho rằng cái ly đang đầy một nửa; trong khi người bi quan lại rầu rĩ vì với họ, cái ly đã vơi mất một nửa.
Lạc quan, theo định nghĩa của Wikipedia là sự mong đợi kết quả tốt nhất có thể từ bất kỳ tình huống nào. Lạc quan phản ánh niềm tin rằng các điều kiện trong tương lai sẽ có kết quả tốt nhất. Nó được coi là một đặc điểm thúc đẩy sự kiên cường khi đối mặt với căng thẳng.
Chuyên gia tâm lý Julia K Boehm tại Đại học Chapman cho biết, thái độ lạc quan giúp tăng cường khả năng giải quyết vấn đề, giúp chúng ta đương đầu với những thách thức xảy ra trong cuộc sống. Người lạc quan sẽ suy nghĩ về hoàn cảnh khó khăn theo những cách ít căng thẳng hơn. Họ dễ đối mặt với thực tế và kiên trì nỗ lực vượt qua những trở ngại trong cuộc sống. Người lạc quan ít khi nghĩ rằng bản thân bất lực trước hoàn cảnh khắc nghiệt. Trái lại, người bi quan thường không nhìn thấy triển vọng tương lai, không có niềm tin vượt qua nghịch cảnh, dẫn tới lo âu, căng thẳng.
Còn với sức khỏe con người, các nhà khoa học cho rằng thái độ lạc quan đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc tăng sức đề kháng, giảm nguy cơ phát triển các bệnh mãn tính và tăng thêm tuổi thọ.
Tiến sĩ Alan Rozanski và các cộng sự trong công trình nghiên cứu công bố trên Tạp chí Jama Network Open hồi tháng 9/2019 giải thích, tâm trạng bi quan khiến cơ thể sản sinh cortisol và norepinephrine là các hoóc-môn gây tổn hại sức khỏe, gia tăng tình trạng viêm và thúc đẩy các bất thường về chuyển hóa.
Hiểu theo các ý nghĩa trên đây thì xem ra, trong lúc này, sự lạc quan rất cần thiết cho mỗi người, là sức mạnh giúp chúng ta có thêm niềm tin vượt qua lo lắng, sợ hãi, hoang mang để cùng chung tay với Chính phủ và cộng đồng vượt qua dịch bệnh.
Sự bất an và tâm trạng không tốt trong thời điểm này rất dễ gây ra những tranh cãi trong gia đình, những vấn đề trong đời sống vợ chồng, con cái, anh chị em. Giữ vững tinh thần lạc quan là cách giải quyết những bất đồng, rào cản, bế tắc hữu hiệu nhất trong lúc này.
Tuy nhiên, lạc quan không có nghĩa là phớt lờ mọi vấn đề mà cần nhìn nhận thấu đáo, cần lường được bản chất của sự việc để đừng rơi vào tình trạng “lạc quan tếu”. Giãn cách xã hội chỉ là thử thách tạm thời. Chúng ta đang đối phó với muôn ngàn khó khăn trong cuộc sống, nhưng quan trọng là mỗi người vẫn hy vọng, lạc quan về một tương lai tươi sáng.
Cuộc sống sẽ trở lại bình thường như nó vốn có trên đất nước chúng ta, trên toàn thế giới, hãy tin và ngày mai tươi sáng, bình yên sẽ quay trở lại!