Đôi mắt của chúng ta thật diệu kỳ
(DNTO) - 'Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn'. Câu ví von bất hủ này bắt nguồn từ câu nói của nhà hiền triết La Mã: Marcus Tullius Cicero. Từ lâu chúng ta nghe nó như một điều hiển nhiên mà không ai phản bác cách ví von này cả.
Trong đời sống, “mắt” không riêng để chỉ một bộ phận của cơ thể con người, “mắt” còn dùng để gọi tên những chi tiết quan trọng là tâm điểm của các sự vật như: mắt bão, mắt thần (trong điện tử), dấu mắt ngỗng (là một ký hiệu trong hệ thống ký hiệu nhạc phương Tây), mắt cáo (lưới), mắt mía, mắt rễ… Đi trên sông người ta cũng dễ bắt gặp những con mắt ghe, mắt thuyền… Trong chiến tranh, người ta ví ánh sáng của hỏa châu là những đóm mắt: “đóm mắt hỏa châu”…
Trong nghệ thuật, đôi mắt luôn là nguồn cảm hứng bất tận của tao nhân mặc khách. Từ trong văn học dân gian: “Những người con mắt lá răm/Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền” đến “Làn thu thủy nét xuân sơn/Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”, dùng để miêu tả vẻ đẹp của nàng Kiều trong kiệt tác Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
Sau này, trong thi ca hiện đại, rất nhiều đôi mắt giai nhân được các thi sĩ miêu tả đã làm xao xuyến, ngất ngây, điêu đứng biết bao tâm hồn đồng điệu: “Mắt em là một dòng sông/Thuyền anh bơi lội trong dòng mắt em" (Lưu Trọng Lư), hay "Đôi mắt người Sơn Tây/U uẩn chiều lưu lạc" (Quang Dũng).
Nói lên nỗi ngóng trông đứa con xa nhà của người mẹ, người ta cũng thường hay dùng đôi mắt để gột tả. “Đôi mắt mẹ hiền sao” còn được dùng để ca ngợi tình cảm ấm áp của Bác Hồ: “Ôi người cha đôi mắt mẹ hiền sao” (Tố Hữu)
Điều đó cho thấy, chỉ cần nhìn vào ánh mắt, người ta sẽ đọc thấy ở đó tất cả những cung bậc cảm xúc trong tâm hồn con người: Thương yêu, giận hờn, oán ghét, khổ đau, lương thiện, gian manh, hiểm ác… Người có thể giấu diếm cảm xúc của mình qua hành động, lời nói, nhưng rất hiếm người có thể giấu tâm trạng của mình qua đôi mắt. Bắt nhịp cảm xúc để thấu hiểu người khác thông qua ánh mắt chính là cách giao tiếp dễ đi vào con tim nhất. Nó giúp bạn dễ thành công hơn và để lại nhiều ấn tượng tốt với đối phương. Đôi mắt còn giúp người ta nhận dạng sự khác biệt giữa người này và người khác. Vì thế, khi muốn che đi khuôn mặt của một người, người ta chỉ cần bôi đen cặp mắt là đủ.
Giờ đây, khi mà đại dịch Covid-19 như một cơn lốc khổng lồ quét qua trái đất chúng ta, để không bị nó nuốt chửng, con người bảo nhau cùng che mặt lại. May mà con virus độc ác ấy không tấn công vào đôi mắt. Nó chỉ buộc chúng ta che kín mũi miệng bằng những chiếc khẩu trang. Những chiếc khẩu trang cất giấu đi của chúng ta nụ cười. Nhưng chính sự kỳ diệu của đôi mắt đã giúp chúng ta không cảm thấy cô độc, lẻ loi. Bởi vì, đôi mắt có khả năng “trình diễn” được cả nụ cười, bất kể cái cười nụ điệu đàng hay cơn cười “hết cỡ”. Đồng thời nó cũng chứa đựng cả tiếng khóc, cho dù chỉ là một nỗi buồn vời vợi hay lưng tròng ầng ậc nước.
Đã bao nhiêu ngày, bao nhiêu tháng rồi, cách duy nhất để chúng ta có thể tương tác với nhau khi ra đường là thông qua ánh mắt? Cũng không ai ước lượng được sẽ còn bao lâu nữa, khi bước ra đường chúng ta vẫn phải cất kỹ khuôn mặt mình đằng sau những chiếc khẩu trang trắng, xanh, vàng, tím “ngộ nghĩnh” kia.
Chưa bao giờ đôi mắt phải cõng trên lưng nó nhiều sứ mệnh như bây giờ: Chào hỏi, tạm biệt, thương yêu, giận hờn, xin lỗi, cám ơn nhau… Chắc không ít người đã từng trắc ẩn khi nhìn thấy hình ảnh một người vợ trẻ bồng con lặn lội từ cách đó mấy cây số, đến bệnh viện thăm chồng, cho con được nhìn cha sau bao ngày xa cách vì anh phải rời nhà đi “chống dịch”. Cách nhau một khoảng sân rộng, họ trao nhau nỗi nhớ thương, sự động viên, an ủi… tất cả chỉ bằng ánh mắt từ xa. Chỉ một chút mà thôi, khi tấm lưng anh trong bộ đồ bảo hộ khuất sau dãy hành lang bệnh viện, anh không biết rằng, ngoài kia, ánh mắt chị vẫn nắm níu cố dõi theo.
Vừa mới đây thôi, trên kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam xuất hiện một đoạn video ghi lại cảnh bé Kem, con gái chị Phùng Thị Hạnh, điều dưỡng, đang làm việc tại Bệnh viện dã chiến Trung đoàn 831 - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang, mới 19 tháng tuổi, khi nhìn thấy mẹ trên tivi đã òa khóc nức nở, chìa tay ra đòi mẹ bế. Câu chuyện sẽ không nói lên điều gì đặc biệt nếu như mọi người không biết thêm chi tiết: Lúc xuất hiện trên tivi, chị Hạnh đeo khẩu trang bịt kín mặt chỉ chừa ra đôi mắt. Chỉ cần nhìn thấy đôi mắt thôi, đứa trẻ 19 tháng tuổi đã nhận ra mẹ nó.
Mới hay, đôi mắt của chúng ta thật diệu kỳ.