Giới đầu tư chứng khoán Mỹ ‘nhát tay’ chờ đợi Fed
(DNTO) - Chỉ số giá sản xuất Mỹ trong tháng 11 tăng cao hơn dự đoán khiến các nhà đầu tư chứng khoán mất hy vọng vào chiều hướng điều chỉnh lãi suất của Fed.
Bộ Lao động Mỹ đã công bố chỉ số sản xuất Mỹ (Producer Price Index - PPI) của tháng 11, tăng 0,3% so với tháng trước, cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn còn rất “nóng”.
Điều này đi ngược lại với kết quả mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mong muốn, vì họ đang trong giai đoạn tìm cách kềm hãm nền kinh tế để khống chế lạm phát. Lo ngại cho lãi suất tăng cao và suy thoái kinh tế đến gần, giới đầu tư chứng khoán tại Mỹ đã “nhát tay” với các cổ phiếu mạo hiểm, khiến thị trường nước này tiếp tục chững lại.
Đến 5g sáng 10/12 (giờ Việt Nam), phiên giao dịch ngày 9/12 tại Mỹ đã kết thúc với kết quả: Chỉ số S&P 500 mất 29.13 điểm, tương đương 0,7%, đạt mức 3934.38 sau khi lung lay trong ngày. Dow Jones Industrial Average bị trừ 305.02 điểm, ngang bằng 0,9%, xuống còn 33476.46. Chỉ số chứng khoán tập trung nhiều công ty công nghệ, Nasdaq Composite, trượt 77.39 điểm, khoảng 0,7%, kết thúc ở mức 11004.62.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có một cuộc họp vào thứ Tư tuần sau để đưa ra quyết định điều chỉnh lãi suất cho vay. Fed đã trên con đường “chiến tranh” chống mức lạm phát tăng cao tại Mỹ. Bằng cách tăng lãi suất cho vay, Fed sẽ có thể làm nền kinh tế Mỹ chậm lại, kéo theo cả mức tăng của lạm phát. Các thông số kinh tế được tung ra từng tháng sẽ là các yếu tố được Fed xem xét để nhận định mức độ hiệu quả của chính sách tiền tệ.
Tuy vậy, những thông số kinh tế được tung ra trong các tuần qua cho thấy rất khó để có thể dự đoán liệu lạm phát có đang đi xuống hay không. Các thông số kinh tế của tháng 10 đã từng mang đến hy vọng lạm phát có thể đang được khống chế. Các quan chức Fed, trong đó có cả Chủ tịch Jerome Powell, lên tiếng cho biết họ có thể chỉ tăng 0,5% lãi suất cho vay, thay vì mức 0,75% trong bốn tháng trước đó. Nhưng các thông số của tháng 11 lại đi ngược với hy vọng đó.
Các nhà đầu tư chứng khoán ngày càng lo ngại việc tăng lãi suất của Fed sẽ dẫn đến một thời kỳ suy thoái kinh tế tại Mỹ. Những ngày vừa qua, thị trường chứng khoán Mỹ đã rất nhạy cảm với các thông tin kinh tế cho thấy tình trạng của lạm phát.
Chủ tịch Powell cũng đã nhấn mạnh dù họ có điều chỉnh mức tăng lãi suất xuống thì mức đỉnh điểm vẫn sẽ được giữ vững trong một thời gian để chống lạm phát. Uỷ ban Thị trường mở Liên bang Mỹ đã dự đoán mức lãi suất sẽ chạm ngưỡng 4,9% trong năm 2023 - dao động trong khoản 4,75% đến 5%, so với mức 4,6% trong tháng 9 năm nay. Hiện tại, lãi suất cho vay đang nằm ở mức 3,75% đến 4%.
“Cuối cùng thì, Fed đã chấp nhận việc họ sẽ phải đối đầu với hiểm hoạ suy thoái kinh tế để khống chế lạm phát trong thời gian lâu dài”, theo Don Rissmiller - chuyên gia thuộc Strategas.
Lãi suất cho trái phiếu chính phủ Mỹ tăng, với lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm lên thành 3,567%, từ mức 3,492% của thứ Năm. Trái phiếu kỳ hạn 2 năm, tăng thành 4,328%. Lãi suất tăng khi giá trái phiếu giảm.
Chỉ số dầu hoả quốc tế Brent rớt 0,1% cùng ngày, hiện giao dịch ở mức $76.10/ thùng, tiếp tục giảm 7 ngày liên tiếp, chuỗi đi xuống dài nhất kể từ tháng 8/2021. Giá dầu đang trong giai đoạn đi xuống do ảnh hưởng của nỗi lo mức tăng trưởng kinh tế bị chậm lại, ảnh hưởng đến nhu cầu.
Tại Trung Quốc, các chỉ số chứng khoán tăng. Hồng Kông chứng kiến chỉ số Hang Seng dâng lên 2,3%. Ở Trung Hoa đại lục, chỉ số Shanghai Composite thêm 0,3%, ấn định 6 tuần tăng liên tiếp. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 1,2%
Tại châu Âu, chỉ số chung cho lục địa này tăng 0,8%.