Chứng khoán Mỹ đi ngược chiều với tin kinh tế đi lên
(DNTO) - Mặc dù các thông số kinh tế mới cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn còn mạnh, lo ngại Fed tăng lãi suất vẫn ám ảnh thị trường chứng khoán Mỹ. Giá dầu đi xuống dù có hạn mức giá mới.
Thị trường chứng khoán Mỹ bắt đầu một tuần giao dịch mới với chiều hướng đi xuống. Đã có một số thông tin mới cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn còn vững vàng, nhưng giá cổ phiếu lại đi xuống do các nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho vay trong năm tới.
Sau khi phiên giao dịch của ngày thứ Hai, 5/12, kết thúc (khoảng 4g30 sáng 6/12, giờ Việt Nam), chỉ số S&P 500 xuống 1,8%, chạm mức 3998.84 điểm. Nasdaq mất 221.56 điểm, tương đương 1,9%. Dow Jones Industrial Average giảm 482.78 điểm, khoảng 1,4%, dừng chân tại 11239.94.
Đã có một cuộc bán tháo trải rộng ra tất cả các ngành, với 95% các công ty liệt kê trên S&P 500 giữ màu đỏ trên bảng giao dịch. Các cổ phiếu ngân hàng địa phương có mức thuyên giảm nhiều nhất. PNC Financial Services giảm 6,8%, Citizens Financial Group xuống 5,3% và Regions Financial mất 5,1%. Những cổ phiếu này thường rất nhạy cảm với các tin tức thị trường.
Trong thời gian vừa qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã gợi ý họ sẽ tăng lãi suất cho vay chỉ lên 0,5% trong tháng 12, một mức thấp hơn các tháng trước đó. Nhưng một loạt các thông tin mới cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn còn rất “nóng”, trái ngược với mong muốn của Fed để khống chế lạm phát.
Cùng ngày thứ Hai, một bản báo cáo của Viện Quản lý cung ứng Mỹ cho thấy chỉ số hoạt động các ngành dịch vụ tại quốc gia này đã ở mức 56.5 trong tháng 11, tiếp tục tăng so với mức 54.4 trong tháng 10, vượt qua mức dự đoán 53.7. Ở mặt khác, thông tin từ Bộ Thương mại Mỹ chỉ ra số đơn hàng nhà máy trong tháng 10 đã tăng 1%, cao hơn mức dự đoán 0,7%. Những thông tin này nối đuôi các dữ liệu thị trường việc làm rất khả quan từ thứ sáu tuần trước.
Nhưng tâm lý thị trường chứng khoán trong thời gian qua là luôn đi ngược với các thông tin kinh tế khả quan. “Tin kinh tế tốt là tin xấu cho cổ phiếu vì nó giữ hiểm hoạ lãi suất cho vay lên cao hơn nữa trong năm sau”, theo lời Ed Moya, nhà phân tích thị trường thuộc Oanda.
Các nhà đầu tư đang hồi hộp chờ đợi thông tin về giá sản xuất Mỹ sẽ được tung ra vào thứ Sáu tuần này. Đây sẽ là một trong những mảnh thông tin cuối cùng trước cuộc họp của Fed vào ngày 13-14/12/2022.
Các chỉ số lạm phát trong vài tháng qua cho thấy áp lực đang dần thuyên giảm, nhưng vẫn còn đang ở mức rất cao. Nếu ngành kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sẽ rất khó để lạm phát đi xuống.
Ở thị trường trái phiếu, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 3.598%, vượt mức 3.502% của tuần trước. Lãi suất, vốn tăng ngược chiều với giá trái phiếu, đã có bốn tuần giảm liên tiếp.
Trong khi đó, giá dầu giảm, mặc dù có tin một hạn mức giá đã được áp đặt lên dầu Nga và Trung Quốc đang nới lỏng các chính sách chống dịch Covid-19, có thể tăng nhu cầu năng lượng trong 2023. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+), dẫn đầu bởi Nga, đã cho biết họ sẽ giữ sản lượng dầu hoả, không thay đổi.
Chỉ số dầu hoả Mỹ giảm 3,8%, xuống còn mức giao dịch $76.93/ thùng. Chỉ số dầu hoả quốc tế Brent crude rớt 3,4%, giao dịch ở mức $82.68/ thùng.
Đáng chú ý trong ngày là cổ phiếu Tesla Inc. mất giá $12.41, ngang bằng 6,4%, xuống còn mức $182.45 - sau khi có tin hãng sản xuất ô tô điện có kế hoạch giảm sản lượng sản xuất ở nhà máy Thượng Hải trong tháng 12.