Giá cổ phiếu Mỹ lội ngược dòng sau 5 ngày tuột dốc
(DNTO) - Chỉ số chứng khoán Mỹ, S&P 500, nhỉnh lên lại sau 5 ngày đi xuống liên tiếp. Các nhà đầu tư đang chờ đợi những thông tin mới phản ánh tình trạng nền kinh tế và dự đoán cho năm sau.
Sau phiên giao dịch ngày 7/1 lúc 4g sáng 9/12, giờ Việt Nam) kết thúc, giá cổ phiếu trên thị trường Mỹ đã có một đợt tăng nhỏ sau 5 ngày tuột dốc. Các nhà đầu tư đang chờ đợi nhiều thông số kinh tế mấu chốt để có thể dự đoán đường lối điều chỉnh lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Chỉ số S&P 500 dâng lên 0,8%, trong khi Dow Jones Industrial Average thêm 0,5% và Nasdaq Composite tăng 1,2%.
Chuỗi ngày trượt dài của cổ phiếu Mỹ đã kéo dài 5 ngày liên tiếp, riêng chỉ số S&P 500 đã đi xuống 8 trong số 9 phiên giao dịch. Nỗi lo ngại Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất lên cao đến 5% trong năm sau là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường chứng khoán Mỹ trong những ngày qua.
Tình trạng của nền kinh tế Mỹ vẫn là một bức tranh mập mờ. Hiện tại, các nhà đầu tư đang trông chờ chỉ số giá sản xuất (PPI) của tháng 11, dự kiến sẽ được tung ra vào thứ Sáu tới. Dữ liệu này sẽ là “mảnh ghép” cuối cùng để dự đoán chính sách của Fed trong cuộc họp vào ngày 13-14/12.
Thông số tháng 10 đã có chỉ số PPI “nguội lạnh” hơn dự đoán, bản báo cáo thị trường lao động cùng kỳ cho thấy dấu hiệu chậm lại - một tin tốt cho Fed. Trong bài phát biểu gần đây, Chủ tịch Fed, Jerome Powell, đã gợi ý Fed có thể giảm mức tăng lãi suất trong tháng 12.
Nhưng ngay sau đó, bản báo cáo của tháng 11 cho thấy thị trường việc làm vẫn còn mạnh mẽ, trái với dự đoán. Đây là một yếu tố có thể dẫn đến việc Fed sẽ phải tiếp tục tăng lãi suất để kìm hãm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, đồng thời khống chế lạm phát. Vì vậy thị trường chứng khoán phải trải qua nhiều ngày vất vưởng.
Trong những ngày qua, đã có một loạt các quan chức từ các ngân hàng lớn tại Mỹ lên tiếng cảnh báo thời kỳ suy thoái kinh tế đang đến gần. Những đợt sa thải lớn từ các công ty bao gồm Morgan Stanley và PepsiCo đã làm “rầu” tâm trạng nhà đầu tư trên sàn giao dịch.
“Những ngày qua cảm thấy như trọng tâm là sự quan ngại về mức độ tăng trưởng của nền kinh tế”, John Roe, người quản lý quỹ vốn tại Legal & General Investment Management nhận định. “Nếu những người được xem là am hiểu nhất về tình trạng nền kinh tế (các chủ nhà băng) buộc phải cắt giảm, thì rất có thể mức độ tăng trưởng đang là một nỗi lo ngại lớn”.
Các nhà đầu tư cũng đang theo dõi sát sao chỉ số trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ. Trong cùng ngày, lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng 3,492% từ mức 3,407% của ngày hôm trước. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm đang ở mức 4,31%. Hiện tượng lãi suất trái phiếu kỳ hạn ngắn cao hơn trái phiếu kỳ hạn cao được xem là một dấu hiệu cảnh báo cho suy thoái kinh tế.
Trong ngày, các nhà đầu tư cũng đang phân tích một số thông tin đáng chú ý khác. Trong đó bao gồm việc Uỷ ban Thương mại Mỹ đang tìm cách ngăn chặn thương vụ sáp nhập trị giá 69 tỉ USD của Microsoft Corp, mua lại hãng giải trí Activision Blizzard Inc.
Tình hình chống dịch tại Trung Quốc cũng là một điểm đáng chú ý, có một số ảnh hưởng nhất định đến thị trường chứng khoán và giá dầu. Hồng Kông tuyên bố họ đang xem xét việc bãi bỏ lệnh bắt buộc phải mang khẩu trang ngoài trời, dẫn đến một mức tăng 3,4% cho chỉ số Hang Seng Index. Nhưng tại Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite rớt 0,1%.
Chỉ số dầu hoả Brent crude đã xuống 1,3%, đang giao dịch ở mức $76.15/ thùng, tiếp tục chuỗi 6 ngày thuyên giảm liên tiếp.