Giá xăng đã giảm sâu gần 30%, liệu giá hàng hóa còn 'cứng đầu' không chịu giảm?
(DNTO) - Liên tục những lần điều chỉnh giảm của giá xăng dầu phần nào giúp các doanh nghiệp kỳ vọng tiết giảm được chi phí nguyên liệu, giảm giá cước vận tải. Song thực tế, số lượng các mặt hàng giảm giá vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, thậm chí nhiều mặt hàng còn tăng giá.
Sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh giảm thêm 1.000 đồng/lít trong kỳ điều hành mới đây, điều này giúp doanh nghiệp giảm áp lực chi phí đầu vào, đặc biệt là ở lĩnh vực vận tải. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện giảm giá cước vận tải, cùng đó, nhiều mặt hàng tiêu dùng cũng có chiều hướng giảm từ chợ dân sinh đến siêu thị ở nhiều mặt hàng khác nhau.
Cụ thể, tại kỳ điều hành mới đây, ngày 12/9 của Liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng E5RON92 tiếp tục giảm 1.128 đồng/lít, hiện bán ở mức 22.231 đồng/lít. Giá xăng RON95-III tiếp tục giảm 1.015 đồng/lít và giá sau điều chỉnh là 23.215 đồng/lít.
Các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh giảm, trong khi trong kỳ điều chỉnh trước, giá dầu còn tăng cao hơn giá xăng. Điều này khiến tàu đánh bắt cá của ngư dân, hay các doanh nghiệp vận tải sử dụng dầu rất phấn khởi. Đơn cử như dầu diesel 0.05S giảm 1.308 đồng/lít, về mức giá 23.880 đồng/lít. Dầu hỏa giảm 1.127 đồng/lít, về mức giá là 24.318 đồng/lít. Dầu mazut 180CST 3.5S giảm 1.038 đồng/kg, về mức 15.039 đồng/kg.
Như vậy, so với mức giá đỉnh điểm hơn 32.000 đồng/lít hồi giữa năm, giá xăng đã giảm khoảng 30%. Mức giảm mạnh này đã tác động đến các lĩnh vực vận tải như xe taxi, xe khách và tàu hỏa giảm giá cước, với mức giảm từ 5-12%.
Công ty TNHH dịch vụ vận tải Hà Sơn Hải Vân hiện có khoảng từ 25-30 đầu xe chạy tuyến Hà Nội-Lào Cai, Sa Pa. Trung bình mỗi xe tiêu thụ khoảng 150-180 lít dầu mỗi ngày. Vì vậy, khi tiết giảm được 1.000 đồng một lít dầu cũng giúp doanh nghiệp tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể.
"Giá xăng dầu giảm như thế này thì doanh nghiệp chúng tôi 1 ngày sẽ tiết giảm được khoảng 5 triệu đồng. Một tháng, công ty có thể tiết kiệm được 150 triệu đồng", anh Lương Xuân Hùng, Quản lý phương tiện, Công ty TNHH dịch vụ vận tải Hà Sơn Hải Vân, chia sẻ.
Nhiên liệu chiếm tới 40% trong cấu thành giá cước vận tải, nên rõ ràng, khi giá xăng giảm mạnh, doanh nghiệp sẽ có cơ sở để giảm giá cước, từ đó sẽ tạo ra một mặt bằng giá mới góp phần tăng sức mua của người dân, tạo đà cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Theo đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội, việc giảm giá dầu lần này cũng phần nào giảm áp lực cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Việc giá dầu giảm cũng là cơ hội để doanh nghiệp vận tải tính toán các phương án trong điều hành giá.
"Các đơn vị vận tải cũng mong muốn hạ giá cước vận tải để phục vụ nhân dân được tốt hơn và để thu hút khách hàng. Chúng tôi rất phấn khởi. Chúng tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp vận tải sẽ có kế hoạch hạ giá cước để thu hút khách hàng", ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho hay.
Giá xăng giảm không chỉ tác động cước vận tải giảm theo mà giá hàng hóa tại các chợ cũng hạ nhiệt đáng kể.
Khảo sát tại các chợ dân sinh tại địa bàn Quận Long Biên (Hà Nội), những ngày gần đây cho thấy, giá nhiều mặt hàng thịt, cá đã có mức giảm nhẹ so với tháng trước từ 5-7%, dù hiện nay vẫn còn ở mức khá cao so với đầu năm.
Cụ thể, thịt bò từ 230.000-240.000 đồng/kg (tùy loại), giảm khoảng 20.000 đồng/kg, thịt gà làm sẵn 140.000 đồng/kg, giảm 20.000/kg so với tháng trước; thịt lợn 100.000 đồng/kg, giảm từ 10.000-20.000 đồng/kg; sườn non từ 130.000-140.000 đồng/kg; thịt gầu bò 250.000 đồng/kg, thịt bò phi lê 320.000 đồng/kg, tôm từ 250.000-400.000 đồng/kg, giảm từ 20.000 - 40.000 đồng/kg...
Không chỉ các chợ dân sinh truyền thống, siêu thị và các điểm phân phối hàng hoá cũng điều chỉnh giảm thêm 3-5%. Để mua được những mặt hàng thiết yếu, người tiêu dùng cần chỉ trả khoảng 250.000 đồng cho một giỏ hàng, giảm từ 10 - 15% so với thời điểm trước.
"Giá cả các mặt hàng đã ổn định và có xu hướng giảm, đặc biệt là các mặt hàng bị ảnh hưởng nhiều bởi giá xăng dầu đã giảm rõ rệt. Ví dụ như mặt hàng trái cây vận chuyển từ miền Nam ra cũng giảm 5 - 12%. Các mặt hàng thủy, hải sản cũng có mức giảm tương tự, từ 5-15%",ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc Điều hành Khối Cửa hàng Big C and Go Khu vực Hà Nội và miền Bắc, cho biết.
Vẫn còn nhiều mặt hàng "cố thủ" không giảm
Mặc dù giá xăng dầu giảm nhưng các khoản chi phí khác như sản xuất, bán hàng vẫn đang tăng vẫn đang tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm. Vì thế doanh nghiệp vẫn chưa thể giảm giá theo giá xăng.
Cụ thể, giá trứng gia cầm bán lẻ trong diện bình ổn liên tục tăng trong thời gian qua và hiện đang ở mức cao kỷ lục với trứng gà 31.500 đồng/chục và trứng vịt 37.000 đồng/chục. Mức giá này tăng 3.500 - 4.000 đồng/chục so với mức bình ổn đầu năm 2022 nhưng các doanh nghiệp vẫn khẳng định không thể giảm giá.
Ông Trương Chí Thiện, tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt (TP.HCM), lý giải giá trứng đầu vào đang được mua ở mức cao kỷ lục là 2.600 - 2.800 đồng/quả (trứng gà) và 3.300 - 3.500 đồng/quả (trứng vịt). Như vậy giá trứng mua vào đã tăng trên dưới 50% so với đầu năm nên rất khó để giảm giá trứng bán lẻ.
"Nhiều thời điểm, doanh nghiệp chịu lỗ do giá bán ra không theo kịp giá nhập vào. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng không tăng giá bán để giảm áp lực cho người tiêu dùng", ông Thiện nói.
Tương tự, nhiều doanh nghiệp cung ứng thịt gia cầm cho biết giá xăng dầu chỉ chiếm 1-4% trong cơ cấu giá thành, còn chi phí thức ăn chiếm 70-75% giá thành vẫn ở mức cao. Đại diện các doanh nghiệp cho hay, từ tháng 5/2022 đến nay, giá nguyên vật liệu, chăn nuôi tăng 35-37%, dẫn đến giá gà vịt tăng 18 - 30% nên họ không thể giảm giá bán.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm cũng nhích tăng nhẹ. Hiện nay, giá gạo nguyên liệu IR 504 đang ở mức 8.150-8.250 đồng/kg, tăng 200-300 đồng/kg so ngày trước đó; gạo thành phẩm IR 504 giữ ở mức 8.700-8.800 đồng/kg, tăng 200-300 đồng/kg.
Đặc biệt, mặt hàng bột mì do phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nên giá vẫn cao. Bà Huỳnh Kim Chi, Tổng giám đốc Công ty bột mì Quốc tế (Intermix), chia sẻ: “Giá xăng dầu trong nước giảm nhưng giá lúa mì nguyên liệu nhập khẩu vẫn chưa giảm, thêm chi phí logistics vẫn còn cao, cước phí tàu biển phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài, nên giá bán thành phẩm hiện nay gần như chưa có sự điều chỉnh, giá bột mì vẫn đang ở mức 13.000 đồng/kg”.
Nêu quan điểm về vấn đề này, chuyên gia kinh tế thương mại Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị TP.Hà Nội, cho rằng, giá xăng dầu đang ở mức thấp nhất trong 8 tháng qua, song rõ ràng tính "bảo thủ" trong giá cả rất khó thay đổi.
Ông Phú dẫn chứng, bát phở từ 30.000 đồng lên 40.000 đồng, đến hôm nay sau khi giá xăng giảm 30% vẫn giữ nguyên giá bán 40.000 đồng. Trong thực tế, nhiều hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm tươi sống, phải giảm giá ngay lập tức khi giá xăng dầu giảm. Thế nhưng lý do các nhà bán lẻ đưa ra là do giá cước vận tải chưa giảm, hoặc giảm quá thấp khiến giá bán khó giảm, là điều hết sức vô lý...
Rõ ràng giá các mặt hàng nông sản như rau, thịt cá… trước đà giảm từ giá vốn, phải giảm mạnh lúc này. Giá các mặt hàng khô thường có độ trễ do giá nhập khẩu chưa giảm, nhưng các siêu thị lớn cần tính toán để giảm, bởi trong thực tế một số siêu thị lớn có tình trạng ép giá nhà sản xuất.
"Trong thực tế, quản lý giá nếu minh bạch là không quá khó, cái khó là chúng ta có chịu làm hay không?Nếu thực hiện bắt buộc kê khai giá cả đầu vào các mặt hàng thực phẩm thiết yếu này, sẽ biết ngay khâu nào đang “ăn dày”, ông Phú nhấn mạnh.
Ông Phú cũng cho hay, nhu cầu tiêu dùng đối với mặt hàng thực phẩm thiết yếu dịp cuối năm có thể tăng trên 30% so với các tháng thường. Do đó, trường hợp nguồn cung hụt, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, giá bán nhiều mặt hàng có thể tiếp tục tăng.
"Chính phủ cần sớm tìm phương án bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất như thức ăn chăn nuôi, phân bón, xăng dầu... để doanh nghiệp sản xuất, cung ứng có cơ sở giảm giá bán hàng hóa, tăng nguồn cung. Những tháng cuối năm tới đây, việc kiểm tra, kiểm soát và bình ổn thị trường càng cần thiết làm mạnh hơn để kéo hàng hóa về đúng giá trị thực của nó", ông Phú nói.