Doanh nghiệp mong mỏi giá xăng dầu đừng 'thả nổi' để ổn định sản xuất
(DNTO) - Hiện nay, thị trường nhập khẩu xăng dầu tại Việt Nam gần như đang "thả nổi” theo biến động của thế giới mà chưa có công cụ thực tiễn nào có thể hạn chế được những rủi ro về giá, khiến người dân, doanh nghiệp luôn chịu cảnh vừa làm vừa phấp phỏng lo sợ.
Dù đã điều chỉnh giảm nhẹ trong thời gian gần đây, nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá nhiên liệu sớm được bình ổn, viễn cảnh tăng giá vẫn đang ở trước mắt, nhất là khi thế giới đang hứng chịu cuộc khủng hoảng năng lượng và châu Âu đang đối mặt với mùa đông khắc nghiệt sắp tới, cần tăng cường dự trữ xăng dầu.
Giá dầu đã từng tăng vọt lên mức 120 USD/thùng, vượt xa mọi dự đoán được đưa ra trước đó và không loại trừ khả năng sẽ tiếp tục tạo đỉnh mới trong thời gian tới. Tình trạng biến động giá xăng dầu tác động trực tiếp tới thu nhập, chi tiêu và đời sống của người dân cũng như doanh nghiệp do giá thành sản xuất và phân phối sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tăng cao, làm tăng CPI, bởi nguồn cung trong nước không đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Thực tế, sau lần điều chỉnh giá gần đây, ngày 5/9 của liên Bộ Công Thương - Tài Chính, lần đầu tiên trong lịch sử giá bán lẻ với dầu diesel lại đắt hơn giá xăng.
Cụ thể, giá xăng E5 RON92 giảm 366 đồng/lít, xuống 23.359 đồng/lít; xăng RON95 giảm 439 đồng/lít còn 24.230 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu tiếp tục đồng loạt tăng từ 1.389 - 1.429 đồng/lít, bán ra ở mức 25.188 - 25.445 đồng/lít, riêng diesel có giá 25.188 đồng/lít.
Đặc biệt, mặt hàng dầu diezel là nhiên liệu chính cho hoạt động vận tải, khai thác và sản xuất đang ở mức rất cao là yếu tố bất lợi cho nhiều ngành hàng kinh tế, giảm tốc độ phục hồi của các doanh nghiệp, ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa tiêu dùng của người dân.
Và đương nhiên, cước vận tải hàng hóa sẽ khó giảm sâu khi giá dầu liên tục tăng cao. Theo lý giải của liên Bộ, sở dĩ giá dầu hiện đã tăng cao hơn giá xăng là do đầu kỳ giá xăng dầu liên tục tăng cao khi OPEC dự kiến cắt giảm sản lượng; lo ngại về việc Mỹ không xem xét các nhượng bộ bổ sung đối với Iran trong thỏa thuận hạt nhân Iran; sản xuất, khai thác dầu của Libya và Nigieria không cải thiện; tồn kho xăng dầu của Mỹ giảm trong khi mùa mưa bão tại Mỹ đang đến gần ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và vận chuyển dầu thô...
Giá dầu tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu như da giày, dệt may, thủy sản…, với áp lực từ chi phí logistics (vận tải biển) tăng cao từ 3-5 lần, khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào. Ngư dân đánh bắt thủy sản không ra khơi do doanh thu không đủ bù chi phí xăng dầu, làm giảm sản lượng khai thác thủy sản và ảnh hưởng đến chủ quyền biển đảo…
Qua khảo sát nhanh các doanh nghiệp, mặc dù có sự gia tăng về doanh thu, song, mức độ tăng các chi phí của doanh nghiệp trong quý II/2022 so với quý liền kề và cùng kỳ năm ngoái đang ở mức cao hơn so với mức độ tăng doanh thu quý II/2022.
“Rõ ràng, biến động giá nhiên liệu sẽ tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của chúng tôi. Dù trong hợp động có điều khoản liên quan tới giá vận tải, nhưng chúng tôi không thể thay đổi giá vận tải nhanh chóng như biến động giá nhiên liệu trên thị trường. Thực tế, biến động giá dầu như hiện nay, đang đặt ra thách thức rất lớn với các doanh nghiệp trong Hiệp hội Logistics” ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch hiệp hội Logitics Việt Nam, chia sẻ.
Mặt khác, Chính phủ, Bộ Tài chính - Công thương đang đề nghị các đơn vị sản xuất kinh doanh giảm giá hàng hoá khi giá xăng dầu đã trở về mức đầu năm 2021. Song, nếu tình trạng giá dầu diezen hiện nay kéo dài trong nhiều tháng từ nay đến cuối năm thì hiệu lực của việc chỉ đạo giảm giá sẽ giảm bớt hiệu lực.
Từ tình hình khó khăn trên, rõ ràng cần phải có những giải pháp hữu hiệu để từng bước vãn hồi tình hình như hiện nay.
Nêu quan điểm, Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, cho rằng, muốn giải quyết bài toán giá cả xăng dầu về ngưỡng 20 - 22.000 đồng/ lít như mức đầu năm 2021 để doanh nghiệp và người dân yên tâm sản xuất, thì về lâu dài cần mạnh dạn đầu tư thay Quỹ BOG xăng dầu bằng quỹ hiện vật, đó chính là dự trữ xăng dầu với lượng dự trữ lên đến hàng triệu tấn, đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu sử dụng từ 3 - 6 tháng sẽ tăng khả năng đối phó với diễn biến khó lường của giá xăng dầu thế giới
“Lượng dự trữ xăng dầu trong nước hiện nay còn quá mỏng trong khi nhiều quốc gia từ lâu đã tăng cường dự trữ các mặt hàng chiến lược như xăng dầu, than… Khi nào giá các loại nhiên liệu này ở mức thấp sẽ tăng mua vào, khi nào giá cao sẽ đưa ra sử dụng để bình quân lại giá; việc này vừa chủ động điều chỉnh được với những biến động lớn của giá xăng dầu thế giới, vừa tránh không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, chu kỳ điều hành giá nên rút xuống từ 10 ngày còn 5 ngày làm giảm chi phí cho doanh nghiệp, tránh thua thiệt cho người tiêu dùng. Mặt khác cần thiết kế lại chuỗi cung ứng xăng dầu, giảm bớt chung gian, các chi phí trong cơ cấu giá cơ sở hiện nay đã lạc hậu và không còn phù hợp sắp xếp lại các đầu mối nhập khẩu, bán buôn xăng dầu có cơ chế ổn định hợp lý về phân chia lợi nhuận, chiết khấu cho các đơn vị bán buôn bán lẻ", ông Phú cho hay.
Trong khi đó, với vai trò là trung gian giữa bên mua và bên bán, ông Nguyễn Đức Dũng- Phó Tổng Giám đốc Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đã đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp để bình ổn sản xuất trong bối cảnh giá dầu bấp bênh.
Ông Dũng cho rằng, trên thế giới, các doanh nghiệp xăng dầu thường dùng các công cụ bảo hiểm giá, thông qua các hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn để chốt giá nhập khẩu, xuất khẩu theo chu kỳ vài tháng, thậm chí vài năm. Điều này khiến giá đầu vào và đầu ra được ổn định, và khi giá biến động, họ có nhiều “room” để điều tiết thị trường hơn.
“Vì thế, tôi kỳ vọng chúng ta sẽ sớm đồng bộ các chính sách của các Bộ ban ngành, để các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể tự tin sử dụng các công cụ bảo hiểm giá một cách hiệu quả. Với tư cách là hội viên của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, các doanh nghiệp trong Hiệp hội có sự quan tâm rất lớn tới các công cụ bảo hiểm giá này, nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc về mặt cơ chế để có thể thực hiện một cách hiệu quả”, ông Dũng nhìn nhận.
Nhận định từ nay đến cuối năm có nhiều yếu tố "đe dọa" khiến giá dầu thế giới nhiều khả năng sẽ tăng, TS. Lương Văn Khôi - Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) nhận định, bên cạnh việc chủ động phương án điều hành, tạo dư địa hỗ trợ giá xăng dầu trong trường hợp cần thiết thì cũng cần rất nhiều nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc xử lý nghiêm các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoạt động không đúng quy định.
Để giảm áp lực lạm phát do giá xăng dầu, ông Khôi cho rằng cần tính toán thêm các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay. Cân nhắc giảm thuế VAT với mặt hàng xăng dầu tới hết năm 2022 và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng dầu như kinh nghiệm của các nước.
“Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát giá cả thị trường. Yêu cầu doanh nghiệp công khai, minh bạch về giá cả, có các chế tài xử lý nghiêm việc giá các mặt hàng tiêu dùng tăng theo giá xăng dầu không hợp lý”, ông Khôi nhấn mạnh, đồng thời lưu ý cần kết hợp đồng bộ chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá để giảm thiểu tác động đến lạm phát khi triển khai Chương trình phục hồi kinh tế.