Giải pháp nào được chọn để giảm nghẽn lệnh trên sàn HOSE?
(DNTO) - Tình trạng nghẽn lệnh giao dịch chứng khoán ‘đến hẹn lại lên’, xảy ra trong những phiên chiều trên sàn HOSE và chưa biết thời điểm chính thức có thể khắc phục xong vấn đề này.
Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghẽn lệnh giao dịch chứng khoán trên sàn HOSE từ nửa cuối tháng 12/2020 đến nay, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho rằng: “Hệ thống của sàn HOSE được thiết kế không đáp ứng được số lượng thực tế nhập vào hiện nay. Công suất thiết kế hiện nay được sử dụng đã 20 năm, và chỉ tải tối đa 900.000 lệnh/phiên giao dịch. Trong khi đó, lượng giao dịch đặt vào thị trường ngày càng gia tăng, sự tăng trưởng rất mạnh kể cả quy mô và thanh khoản thị trường, theo đó đã gây ra sự quá tải”, bà Bình nói.
Theo bà Bình, việc nghẽn lệnh đã gây sự cản trở cho sự phát triển của thị trường cũng như ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư. Do vậy, ngay từ cuối năm 2020 đến nay, lãnh đạo Bộ Tài chính và Ủy ban chứng khoán Nhà nước cũng phối hợp, chỉ đạo các Sở Giao dịch chứng khoán và các đơn vị liên quan tìm ra các phương án hỗ trợ, xử lý vấn đề một cách nhanh nhất.
“Để có thể xử lý một cách triệt để vấn đề này, hiện Ủy ban chứng khoán Nhà nước đang có dự án về xây dựng hệ thống công nghệ thông tin mới, phối hợp với nhà thầu là Sở Giao dịch chứng khoán Hàn Quốc. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan nên hệ thống này chưa đưa được vào vận hành để thay thế hệ thống cũ đã vận hành 20 năm một cách kịp thời. Chúng tôi dự kiến đến khoảng cuối năm 2021, hệ thống này mới chính thức vận hành, đi vào hoạt động, theo đó sẽ giải quyết triệt để vấn đề”, bà Bình cho hay.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm 2021, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng như cơ quan liên quan đã có xử lý và tìm ra các giải pháp, bao gồm những giải pháp hành chính lẫn kỹ thuật, trong đó có giải pháp chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) nâng lô giao dịch từ 10-100 cổ phiếu trong một lệnh. Bên cạnh đó, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã có thông báo hỗ trợ các doanh nghiệp niêm yết có ý định chuyển giao dịch tạm thời từ HOSE sang Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), và các đơn vị sẽ hỗ trợ một cách nhanh nhất để xử lý quy trình này để đảm bảo cho doanh nghiệp tiếp tục giao dịch một cách thông suốt.
“Ngoài ra, chúng tôi cân nhắc đồng thời một số giải pháp kỹ thuật khác, có sự hỗ trợ từ phía các đơn vị tư nhân khác như FPT, để có thể có những phương án về mặt kỹ thuật có thể giải quyết được vấn đề này một cách sớm nhất”, bà Bình nhấn mạnh.
Được biết, hiện phía FPT đã khảo sát xong và có phương án hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Phương án này sẽ giảm thiểu sự tác động vận hành hiện tại của cả HOSE và HNX, giảm thiểu đầu mối phải chỉnh sửa (nếu có), đảm bảo yếu tố thời gian, dự kiến 3-4 tháng sẽ sử dụng được.
“Thống nhất là khi áp dụng bất kỳ giải pháp nào là phải đảm bảo được thị trường giao dịch thông suốt, không ngắt quãng, giảm thiểu đầu mối tác động về mặt hệ thống, giảm thiểu tác động tiêu cực đến các hoạt động giao dịch. Ngay trong sáng nay 30/3, Bộ Tài chính đã họp ban chỉ đạo xử lý sự cố phiên đầu tiên”, bà Bình chia sẻ.
Cũng liên quan đến câu chuyện xử lý tình trạng nghẽn lệnh, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, cho biết, có một số vấn đề cần tập trung xử lý càng nhanh càng tốt. Đầu tiên là xử lý kỹ thuật, đó là nâng lô lên 100 là hợp lý, đa số nhà đầu tư ủng hộ. Còn nếu nâng lô lên 1.000 thì sẽ có nhiều nhà đầu tư bị gạt ra khỏi cuộc chơi. Và đây là giải pháp mà Uỷ ban chứng khoán đã không sử dụng, và rất nhiều nhà đầu tư cảm thấy yên lòng với việc này.
Đối với nhà đầu tư hay các thành viên thị trường đều mong muốn rằng, những giải pháp khuyến khích doanh nghiệp chuyển sàn (chuyển giao dịch trên phần mềm của HNX), thì ngoài việc khuyến khích hiện nay, chỉ có một cơ số khoảng 10 doanh nghiệp đã tự nguyện. “Sắp tới chúng tôi cho rằng Ủy ban chứng khoán Nhà nước có thể đề nghị hẳn một nhóm ngành nào đó, ví dụ nhóm ngành chứng khoán chuyển sang sàn HNX. Khi chuyển cả một nhóm ngành như vậy mới đủ sức nặng, khối lượng lệnh đủ lớn hàng ngày có thể sẽ giảm tải cho HOSE nhanh hơn”, ông Ngọc phân tích.
Thứ hai, sẽ phối hợp với các đơn vị bên ngoài để có thể điều chỉnh, ví dụ như FPT, điều chỉnh, sử dụng sàn HNX để áp dụng cho HOSE trong thời gian tới. Các doanh nghiệp rất kỳ vọng việc này, vì nó sẽ giải quyết được chỉ trong vòng một vài tháng, chứ không phải chờ đến cuối năm.
“Việc này nếu chúng ta làm tốt cũng sẽ góp phần giải quyết cho thị trường câu chuyện nghẽn mạch. Tuy nhiên, cũng có sự rủi ro rằng liệu khi xử lý xong việc này thì có xảy ra nghẽn ở HNX? Và đây là điều mà thành viên thị trường và các nhà đầu tư cảm thấy lo lắng”, ông Ngọc nói.