Founder IBIERO: 'Mong muốn của tôi là nhắc đến bia thủ công, người ta sẽ nhớ ngay đến IBIERO'
(DNTO) - "Nhật có rượu Sake, Hàn Quốc có rượu Sochu..., kỳ vọng của tôi là cứ nói đến bia thủ công của Việt Nam thì người ta sẽ nhớ ngay đến IBIERO dù bất cứ nơi đâu", ông Đỗ Giang Vinh, Founder iberio chia sẻ.
Nếu như trước kia, bia thủ công chỉ xuất hiện ở các nước phương tây như Anh, Mỹ, Đức, Bỉ, Czech… Thì vài năm gần đây, phong cách bia độc đáo này đã có mặt tại Việt Nam và trở thành hot trend được giới trẻ vô cùng ưa chuộng khi thưởng thức hương vị men say đầy quyến rũ của những dòng bia cá tính và riêng biệt.
Đặc biệt, trong các dịp Lễ, Tết, khi đồ ăn thức uống đã trở nên nhàm chán, những chai bia thủ công độc lạ đã nhanh chóng "giải cứu" khẩu vị, tạo nên chủ đề nói chuyện sôi nổi cho cánh mày râu và những người sành bia.
Chia sẻ với Doanh Nhân Trẻ ngày đầu năm mới, Ông Đỗ Giang Vinh - Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành công ty IBIERO mong muốn IBIERO sẽ phát triển mạnh mẽ và sáng tạo hơn nhằm đưa ra nhiều sản phẩm bia chất lượng để có thể sánh ngang cùng với các thương hiệu đẳng cấp trên thế giới.
PV: Thưa ông, có mối liên hệ nào giữa người làm công nghệ với người chế tạo đồ uống?
Ông Đỗ Giang Vinh: Thực ra làm nghề nào cũng vậy, cũng đều tạo ra sản phẩm, chỉ khác là sản phẩm đó được dùng vào việc gì thôi. Bây giờ người ra tạo ra các món đồ uống cũng cần nhiều máy móc công nghệ để sản xuất được sản lượng lớn, đồng nhất về chất lượng. Trong thời gian kinh doanh giải pháp IoT (Internet of Things), tôi đã nghĩ ra ý tưởng rất thú vị sau khi thấy được chiếc máy nấu craft beer bằng công nghệ IoT của một cậu kỹ sư người Mỹ. Và thế là cơ duyên bắt đầu.
*Xuất thân làm viễn thông di động rồi “quay xe” khởi nghiệp ở một lĩnh vực hoàn toàn trái ngược với những thế mạnh mình đang có, ông đã vượt qua những thách thức như thế nào để tồn tại? Đâu là yếu tố quyết định thành công cho thương hiệu bia quá mới mẻ?
- Bản thân tôi cũng thấy khi chuyển sang lĩnh vực F&B thực sự rất khác những gì đã trải qua khi còn làm ở những tập đoàn lớn – nơi mà mình đang quen điều hành mọi thứ đã có một hệ thống, phòng ban chức năng, quy chuẩn rõ ràng.
"Khi xây dựng một thương hiệu riêng, thay vì hô hào khẩu hiệu, khuếch trương thái quá, thì nên từ từ, bước đến đâu chắc đến đấy, chứ đừng ồ ạt".
Founder iBiero
Khi làm thử nghiệm đã phát sinh rất nhiều vấn đề từ khâu chi phí mặt bằng, nhân sự, điện nước... Vì sản lượng làm ra không quá lớn mà các chi phí phát sinh khác thì lại rất nhiều nên thành phẩm làm ra sẽ đội giá cao. Đó là những thứ mình không lường trước được. Nếu so sánh thì có khi tự kinh doanh nhà hàng khó hơn điều hành một công ty có 500 – 1.000 nhân viên.
Nên tôi đã phải suy đi tính lại, làm đi làm lại nhiều lần để hệ thống đưa vào quỹ đạo, đưa ra được sản phẩm vừa đảm bảo đúng quy trình nấu, chất lượng ổn định mà giá cả hợp lý.
Nếu khởi nghiệp mà trong đầu chỉ có chiến thắng thôi, nghĩ rằng "sản phẩm của tôi là hoàn hảo", "tôi nghĩ ra ý tưởng này kiểu gì tôi cũng thắng", đấy là yếu điểm. Khi xây dựng một thương hiệu riêng, thay vì hô hào khẩu hiệu, khuếch trương thái quá, thì nên từ từ, bước đến đâu chắc đến đấy, chứ đừng ồ ạt. Bên cạnh đó, có bài toán dự phòng về tiền, thì dù gặp rủi ro vẫn bám trụ được.
*Để tạo ra sản phẩm có chất riêng, như ông đã từng chia sẻ, các nghệ nhân nấu bia nước ngoài thường thể hiện đẳng cấp riêng của họ và hướng vào họ trước tiên. Đi "ngược dòng” với xu thế ấy, việc ông làm bia nhưng ko phải cho mình, mà hướng vào khách hàng, có giúp sản phẩm của ông tạo được dấu ấn, bản sắc riêng?
- Có chứ, ngay từ đầu khi sáng tạo ra thương hiệu bia thủ công IBIERO, tôi đã đặt slogan "Vietnamese crafbeer" vì định vị khách hàng Việt và thị trường nội địa là trọng tâm. Tôi mong muốn chia sẻ những loại bia thủ công ngon nhất của người Việt, cho người Việt. Điều này khác với nhiều thương hiệu phần lớn do người nước ngoài khởi tạo hoặc làm bia thủ công phục vụ khách du lịch.
Thực tế là tôi tự cân đong các chỉ số rồi điều chỉnh để cho mọi người dễ uống. Bởi vì quan điểm của tôi là làm ra bia để bán, tính ứng dụng cao chứ không làm ra bia để "show off", thể hiện cái "ngông" của bản thân. Nhiều ông muốn làm ra những dòng bia "độc, lạ"... vì thế, có loại bia rất đắng, rất gắt, khách chỉ uống một cốc là "nhăn mặt", không muốn thử lại lần 2.
Chính vì thế, các loại bia của IBIERO rất gần gũi với người Việt. Đó là hương thơm quyến rũ độc đáo, vị đắng đằm đậm và lớp bọt bia có độ sánh mịn mềm mại. Nâng ly bia lên, nhấp ngụm bia đầu tiên, thấy một vị đắng nhẹ nhưng dư vị lại êm mượt và ngọt dịu, lay động mọi tầng giác quan. Tôi chỉ đau đáu việc làm sao các mẻ bia "ra lò" bán được cho khách hàng, khách hàng trao giải cho tôi, khách hàng yêu tôi, thế là thành công.
*Theo ông, với một thị trường mở cửa như Việt Nam, có rất nhiều nhãn hiệu bia thủ công của các nước có lịch sử lâu đời cũng như danh tiếng, lẫn trải nghiệm, thì đâu là ưu thế cạnh tranh của nhãn hiệu bia IBIERO, và định hướng chinh phục thi trường quốc tế?
- Ưu điểm nhận diện thương hiệu bia IBIERO chính là tạo ra văn hóa thưởng thức bia thủ công cho người Việt, mang đậm bản sắc hương vị Việt.
Từ 5 dòng bia ra đời trên nền 5 dòng craft beer nổi tiếng trên thế giới, hàng năm chúng tôi làm ra các loại bia mang đặc trưng của Việt Nam như bia cốm, bia hoa bưởi để xây dựng thương hiệu và sản phẩm đáng nhớ cho IBIERO.
Đơn cử như bia cốm, nguyên liệu chính để làm ra loại bia này đó chính là cốm Làng Vòng, kết hợp với gạo tám thơm, hoa bia, lúa mạch và lá nếp để tăng thêm hương thơm cho bia. Bia Cốm được nấu thủ công hoàn toàn thay vì quy trình xử lý bằng máy và mất tới 1 tháng để nấu, ủ, lên men cùng nhiều công đoạn tỉ mỉ khác để xong một mẻ bia cốm. Trải qua thời gian dài như vậy, bia mới có được hương thơm của cốm nguyên chất kèm mùi vị nhẹ nhàng, man mát, thanh thanh rất dễ uống.
Hay như bia hoa bưởi rất thơm, lại gợi nhớ hình ảnh những gánh hàng hoa đặc trưng của Hà Nội... Các loại bia này cũng được khách hàng người Việt và người nước ngoài khá ưa chuộng. Có người uống bia này quen rồi không uống được bia khác nữa
Hiện tại IBIERO đang phát triển mở rộng thêm các chi nhánh IBIERO CRAFT BEER STATION trên cả nước, và một ngày không xa IBIERO sẽ cố gắng đưa sản phẩm của mình ra khắp các Châu lục.
*Bia là gắn với văn hóa, lối sống địa phương. Theo ông, làm sao để bia thủ công trở thành một lối sống văn hóa thưởng thức trong những người sành bia và cộng đồng? Và làm thế nào để có sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa bia quốc tế với ẩm thực Việt Nam?
"Bia thủ công vẫn sẽ có "chỗ đứng" thị trường vững chắc của riêng mình, và mảnh đất này ngày càng mở rộng hơn bởi nhiều yếu tố: sản phẩm độc đáo, điều kiện tốt để sản xuất, và thái độ ngày càng rộng mở đối với bia của giới trẻ Việt Nam".
Founder IBIERO
- Có thể thấy, một trong những yếu tố then chốt của thị trường Việt Nam chính là nền tảng khách hàng trẻ cũng như có học vấn cao. Ngày trước bia thủ công chỉ được biết đến trong độ tuổi 40-50 nhưng hiện tại thì các thế hệ 2x,3x cũng đã bắt đầu rộ lên xu hướng trải nghiệm các dòng bia thủ công, tạo lên các làn sóng văn hóa bia thủ công trong giới trẻ. Hiện nay, giới trẻ nhậu đã không còn là uống cho say, mà dần hướng đến mục đích nếm và thưởng thức nhiều hơn so với các thế hệ trước.
Nắm bắt được điều đó, IBIERO đã điều chỉnh toàn bộ các công thức cho phù hợp với người Việt Nam. Ví dụ: nếu như chuẩn công thức ngoại thì có loại bia thủ công chỉ hợp ăn cùng với hoa quả, có những loại chỉ ăn được với phô mai, không thể ăn được với thịt, hay cá… Tôi thì muốn bia của tôi mọi người đều uống được, kể cả những người chưa uống bia thủ công bao giờ. Thêm nữa, nó phải uống được với tất cả các món ăn Việt Nam: ăn với đồ Âu cũng được, đồ Á cũng được, với lòng lợn cũng được, với cá cũng được, với lẩu cũng được.
* Ông đã hình dung về sản phẩm của mình trên thị trường trong 30-50 năm hoặc xa hơn nữa chưa?
- Trào lưu là những thứ đến vội vàng và vụt qua cũng rất nhanh. Nhưng đối với bia thủ công, nhất là ở góc nhìn về tính chất của sản phẩm, loại đồ uống này sẽ dần có chỗ đứng trong thị trường như cocktails, bởi đây là loại đồ uống có sức sáng tạo không hồi kết.
Do đó, bia thủ công vẫn sẽ có "chỗ đứng" thị trường vững chắc của riêng mình, và mảnh đất này ngày càng mở rộng hơn bởi nhiều yếu tố: sản phẩm độc đáo, điều kiện tốt để sản xuất, và thái độ ngày càng rộng mở đối với bia của giới trẻ Việt Nam.
Thực ra nó là câu chuyện tương lai rất xa, nhưng tôi luôn mong muốn tất cả người Việt đều uống bia IBIERO thường xuyên như một nét văn hóa Việt Nam, đi đâu cũng thấy IBIERO trên kệ của các đại lý, siêu thị, nhà hàng khách sạn.
- Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện!