Doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo: 'Ngay từ khi ra đời, King Coffee đã xác định sứ mệnh trở thành thương hiệu toàn cầu'
(DNTO) - "Bản lĩnh của người "thuyền trưởng" khi có tầm nhìn xa, sẽ giúp doanh nghiệp đỡ thiệt hại hơn trước những tác động bất lợi từ bên ngoài. Có thể nói, chỉ với 7 năm phát triển, nhưng chúng tôi đã đạt được những thành quả mà phải cần đến hơn 20 năm, nhiều doanh nghiệp mới làm được điều đó", CEO King Coffee chia sẻ.
"Thai nghén" King Coffee trong thời điểm rất khó khăn, tuy nhiên với bản lĩnh quyết tâm, kiên định của một "nữ tướng", đã giúp bà hiện thực hóa giấc mộng của đời mình, nhờ đó bà đã cho ra đời thương hiệu mới đầy tâm huyết vươn tầm thế giới.
“Sứ mệnh của tôi đối với ngành cà phê là động lực thôi thúc tôi trở lại”, là chia sẻ mới đây của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, chính điều này đã tiếp thêm luồng sinh khí mới truyền cảm hứng đến với các doanh nhân, đặc biệt là những doanh nhân trẻ, mạnh mẽ "đạp sóng dữ", bứt phá để thành công.
Chia sẻ từ kinh nghiệm về hành trình giúp King Coffee “tìm cơ trong nguy” và những kỳ vọng trong thời gian tới, bà Lê Hoàng Diệp Thảo, CEO King Coffee, khẳng định với Doanh Nhân Trẻ Online rằng: “Tôi chắc chắn một điều King Coffee sẽ vĩ đại hơn và rất xứng đáng là thương hiệu Việt có tầm vóc toàn cầu thật sự”.
PV: Thưa bà, trong bối cảnh lạm phát, chuỗi cung ứng đứt gãy, xung đột chính trị, King Coffee có gặp khó khăn gì không? Chiến lược ứng phó với thách thức để đạt mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn và dài hạn?
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo: Khó khăn chắc chắn là có. Tuy nhiên, bối cảnh này vừa là thách thức, vừa là cơ hội để doanh nghiệp khẳng định vị thế. Chiến lược ứng phó với thách thức để đạt mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn và dài hạn chính là biến “nguy” thành “cơ”. Muốn tránh những cơn bão ở phía dưới, doanh nghiệp cần bay ở tầng cao nhất.
Hiện King Coffee đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhiều ý tưởng mới nhằm bứt phá tăng trưởng trong bối cảnh lạm phát, chuỗi cung toàn cầu đứt gãy và cả xung đột chính trị như hiện nay. Chiến lược mũi nhọn của King Coffee chính là đa dạng hóa kênh phân phối thông qua các sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới như Amazon, Ebay, Alibaba…
Muốn tránh những cơn bão ở phía dưới, doanh nghiệp cần bay ở tầng cao nhất. Chỉ với 7 năm phát triển nhưng chúng tôi đã đạt được những thành quả mà phải cần đến hơn 20 năm, nhiều doanh nghiệp mới làm được điều đó.
Ceo King Coffee
Đặc biệt là đẩy mạnh hệ thống đại lý toàn cầu với sáng kiến Global Agent Network. Sáng kiến này đã làm gia tăng gấp đôi thị trường bằng cách King Coffee liên kết với các tổ chức, cá nhân vốn sẵn có mạng lưới tại nhiều quốc gia trên thế giới đang gặp khó khăn về nguồn việc do đại dịch để họ trở thành đại lý phân phối cho King Coffee. Thực tế đã chứng minh chiến lược này đang hiệu quả vì chỉ trong vài tháng ngắn ngủi, King Coffee đã mở rộng thị trường từ 61 nước lên hơn 120 nước.
* Tại thị trường quốc tế, King Coffee xác định chiến lược như thế nào để có thể cạnh tranh với các thương hiệu lớn, đồng thời giữ vững thị phần của mình và phát triển hơn, thưa bà?
- King Coffee ra mắt sản phẩm đầu tiên không phải tại Việt Nam, mà là tại Mỹ. Sau đó, King Coffee xuất hiện ở các thị trường quốc tế khác như Hàn Quốc, Singapore… rồi mới trở về Việt Nam. Điều đó có nghĩa rằng, ngay từ khi ra đời, King Coffee đã xác định tầm nhìn là trở thành một thương hiệu toàn cầu. Vì thế, bên cạnh việc xuất khẩu cà phê với đa dạng sản phẩm, phù hợp với nhu cầu của từng thị trường, King Coffee còn đặt mục tiêu phát triển chuỗi quán, mở rộng mô hình franchise để quảng bá cà phê Việt Nam nhanh chóng.
Riêng tại Mỹ, King Coffee không chỉ bán sản phẩm trong hệ thống siêu thị lớn và hệ thống E-Commerce mà phát triển mô hình quán đẹp mắt, đầy phong cách Việt Nam tại một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất thế giới là trung tâm mua sắm và giải trí ngoài trời của Công viên Disney.
Có thể nói, chỉ với 7 năm phát triển nhưng chúng tôi đã đạt được những thành quả mà phải cần đến hơn 20 năm, nhiều doanh nghiệp mới làm được điều đó.
* Hiện nay, nhiều "ông lớn" có tiềm lực tài chính đã vào thị trường Việt Nam bằng cách mua lại một nhãn hiệu địa phương phát triển có sẵn, liệu King Coffee có cảm thấy khó khăn trong cạnh tranh ko? Theo bà, đâu là sự khác biệt các chuỗi cà phê King Coffee so với chuỗi ngoại, để gia tăng cạnh tranh cho đơn vị nhận chuyển nhượng thương hiệu?
- Khó khăn trong cạnh tranh là điều tất yếu trong kinh doanh. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, có thể nói, King Coffee cũng là một tên tuổi lớn trong ngành cà phê – đối thủ “đáng gờm” trong cuộc đua với các thương hiệu khác.
So với chuỗi ngoại, King Coffee có lợi thế về bản sắc thương hiệu Việt. Việt Nam là quốc gia trồng được cà phê Robusta thượng hạng với sản lượng lớn nhất thế giới. Do đó, chúng ta càng phải phát triển công đoạn sau của chuỗi giá trị, đầu tư chế biến sâu, làm ra các sản phẩm cà phê hòa tan để đẩy giá trị thu về cao hơn.
Đồng thời, Việt Nam lại có nền văn hoá ẩm thực phong phú, hấp dẫn cùng với gu thưởng thức cà phê rất độc đáo rất đáng tự hào. Khách quốc tế khi đến Việt Nam đều rất tò mò, ngạc nhiên và thích thú khi khám phá văn hoá cà phê Việt Nam, với những sản phẩm được xuất hiện rất nhiều trên truyền thông thế giới như cà phê sữa đá, cà phê trứng…
Đó chính là điều đặc biệt mà King Coffee thấy rằng cần phải nắm bắt, trân trọng và khai thác tối đa để biến thành những lợi thế cạnh tranh đặc biệt. Chính vì vậy, chúng tôi luôn nỗ lực tạo ra những sản phẩm cà phê đạt chuẩn, hương vị đặc trưng Việt Nam nhưng vẫn hợp gu với thời đại, đồng thời gìn giữ uy tín để tạo nên sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp cũng như cho thương hiệu Việt Nam.
* Với thị trường nước ngoài, King Coffee có chiến lược gì để tận dụng các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam kí kết, đặc biệt ở các thị trường rất tiềm năng như Trung Quốc, các nước Hồi giáo..., thưa bà?
- Trong năm 2021 Chính phủ Việt Nam đã mở rộng cửa cho ngành nông nghiệp nói chung và cà phê nói riêng để bứt phá. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA) cũng vừa được Chính phủ Việt Nam ký kết ngày 29/12/2020 … giúp các mặt hàng nông sản, trong đó có các sản phẩm cà phê, được xuất sang thị trường này với mức thuế bằng không và xuất khẩu không hạn ngạch.
Tôi nhận thấy có cơ hội rất nhiều cho cà phê Việt Nam trong chuỗi giá trị hơn 200 tỷ USD. Nếu chúng ta biết tận dụng một cách thông minh nền tảng mạng xã hội rộng mở với chi phí rất rẻ để quảng bá thương hiệu và tìm kiếm đối tác thì hoàn toàn có thể rút ngắn mục tiêu viết tên mình trên bản đồ thế giới.
Ceo King Coffe
Vị thế Việt Nam đang lớn lên rất rõ trong khu vực và trên thế giới. Tôi đã tham dự hơn 200 hội nghị trên thế giới, tại sự kiện nào tôi cũng cố gắng quảng bá cho cà phê Việt Nam. Tôi nhận thấy có cơ hội rất nhiều cho cà phê Việt Nam trong chuỗi giá trị hơn 200 tỷ USD đó, bởi một phần ba trong đó là Fresh Coffee (cà phê hạt rang), một phần ba là cà phê hòa tan. Trong cà phê hòa tan có rất nhiều loại như ba trong một, hai trong một. cà phê Collagen, Ready To Drink (cà phê uống liền), Capsule (cà phê viên nén).
Rõ ràng, nhu cầu và tiềm năng của thị trường rất phong phú, không phải chỉ xuất khẩu thô chúng ta có thể chiếm lĩnh với nhiều dòng sản phẩm khác.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực cà phê và nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước, tôi xây dựng dãy sản phẩm phong phú cho King Coffee. Chất lượng và hương vị của sản phẩm do King Coffee làm ra đều vượt trội. Quả thật vậy vì King Coffee có mặt trên các kệ hàng ở những thị trường khó tính nhất như Costco, Walmart, trên các kênh thương mại điện tử hàng đầu thế giới như Amazon, Ebay, Alibaba…
* Cà phê là mặt hàng chủ lực của nông sản Việt, là "thuyền trưởng" của thương hiệu lớn như King Coffee, bà đã có hỗ trợ gì để gia tăng giá trị xuất khẩu cà phê cho nông dân và doanh nghiệp, đưa thương hiệu cà phê Việt lên bản đồ thế giới?
- King Coffee vẫn đang tiếp tục triển khai dự án Happy Farmers – Một dự án cộng đồng, hỗ trợ người nông dân trồng ra những hạt cà phê có chất lượng cao hơn, áp dụng các phương pháp và công nghệ canh tác tiên tiến, bền vững, bảo vệ môi trường, nhằm nâng cao giá trị, phẩm cấp và vị thế của cà phê Robusta Việt Nam ở thị trường quốc tế. Dự án cũng cam kết thu mua và tổ chức các chương trình an sinh xã hội, nhằm nâng cao giá trị đời sống và thu nhập của người nông dân trồng cà phê.
Happy Farmers tập trung tạo chuỗi liên kết bền vững với các nhà cung ứng có vùng nguyên liệu đạt các chứng nhận phát triển bền vững; các HTX tại vùng nguyên liệu… nhằm tạo thế đứng vững chắc trước những biến động của thị trường thế giới, phá vỡ thế bị động về quyền tự quyết giá cả mua bán cà phê trên thế giới.
Trong thời gian tới, Happy Farmers sẽ tiếp tục mở rộng chuỗi liên kết cung ứng và vùng nguyên liệu phát triển bền vững tại Tây Nguyên, đồng thời phát triển vùng trồng cà phê đặc hữu riêng của King Coffee tại các tỉnh Tây Nguyên. Dự án cũng sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình an sinh xã hội tại những địa phương của dự án.
Ở quy mô lớn hơn, tôi sẽ đưa King Coffee tiến vào sâu hơn các thị trường quốc tế. Bằng nền tảng phát triển của King Coffee và cơ hội trên toàn cầu, các đối tác sẽ mua nhượng quyền để đưa thương hiệu đi xa hơn. Như vậy, người tiêu dùng khắp thế giới sẽ thấy thương hiệu cà phê Việt hiện diện ở những địa điểm nổi tiếng như trung tâm thương mại, sân bay, các sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới…
Hiện nay, Việt Nam có sẵn nền tảng hạ tầng như công cụ, điều kiện, kết nối, công nghệ… Nếu chúng ta biết tận dụng một cách thông minh nền tảng mạng xã hội rộng mở với chi phí rất rẻ để quảng bá thương hiệu và tìm kiếm đối tác thì hoàn toàn có thể rút ngắn mục tiêu viết tên mình trên bản đồ thế giới.
Cảm ơn bà về cuộc trò chuyện!