Doanh nghiệp Việt Nam chào đón tiêu chuẩn chung cho chính sách bảo vệ môi trường

(DNTO) - Các doanh nghiệp tại Việt Nam đang tìm kiếm một tiêu chuẩn chung cho chính sách bảo vệ môi trường để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng.

Các công ty ở Việt Nam đang đề cao vai trò của nhà nước trong việc thúc đẩy chính sách môi trường. Ảnh: Nikkei Asia
Dù là với ngành nghề nào, các doanh nghiệp tư nhân thường ái ngại sự kiểm soát của chính quyền, nhưng điều này lại khác hẳn khi bàn đến các điều luật bảo vệ môi trường.
Từ Coca-Cola cho đến Công ty Dệt may Thành Công, các doanh nghiệp tại Việt Nam đang nắm vai trò thúc đẩy chính quyền tìm kiếm một tiêu chuẩn chung cho chính sách bảo vệ môi trường, mong muốn lọc ra những công ty gây hại môi trường để đeo đuổi lợi nhuận.
Việt Nam đã đưa ra nhiều điều luật về môi trường, với một chính sách quan trọng đã có hiệu lực hồi năm ngoái, đòi hỏi các doanh nghiệp kiểm kê mức khí thải nhà kính. Chính quyền nhà nước sẽ bắt đầu buộc các hãng gây ô nhiễm nặng phải đưa ra kế hoạch chi tiết để giảm thiểu khí thải. Điều này có thể vô hiệu hóa những yếu tố cạnh tranh không công bằng mà các hãng này đang lợi dụng, chẳng hạn như dựa dẫm nhiều vào nguyên liệu hóa thạch rẻ tiền thay vì sử dụng các giải pháp năng lượng sạch.
Người dùng ngày càng mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn trở nên “xanh” hơn, nhưng họ cũng không muốn trả giá cho việc đó - theo giám đốc điều hành một công ty tại Việt Nam - cho rằng điều này đòi hỏi chính phủ cần can thiệp.
Có một luận điểm kinh doanh rất logic cho nhu cầu này: Các công ty đang lo ngại sẽ mất khách hàng do giá thành cao, nhưng nếu tất cả các công ty đều phải trả cùng chi phí để bảo vệ môi trường thì không ai sẽ phải chịu bất lợi.
Chủ tịch Keppel Việt Nam, Joseph Low, cho biết tại hội nghị thượng đỉnh về phát triển bền vững gần đây của Forbes: “Bền vững môi trường không hề rẻ”. Nhà phát triển bất động sản có trụ sở tại Singapore này đã đặt mục tiêu giảm lượng khí thải thông qua các giải pháp như lắp đặt thiết bị làm mát và chiếu sáng thông minh.
Các giám đốc điều hành đang yêu cầu chính phủ ban hành thêm hai chính sách công nghiệp nữa để thúc đẩy hành vi tốt của doanh nghiệp. Một là giảm thuế cho các hoạt động sản xuất thân thiện môi trường - Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công, nhà cung ứng cho Adidas và Columbia Sportswear, đã chuyển sang sử dụng vật liệu hữu cơ và hóa chất an toàn hơn, cho biết.
“Bất cứ điều gì có thể ảnh hưởng đến môi trường, chúng tôi cũng phải kiểm soát”, Chủ tịch Thành Công, ông Trần Như Tùng, nói tại hội nghị thượng đỉnh hồi tháng trước. Ông nói thêm rằng khách hàng đã yêu cầu công ty của ông chuyển sang hoạt động sản xuất bền vững mà không tăng giá. "Chi phí thực sự rất cao".
Chính sách thứ hai cần có là các tiêu chuẩn chung trong việc báo cáo tính bền vững, chẳng hạn như kiểm kê khí thải. Theo Giám đốc Phát triển bền vững của UOB Việt Nam, Jason Yang, khi các doanh nghiệp buộc phải tuân thủ các tiêu chuẩn chung, điều đó sẽ cải thiện chất lượng và hiệu quả của dữ liệu mà họ đo đạc.
Coca-Cola kêu gọi một cách tiếp cận kết hợp để đạt được nền kinh tế tuần hoàn một cách tổng thể hơn. Ông Leonardo Garcia, Giám đốc hãng này tại Việt Nam cho biết: “Ta cần phải đảm bảo đầu tư vào giáo dục, cơ sở hạ tầng và cả chính sách”.
Ngành của Coca-cola nằm trong số sáu ngành phải bắt đầu theo dõi lượng khí thải, đó là công nghiệp, năng lượng, giao thông, xây dựng, nông nghiệp và chất thải. Vào tháng 8/2023, Chính phủ Việt Nam đã xuất bản một sổ tay hướng dẫn tuân thủ, bao gồm các quy định về thiết kế, quản lý và xác minh lượng khí thải carbon.
Joseph Low cho biết, ngay cả khi không có sự can thiệp của nhà nước, khách hàng ngày càng yêu cầu các doanh nghiệp thực thi trách nhiệm với môi trường. "Một số khách hàng nói: 'Tôi từ chối mua một sản phẩm nếu nó không đáp ứng một số tiêu chuẩn môi trường nhất định'".
Quy định kiểm kê của Việt Nam sẽ áp dụng đối với các công ty thải ra ít nhất 3.000 tấn carbon mỗi năm. Sau khi có cơ sở dữ liệu, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ giao cho mỗi công ty một hạn ngạch ô nhiễm trước khi tạo ra một thị trường nơi các công ty có thể mua tín dụng phát thải nếu vượt quá hạn ngạch.
Roedl, một công ty luật, phân tích: “Việc phân bổ hạn ngạch thải khí nhà kính sẽ giúp các đơn vị chủ động trong việc mua bán tín chỉ carbon trên thị trường carbon trong tương lai”.