Doanh nghiệp Việt giải 'bài toán' sản xuất an toàn như thế nào?
(DNTO) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, để không đứt gãy chuỗi sản xuất, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải nhìn nhận, "sát hạch" lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi chiến lược...
Để sản xuất an toàn, buộc doanh nghiệp phải nhanh nhạy hơn nữa
Chia sẻ tại tọa đàm "Sản xuất an toàn trong đại dịch", ngày 13/12, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, cho biết, hiện các doanh nghiệp TP.HCM đã bắt tay vào khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh với 88 dự án trong khu công nghệ cao và khoảng 48.000 lao động đã khôi phục 100% hoạt động.
Trong các Khu công nghiệp - Khu chế xuất của TP.HCM cũng đã có 1.408/1.412 doanh nghiệp hoạt động trở lại với số lượng lao động lên tới trên 280.000 lao động, chỉ còn 4 doanh nghiệp, cho thấy TP.HCM đã bắt nhịp để khôi phục. Các doanh nghiệp đang chạy nước rút để thực hiện nhanh các đơn đặt hàng từ khu vực Mỹ, châu Âu cho mùa đông và Giáng sinh. Kim ngạch xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao trong thời gian vừa qua…
"Đây là đợt bùng phát chưa từng có tiền lệ, để thích ứng cần phải có thời gian. Bước đầu còn có nhiều khó khăn nhưng sau một thời gian các doanh nghiệp đã tìm được lối đi của mình. Sau khi lực lượng lao động được phủ vaccine, doanh nghiệp đã tự tin hơn rất nhiều trong phục hồi sản xuất, kinh doanh", PGS.TS Trần Hoàng Ngân nói.
Đồng thời, nhấn mạnh việc doanh nghiệp sẽ lỡ mất cơ hội vàng nếu không nhanh nhạy chuyển đổi số ông Ngân cho rằng, công nghệ không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất mà còn giúp đảm bảo "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch vừa phục hồi sản xuất, kinh doanh, để biến thách thức thành cơ hội, tạo chuẩn giá trị mới, mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu...
"Đại dịch đã gây áp lực, buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi số để tồn tại. Chúng ta có thể thua các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á về năng lực cạnh tranh, nhưng về nền kinh tế số, Việt Nam có tiềm năng lớn để có thể bứt phá", ông Ngân nhận định.
Để không bị hất văng khỏi "đường ray", bắt buộc doanh nghiệp phải ngồi lại, phải quyết định hoạt động theo "3 tại chỗ". Qua đợt dịch này, các doanh nghiệp đều hiểu rằng tái cấu trúc là bắt buộc và rút ra bài học lớn là sắp xếp lại quy trình làm việc, làm việc trực tuyến và trực tiếp.
ông Trần Việt Anh-Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho hay hiện các doanh nghiệp có quy trình thích ứng chung đó là quy trình về sức khỏe, đồng thời các doanh nghiệp cũng có những nhân viên y tế tham gia về phòng dịch tại doanh nghiệp.
"Trải qua các làn sóng Covid-19, doanh nghiệp hiểu rõ hơn các quy trình về sức khỏe và xây dựng lực lượng y tế ngay tại cơ sở sản xuất. Hiện 70% doanh nghiệp nói chung và 90% doanh nghiệp sản xuất đều có nhân viên đủ trình độ làm xét nghiệm, đo SPO2, nhận diện F0 trong cộng đồng...", ông Trần Việt Anh thông tin.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nỗ lực thay đổi cách thức làm việc, như với khối văn phòng thì chuyển các cuộc họp sang trực tuyến hoặc họp nhanh, họp ít người, còn ở nhà xưởng thì đặt vấn đề thông gió lên hàng đầu. Đáng chú ý, doanh nghiệp cũng chấp nhận đầu tư chi phí cao để thiết kế lại dây chuyền sản xuất nhằm đảm bảo giãn cách và quan tâm nhiều hơn đến chỗ ở, khu nhà trọ của công nhân.
"Để không bị hất văng khỏi "đường ray", bắt buộc doanh nghiệp phải ngồi lại, phải quyết định hoạt động theo "3 tại chỗ". Và qua đợt dịch này, các doanh nghiệp đều hiểu rằng tái cấu trúc là bắt buộc và rút ra bài học lớn là sắp xếp lại quy trình làm việc, làm việc trực tuyến và trực tiếp", ông Trần Việt Anh nói.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhận định, trước việc TP.HCM phát hiện nhiều F0 trong doanh nghiệp, dù hầu hết người dân đã tiêm vaccine, song vẫn có thể nhiễm Covid-19 và khi nhiễm sẽ không có biểu hiện hoặc triệu chứng nhẹ nếu đã tiêm vaccine. Do đó, ông Tuyên nhấn mạnh người lao động không được chủ quan, lơ là phòng dịch mà phải thực hiện đúng thông điệp 5K.
'Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo kế hoạch tổng thể về công tác phòng chống dịch dựa trên các nền tảng khoa học, kinh nghiệm trên thế giới, kinh nghiệm qua các làn sóng dịch bệnh ở Việt Nam, đặc biệt là làn sóng dịch bệnh lần thứ 4", ông Tuyên thông tin.
Đối với xét nghiệm trong doanh nghiệp, ông Tuyên cho hay, Bộ Y tế cho phép các doanh nghiệp có cán bộ y tế đã được tập huấn, chủ động tự xét nghiệm cho nhân viên, kết quả này sẽ được tích hợp vào hệ thống phòng chống dịch của quốc gia. Việc tự kiểm tra, giám sát của địa phương, doanh nghiệp là rất quan trọng để tự nhận ra những khiếm khuyết trong công tác phòng chống dịch, từ đó điều chỉnh cho phù hợp và thích ứng linh hoạt, hiệu quả cho sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn bảo đảm phòng chống dịch tốt.
"Thông qua kiểm tra, giám sát đã tạo được động lực, giúp cho doanh nghiệp củng cố toàn diện hơn công tác phòng chống dịch, giúp cho công tác sản xuất được tốt hơn", ông Tuyên nói.
Những trợ lực từ Chính phủ vẫn là "liều vaccine" doanh nghiệp mong mỏi nhất
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, nhiều doanh nghiệp ở TP.HCM đã chủ động điều chỉnh cách thức sản xuất để phù hợp bối cảnh mới. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và cơ quan chức năng.
"Doanh nghiệp hiện nay không chỉ khó khăn về phòng chống dịch bệnh mà còn rất cần sự trợ lực về dòng tiền. Được biết hiện nay Chính phủ đang trình Quốc hội gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, tôi cho rằng đây là gói hỗ trợ hết sức cần thiết. Các doanh nghiệp cần tiếp tục được miễn, giảm thuế phí; cơ cấu lại nợ vay, giãn nợ kéo dài đến hết năm 2022; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc huy động vốn lãi suất thấp", ông Ngân nói.
Việc sản phẩm làm ra mà không tiêu thụ được mà các doanh nghiệp vừa nói đến là do tổng cầu giảm. Tôi cho rằng Chính phủ nên đề nghị Quốc hội thông qua gói hỗ trợ thu nhập cho nhân dân, cho người lao động, hộ nghèo, gia đình có người mắc Covid-19. Việc này sẽ làm tăng tổng cầu, cũng sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân
Nói về các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, ông Ngân nhấn mạnh, Chính phủ cần tăng gói đầu tư công để đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng, giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí logistics...
"Việc sản phẩm làm ra mà không tiêu thụ được mà các doanh nghiệp vừa nói đến là do tổng cầu giảm. Tôi cho rằng Chính phủ nên đề nghị Quốc hội thông qua gói hỗ trợ thu nhập cho nhân dân, cho người lao động, hộ nghèo, gia đình có người mắc Covid-19. Việc này sẽ làm tăng tổng cầu, cũng sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm", ông Ngân cho hay.
Cũng theo ông Ngân đề nghị, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ trung ương, Bộ Y tế với một chiến lược cụ thể để giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh nhưng không còn lo lắng có thể tái diễn các biện pháp phòng dịch chặt như giãn cách, "3 tại chỗ"…
"Nếu xác nhận sống thích ứng an toàn với Covid-19 là hướng đi phải chọn để phù hợp với xu thế hiện nay thì cũng cần chia sẻ để doanh nghiệp yên tâm sản xuất", ông Ngân cho hay.
Từ phía doanh nghiệp, ông Trần Việt Anh đề xuất Chính phủ có kế hoạch di dời tất cả nhà máy đang lẫn trong khu dân cư.
"Có những nhà máy đã xây dựng hơn 20 năm, không phân biệt được đâu là khu công nghiệp, đâu là khu dân cư, rồi từ nhà máy sẽ phát sinh các khu nhà trọ. Đây là những nơi phát sinh nhiều ổ dịch trong thời gian qua. Cần có quy định để tách nhà máy khỏi khu dân cư như nhiều quốc gia khác đang làm", ông Trần Việt Anh nêu thực trạng, đồng thời kiến nghị bổ sung chế độ hỗ trợ cho người lao động ở vùng đỏ, vùng cam, và bổ sung quy định cho đối tượng lao động làm việc tại nhà để đảm bảo quyền lợi cho họ.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, từ lãnh đạo cấp cao, cấp trung đến công nhân đều bị ám ảnh tâm lý và hoang mang, vai trò của bác sĩ tâm lý cũng cần được đề chú trọng bên cạnh yếu tố thể chất, thuốc men phòng và điều trị Covid-19.