Doanh nghiệp FDI ồ ạt vào Việt Nam nhưng lại ‘ki bo’ khi chuyển giao công nghệ

(DNTO) - Mục tiêu tận dụng làn sóng doanh nghiệp FDI vào Việt Nam để nhận chuyển giao công nghệ chưa thành công. Việt Nam cần tự mình xây dựng nhiều hơn những “sếu đầu đàn” từ khu vực kinh tế tư nhân để phát triển kinh tế.

Trong 35 năm qua, các doanh nghiệp FDI đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam, tuy nhiên kết quả nộp ngân sách, chuyển giao công nghệ chưa tương xứng với tiềm năng. Ảnh: T.L.
FDI rầm rộ nhưng công nghệ chuyển giao èo uột
Sau hơn 35 năm (1986 – 2022), Việt Nam đã thu hút được khoảng 438,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó 274 tỷ USD đã được giải ngân.
Tính riêng 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã thu hút gần 8,88 tỷ USD vốn FDI, bằng 82,1% so cùng kỳ; trong đó, vốn thực hiện khoảng 5,85 tỷ USD, giảm 1,2% so cùng kỳ năm ngoái (theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài Chính năm 2021, số doanh nghiệp FDI báo lỗ là 14.293, chiếm 55% tổng số doanh nghiệp FDI của cả nước, với giá trị lỗ 168.334 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2020.
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam còn chưa tương xứng với tổng mức đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ.
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, những năm đầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực lực và nội lực của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu vì đa phần các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Trong khi đó, hệ thống doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn hơn nhưng hoạt động trì trệ, kém hiệu quả. Lúc này, chính sách thu hút FDI được tung ra với mục đích kéo doanh nghiệp FDI để làm đầu kéo, chuyển giao công nghệ và kỹ thuật.
Tuy nhiên, theo TS. Nam, mục tiêu nhận chuyển giao công nghệ từ khối FDI trong nhiều năm qua chưa thành công. Bởi các doanh nghiệp FDI luôn có nguyên tắc quản lý và chuyển giao công nghệ.
“F1 (công nghệ nguồn) họ giữ tại quốc gia của họ, ta chỉ nhận được F2. Mà định hướng của ta là phải tăng tốc, tranh thủ thế của nước phát triển đi sau. Muốn làm được điều đó phải có công nghệ tốt và tài chính, nhưng các doanh nghiệp FDI không bao giờ chuyển giao cho ta F1. Vì thế nên phải có Nghị quyết Kinh tế Tư nhân để phát huy nội lực cũng như trong Nghị quyết của Đảng xác định từng bước tự chủ nền kinh tế. Chúng ta muốn giải quyết được thì phải tự lực bằng chính sách của ta”, TS Nam nhấn mạnh.
Cũng cho rằng mục tiêu chuyển giao công nghệ, mục tiêu phát triển từ khối FDI rất thấp so với kỳ vọng đặt ra, ông Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công thương, cho biết trong quá trình nghiên cứu quá trình phát triển của nhiều nước, dù trải qua bất kì thời kỳ nào, bao giờ cũng phải dựa vào khu vực kinh tế tư nhân để hình thành “sếu đầu đàn”.
Việc dựa vào “sếu đầu đàn” FDI không khả thi. Bởi thực tế, con số xuất nhập khẩu năm 2022 đạt kỷ lục hơn 732 tỷ USD, nhưng khối FDI chiếm hơn 73% (theo Bộ Công thương). Giá trị gia tăng, tham gia vào chuỗi cung ứng xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa còn thấp. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong cam kết và hoạt động đầu tư tại Việt Nam có hỗ trợ nhưng tỷ lệ rất thấp.
“Cần xây dựng các quy định ràng buộc đối với các doanh nghiệp FDI hơn nữa trong việc chuyển giao công nghệ cũng như thực hiện các cam kết công nghệ. Trong các dự án đầu tư, cam kết chỉ ra rõ ràng nhưng không có ràng buộc gì cả. Cho đến thời điểm này đánh giá tỉ lệ chuyển giao công nghệ vô cùng thấp chứ không phải rất thấp”, ông Hội khuyến nghị.
Việt Nam ‘khát’ những ‘sếu đầu đàn’

Những doanh nghiệp nội có được công nghệ nguồn là cơ hội để kinh tế Việt Nam phát triển bền vững. Ảnh: T.L.
Chia sẻ về lý do các quốc gia cần những doanh nghiệp đi đầu, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, lấy ví dụ về mô hình tăng trưởng thành công của các nước công nghiệp mới (NICs) – các nước chuyển đổi thành công từ phát triển trung bình sang phát triển cao. Đó là cơ cấu kinh tế 2 tầng, cả về kinh tế, cả về công nghiệp.
Tầng trên trụ cột là những doanh nghiệp, tập đoàn lớn nắm công nghệ cao, công nghệ nguồn với những chuỗi cung ứng xuyên quốc gia. Những công nghệ không còn là lợi thế sẽ được chuyển giao cho các doanh nghiệp khác, các nước khác lân cận và lan tỏa ra.
Tầng dưới là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, linh hoạt chuyển đổi, thích ứng nhanh để kết nối. Điều này tạo ra hệ thống chuỗi vừa là trục dọc, vừa là trục ngang, vừa trong nước vừa quốc tế dựa trên những cánh chim đầu đàn. Những doanh nghiệp lớn phải thử nghiệm và đi trước một bước, nắm bắt những mô hình mới.
Tuy nhiên, theo ông Phong, ở Việt Nam chưa có “sếu đầu đàn” vì chưa có doanh nghiệp nắm giữ công nghệ nguồn và thực lực tài chính đủ mạnh. Nếu thiếu 2 yếu tố này thì không gọi là thủ lĩnh.
Vị chuyên gia phân tích, quá trình hội nhập trải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn 1, là đại lý bán hàng cho doanh nghiệp lớn. Giai đoạn 2 là tham gia vào chuỗi sản xuất từ những công đoạn đơn giản, sau đó mua công nghệ của doanh nghiệp mẹ và tự sản xuất. Giai đoạn 3 là tự nghiên cứu và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Đa phần doanh nghiệp Việt Nam mới ở giai đoạn 2, tức chuyển từ đại lý bán buôn bán lẻ sang sản xuất ở những công đoạn đơn giản. Chúng ta chưa mua lại được nhiều công nghệ vì nó rất đắt và để sở hữu không phải dễ. Đây là khó khăn cho doanh nghiệp Việt với 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp lớn cũng rất nhỏ so với thế giới.
“Ví dụ Samsung, thời gian đầu vào Việt Nam với danh nghĩa là sếu đầu đàn ngoại. Họ kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sản xuất cung ứng cho họ. Thời gian đầu chỉ có vài doanh nghiệp đáp ứng được, nhưng giờ gần 300 doanh nghiệp tham gia trong chuỗi cung ứng của họ. Chuỗi sản xuất máy bay Boing đã có doanh nghiệp Việt tham gia sản xuất. Chúng ta tự tin rằng hàng nghìn linh kiện Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của thế giới, nếu chúng ta có sự tham gia tốt và được tổ chức tốt”, ông Phong nói.