Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
(DNTO) - Thẻ tín dụng nội địa đã tăng trưởng tới 61,7% trong 2 năm qua. Đến cuối năm 2021, số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đạt hơn 475.000 thẻ.
Tại Hội thảo "Đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng nội địa", do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 11/3, ông Lê Văn Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết tính đến ngày 31/12/2021, có 12/46 tổ chức phát hành thẻ phát hành thẻ tín dụng nội địa (tăng 50% về số lượng so với năm 2019). Số lượng thẻ tín dụng nội địa đang lưu hành đến ngày 31/12/2021 đạt trên 475 nghìn thẻ (tăng 61,7% so với cuối năm 2019). Trong giai đoạn 5 năm 2017-2021, số lượng thẻ tín dụng nội địa đạt mức tăng trưởng bình quân 23,2%/năm, cao hơn thẻ tín dụng quốc tế là 17,18%/năm.
Ông Tuyên đã điểm qua một số lợi ích, tiềm năng của thẻ tín dụng nội địa gắn với công năng lưỡng dụng vừa là công cụ thanh toán vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng. Về khía cạnh tài chính toàn diện, hiện nay nhiều người dân Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực thành thị đã được tiếp cận rộng rãi, thường xuyên sử dụng sản phẩm, dịch vụ thẻ tín dụng.
Cũng theo ông Tuyên, thẻ tín dụng nội địa góp phần hoàn thiện danh mục sản phầm, dịch vụ, mở rộng đối tượng khách hàng, phát triển hệ sinh thái thanh toán của các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử. Việc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip đối với thẻ nội địa đã tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, tiêu chuẩn kỹ thuật giúp thẻ tín dụng nội địa phát triển.
“Hiện tất cả các tổ chức phát hành thẻ đã phát hành thẻ tín dụng nội địa theo tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, đảm bảo các yêu cầu an toàn, bảo mật cho khách hàng trong quá trình sử dụng thẻ, gia tăng các tiện ích sử dụng thẻ trong các hệ sinh thái đa dạng”, ông Tuyên nhận định.
Kết luận Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng đề nghị, trong thời gian tới, các tổ chức phát hành thẻ, các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ, tập trung, thực hiện chất lượng, hiệu quả nội dung liên quan đến phát hành thẻ nội địa, trong đó có thẻ tín dụng nội địa. Cụ thể, đẩy mạnh công tác truyền thông rộng rãi cho khách hàng về thông tin, quy trình, thủ tục phát hành các dòng sản phẩm thẻ tín dụng nội địa; tích cực triển khai các sản phẩm thẻ, dịch vụ ngân hàng theo hướng số hoá các sản phẩm thẻ, tự động hoá các quy trình.
Đặc biệt, phải mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán thẻ, liên thông phục vụ tất cả các dịch vụ, các lĩnh vực trong ngành kinh tế. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán bằng thẻ tín dụng tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, gắn liền với chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, tạo điều kiện cho các đối tượng yếu thế trong xã hội được tiếp cận, hưởng các tiện ích hiệu quả của dịch vụ ngân hàng hiện đại, đảm bảo sự phát triển cân bằng, hài hoà của nền kinh tế.
“Bên cạnh sự phát triển về thẻ tín dụng, tôi cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng cũng như NAPAS chú ý đến việc bảo đảm an ninh, an toàn trong hệ thống thanh toán thẻ nói chung và hệ thống thanh toán thẻ nội địa nói riêng. Đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người sử dụng trong quá trình sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt”, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh.