Đại biểu nêu nghịch lý: Càng xã hội hóa thì giá sách giáo khoa càng tăng gấp 2-3 lần

(DNTO) - Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa phản ánh, thực tế cho thấy, ở lĩnh vực nào khi xã hội hóa đều hạ giá, riêng sách giáo khoa càng xã hội hóa thì giá càng tăng? Đại biểu nhấn mạnh đây là một nghịch lý và không có căn cứ nào để đảm bảo rằng sách giáo khoa tiếp tục không tăng.

Ông Sơn thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định về mặt chuyên môn còn Bộ Tài chính duyệt giá trên cơ sở kê khai của các Nhà xuất bản. Ảnh: TL.
Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), nghị trường Quốc hội nhiều phen "dậy sóng" vì chuyện giá sách giáo khoa. Thực tế là Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính, Chính phủ và Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kiểm soát chặt chất lượng và giá sách giáo khoa trên thị trường. Tuy nhiên, những yêu cầu này chủ yếu tập trung vào đơn vị xuất bản sách lớn nhất là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam mà chưa đề cập tới đơn vị tư nhân đang thực hiện bộ sách giáo khoa theo hình thức xã hội hóa.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), bày tỏ băn khoăn với nghịch lý xã hội hóa lẽ ra sách giáo khoa phải hạ giá nhưng thực tế càng ngày lại càng tăng giá. "Nhà nước phải đảm bảo sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thu nhập của người dân, bởi hiện nay "đi tiếp xúc cử tri ở đâu người dân cũng than phiền giá sách giáo khoa tăng".
Đơn cử, theo công bố của Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản và Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC), giá của bộ sách Cánh diều năm học 2023 - 2024 cho các lớp 4, 8, 11 lần lượt là 230.000, 268.000 và 370.000 đồng. Giá này chưa bao gồm sách Tiếng Anh.
"Mức giá này đã tăng gấp 3 lần bộ sách cũ, chẳng hạn, giá sách lớp 4 đang sử dụng, theo chương trình cũ, chỉ có 87.000 đồng", Đại biểu phản ánh và đánh giá: Tính trung bình, mỗi cuốn sách thuộc bộ Cánh diều (gồm 13 quyển) có giá khoảng 17.700 đồng, gấp đôi so với giá trung bình của bộ sách cũ, gồm 9 quyển, có giá khoảng 9.600 đồng. Số cuốn tăng thêm trong bộ mới chủ yếu ở các môn Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm.
“Chúng ta thống nhất chủ trương xã hội hóa là để có sách giáo khoa tốt hơn, rẻ hơn cho học sinh và giảm chi phí xã hội, chứ không phải cho phép mô hình này hoạt động là để tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp tư nhân, lợi nhuận lớn hơn cho cổ đông tham gia góp vốn và làm khó phụ huynh, học sinh”, đại biểu thẳng thắn.
Nhấn mạnh rằng, lĩnh vực giáo dục không thể tạo ra các yếu tố gây bất ổn xã hội, ông Hòa đặt nghi vấn: “Tại sao lại có chuyện xã hội hóa mà sách của tư nhân lại đắt hơn sách của Nhà nước?”.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Nghị quyết 88 và Nghị quyết 122 của Quốc hội cũng không quy định Bộ GD&ĐT không được quyền sản xuất sách giáo khoa. Theo đó, Bộ GD&ĐT nên biên soạn một bộ sách giáo khoa riêng để cùng cạnh tranh với các nhà xuất bản, các đơn vị sản xuất sách giáo khoa khác bởi "sách giáo khoa là mặt hàng định giá mà nhà nước không chủ động mà để các nhà xuất bản khác tự quy định giá thì làm sao định giá được.
"Trước thềm năm học mới 2023 - 2024, nhiều phụ huynh, thậm chí giáo viên ngỡ ngàng trước giá công bố của bộ sách Cánh diều, đề nghị Bộ GD&ĐT biên soạn một bộ sách giáo khoa để cùng cạnh tranh với các nhà xuất bản khác, khi nhà nước cần thiết định giá tiến tới nhà nước không thu phí sách giáo khoa mà trợ cấp hoàn toàn", đại biểu đề xuất.
Trả lời đại biểu Phạm Văn Hoà, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, trong thực tế giá sách giáo khoa khi vào thị trường chưa rẻ như mong muốn, chưa rẻ như thời nhà nước trợ giá và bao cấp thì đó là thực tế. Tuy nhiên, Bộ chỉ thẩm định về mặt chuyên môn còn Bộ Tài chính duyệt giá trên cơ sở kê khai của các Nhà xuất bản.
Về việc Bộ GD&ĐT có biên soạn một bộ sách giáo khoa của nhà nước hay không, Bộ trưởng cho rằng nếu Bộ chỉ thẩm định thì sẽ rất khó thể hiện hết chức trách của mình. "Anh muốn phát triển nội dung nhưng người ta không làm, hay không làm được, thì sao? Anh chỉ kiểm định nội dung và không để lọt những vấn đề băn khoăn thôi, nhưng nếu người ta xây không được, làm không tới thì trách nhiệm của anh ở đâu?", Bộ trưởng đặt vấn đề.
Đồng thời khẳng định Nhà nước rất khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa, tuy nhiên, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong giáo dục là phát triển sách giáo khoa chứ không phải biên soạn. "Nghị quyết 88 giao làm một bộ sách để thể hiện trách nhiệm của Nhà nước. Đâu phải Bộ GD&ĐT làm một bộ sách thì các bên khác không được làm".
"Từ nay đến năm 2024, việc quan trọng nhất cần ưu tiên là thẩm định chất lượng của các sách giáo khoa lớp 5, lớp 9, lớp 12 cho thật tốt, đảm bảo đủ sách giáo khoa trước năm học mới. Chúng tôi sẽ có nghiên cứu đề xuất và cố gắng trong 1, 2 năm tới, khi chu trình đổi mới sách được hoàn tất, sẽ có những đánh giá sâu và đề đạt phương án với Quốc hội”, Bộ trưởng cho hay.