Cuộc đời mới của quần áo tại Uniqlo

(DNTO) - Một chiếc áo cũ ngay lập tức trở thành món đồ thời thượng, hay những chai nhựa được sử dụng để tạo ra sản phẩm thời trang… đó là cách Uniqlo đang định nghĩa về “quần áo tốt”.
Chiếc quần jean không còn tốn 7.000 lít nước
Tại Trung tâm Cải tiến Jeans của Uniqlo tại Los Angeles (Mỹ), những chiếc quần Blue Cycle Jeans ra đời bằng công nghệ tiên tiến đã giảm đến 99% lượng nước sử dụng trong quá trình sản xuất.

Trước đây, để sản xuất một chiếc quần jeans, người ta phải tốn đến 7.000 lít nước, đó là lý do ngành công nghiệp thời trang được xem là thủ phạm gây ô nhiễm nguồn nước lớn thứ hai thế giới.
Đặc biệt, những sản phẩm của ngành thời trang nhanh, hay còn gọi là thời trang “ăn liền” bị chỉ trích bởi kích thích nhu cầu mua sắm, khiến thế giới mỗi năm lãng phí đến 500 tỷ USD cho những sản phẩm không bao giờ được bán hay sử dụng.
Vì vậy, với Uniqlo, Blue Cycle Jeans được xem là một bước tiến vượt bậc về tính bền vững, nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu của hãng.
Để từng bước thay đổi ngành thời trang nhanh, hãng thời trang đến từ Nhật Bản đang thúc đẩy mô hình trang phục hàng ngày LifeWear, tức sản phẩm ngoài chất lượng, thiết kế và giá cả, còn thực sự là "quần áo tốt" theo quan điểm tôn trọng môi trường, con người và xã hội.
Thật khó có thể tưởng tượng được rằng, một ngày nào đó, người ta sẽ khoác lên mình bộ quần áo được làm từ chai nhựa, nhưng thực sự Uniqlo đã làm được điều đó.
Bộ sưu tập Xuân - Hè 2022 của hãng đã cho ra mắt những mẫu “quần áo tốt” với khoảng 15% polyester được sử dụng có nguồn gốc từ chai PET tái chế. Công ty đang mở rộng sản xuất quần áo với các vật liệu ít gây gánh nặng hơn cho môi trường, bắt đầu từ sợi tổng hợp như rayon và nylon. Hãng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ vật liệu tái chế lên khoảng 50% vào năm 2030.

Uniqlo đặt mục tiêu tăng tỷ lệ vật liệu tái chế lên khoảng 50% vào năm 2030.
Cứu những chiếc quần khỏi bãi rác
Một thống kê cho thấy, mỗi năm, trái đất đón nhận 92 triệu tấn vải phế liệu từ ngành thời trang. Hầu hết quần áo bị vứt bỏ sẽ đi thẳng đến các bãi rác và việc chôn lấp vải khó phân hủy cũng không khác gì rác thải nhựa.
Tìm sự sống mới cho quần áo cũ từ áp lực đang trở thành động lực cho các hãng thời trang nhanh để thực hiện bền vững.
Giờ đây, tại mỗi cửa hàng của Uniqlo, người ta dễ dàng bắt gặp những chiếc thùng dán nhãn RE.UNIQLO được đặt ngay trước cửa ra vào. Nơi đây là điểm đến mới của những chiếc quần áo cũ, thay cho bãi rác.
Uniqlo tiến hành thu thập các trang phục đã qua sử dụng từ khách hàng để bắt đầu tái chế và sáng tạo nên những sản phẩm mới, nhằm giảm lượng chất thải, khí CO2 và nguyên vật liệu trong sản xuất.
Quần áo được phân loại thành 18 danh mục chi tiết như mùa, giới tính, kích cỡ, người lớn, trẻ em, khí hậu, văn hóa hoặc tôn giáo… để đáp ứng nhu cầu của người nhận.
Sau khi được khoác lên cuộc đời mới, những sản phẩm quần áo tái chế Uniqlo tiếp tục đi đến khắp nơi trên thế giới, trao đến người tị nạn, nạn nhân thảm họa và những người có nhu cầu. Quần áo không thể tái sử dụng được tái chế làm nhiên liệu hoặc vật liệu cách âm.
Chuỗi cung ứng bền vững
Nhưng phát thải của ngành thời trang đâu chỉ nằm ở sản xuất, nó còn nằm trong mọi ngóc ngách của chuỗi cung ứng, như vận hành, vận chuyển… Để kinh doanh bền vững, các công ty đều đang chạy đua thực hiện các mục tiêu giảm hiệu ứng nhà kính. Uniqlo cũng không ngoại lệ.
Hãng đặt mục tiêu giảm 90% lượng phát thải khí nhà kính tại các cửa hàng, văn phòng và chuyển đổi điện sang nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030. Giảm khoảng 40% mức tiêu thụ điện tại các cửa hàng bên đường và giảm khoảng 20% tại các cửa hàng trong trung tâm thương mại.

Từ 2021, các cửa hàng Uniqlo đang chuyển dịch sang sử dụng năng lượng tái tạo.
Đến tháng 8/2021, tất cả 64 cửa hàng Uniqlo từ 9 thị trường ở châu Âu đã chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Cuối năm 2022, các cửa hàng ở Bắc Mỹ và một số quốc gia ở Đông Nam Á sẽ hoàn tất việc chuyển đổi này.
Cuối năm 2021, 8 cửa hàng Uniqlo tại Nhật Bản đã đạt được chứng nhận Cấp độ Vàng (dẫn đầu về thiết kế năng lượng và môi trường), bởi LEED (hệ thống đánh giá công trình xanh được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới).

Ngoài ra, ở Uniqlo, túi ni lông dần được thay thế bằng túi giấy thân thiện với môi trường; móc treo sản phẩm tại các cửa hàng được thu gom về nhà máy để tái sử dụng. Để tái chế các vật liệu đóng gói và rác thải từ quá trình vận chuyển sản phẩm, công ty đã triển khai các khu vực chứng minh khái niệm về phân loại, thu gom và xử lý rác tái chế tại một số cửa hàng Uniqlo và Gu.
Nỗ lực tái chế để cứu quần áo cũ khỏi những bãi rác hay kéo dài tuổi thọ cho các sản phẩm quần áo, cải thiện chuỗi cung ứng theo hướng xanh, Uniqlo đang giúp ngành thời trang nhanh thay đổi những chỉ trích về tác động với môi trường.