Có phải 'Tiền tài như phấn thổ'?
(DNTO) - Tết đã gần kề. Với trẻ con, tết luôn mang đến cho chúng thật nhiều niềm vui, trong đó phải kể đến niềm mong đợi những phong bao lì xì với những tờ tiền còn thơm mùi giấy. Làm cách nào để giúp trẻ biết cách quản lý và sử dụng số tiền này khiến nhiều phụ huynh đau đầu.
Đã từng có một thời gian dài quan điểm của người Việt trong giáo dục con cái là không dạy trẻ tiếp xúc quá sớm với đồng tiền bởi ý nghĩ, đồng tiền dễ làm trẻ sinh hư. Các cụ còn cho rằng “Tiền tài như phấn thổ/Nhân nghĩa tợ thiên kim”. Ngày nay, trong điều kiện xã hội biến đổi, quan điểm và cách nhìn nhận của con người cũng thay đổi theo. Nói như vậy không có nghĩa là ngày nay nhân nghĩa không được đề cao, chỉ là đồng tiền đã có một chỗ đứng khác biệt, thực tế hơn, công bằng hơn.
Suy cho cùng tất cả chúng ta ra sức lao động đổ mồ hôi sôi nước mắt chung quy cũng để kiếm… tiền. Đồng tiền đi liền khúc ruột. Hằng ngày, ta chạm vào nó, nâng niu, cất giữ nó, cho đến khi nào nhắm mắt xuôi tay mới thôi. Đồng tiền là vật bất ly thân, là cơm ăn, áo mặc, nhà ở, thuốc men, học phí… Đồng tiền với cuộc sống con người quan trọng, gần gũi và gắn bó thân thiết.
Đồng tiền chỉ được xem là tai họa, là nguyên nhân tha hóa con người, là nguồn gốc của tội lỗi khi chúng ta không học cách làm chủ nó, quản lý nó, điều khiển nó; Khi chúng ta để nó quay ngược lại làm chủ ta, sai bảo ta, khiến ta bị lệ thuộc vào sức mạnh của đồng tiền. So sánh hơi khập khiễng một chút, tỷ như chỉ vì bọn tội phạm dùng dao giết người mà lên án con dao rồi đóng cửa cái lò rèn là phi lý vì dao vốn để rọc giấy, để thái thịt, để gọt trái cây… nói chung là để phục vụ đời sống con người.
Hiểu theo nghĩa này, trong mọi trường hợp chúng ta không thể phủ nhận giá trị đồng tiền, không thể “coi rẻ” đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình như bụi đất (phấn thổ) được. Chúng ta cũng không nên kỳ thị những ai “coi trọng” đồng tiền, cho đó là người nhỏ nhen, hẹp hòi, xấu xa… Bởi vì không có ai, dù nghèo hay giàu, làm ra đồng tiền từ công việc chính đáng bằng trí tuệ, tài năng và sức lực của mình mà lại không “coi trọng” đồng tiền.
Cách tốt nhất và hiệu quả nhất là chúng ta hãy biết cách và dạy con trẻ biết cách sử dụng đồng tiền sao cho đúng với “bản chất” của nó. Dạy con trẻ biết quý giá trị đồng tiền, tức là dạy chúng biết yêu quý lao động, giúp trẻ phát triển khả năng tính toán, quản lý và tổ chức cuộc sống.
Trẻ bao lớn thì có thể dạy trẻ xài tiền và dạy bằng cách nào? Có lẽ không có một giáo án mẫu cho tất cả các trường hợp. Chúng ta áp dụng phương pháp nào là tùy vào hoàn cảnh, nhận thức, tính cách riêng của mỗi đứa trẻ. Thông thường nên bắt đầu bằng con heo đất khi trẻ vào mẫu giáo. Con heo đất là công cụ giúp trẻ hình thành tính tiết kiệm sớm nhất.
Tiền để bỏ vào heo đất của trẻ có thể từ nguồn thu ổn định chẳng hạn như tiền trích từ khoản quà sáng, có thể từ nguồn thu “biến động” như tiền thưởng do thành tích học tập, tiền lì xì, tiền mừng sinh nhật… Trẻ lớn hơn, phụ huynh có thể gợi ý, hỗ trợ cho trẻ chủ động “kiếm tiền” bằng các việc làm phù hợp.
Tôi có chị bạn đồng nghiệp, hoàn cảnh kinh tế gia đình rất ổn. Con gái chị vừa lên chín. Cháu rất thích nấu ăn. Mỗi tuần chị hướng dẫn cho cháu thực hiện một món gì đó mang ra “Chợ phiên sáng chủ nhật” để bán. Cô bé rất hào hứng và có duyên mua bán. Gian hàng của cô bé bao giờ cũng làm huyên náo cả một góc chợ.
Tôi rất phục chị về cách dạy con “kiếm tiền” ngay từ nhỏ. Tuy cô bé được dạy tiếp xúc với tiền và biết kiếm tiền từ rất sớm nhưng cháu không hề bị đồng tiền “làm hư” như nhiều bậc phụ huynh từng lo lắng. Vừa mới đây, con heo đất tiết kiệm của cháu bị ai đó tráo sạch. Cháu rất tiếc nhưng quay ngược lại an ủi mẹ: “Thôi kệ! Biết đâu có ai đó cần tiền nên người ta mới làm vậy…”.
Tập cho trẻ sớm tiếp xúc với tiền bằng những việc làm tích cực, có hướng dẫn và giám sát đồng nghĩa với việc sớm hình thành cho trẻ thói quen có ý thức về giá trị đồng tiền, biết cân nhắc thứ tự ưu tiên cho việc mua sắm, biết tiếc tiền, mua gì cũng phải suy nghĩ chứ không tùy tiện. Sau này lớn lên, trẻ biết sử dụng đồng tiền hợp lý, có kế hoạch tài chính chi tiêu rõ ràng và là một tiền đề tốt để sản sinh ra những doanh nhân tài đức, thành đạt, góp phần xây dựng gia đình, xã hội và đất nước phồn vinh.