Cố lên! Rồi các em sẽ lại được đến trường
(DNTO) - Ước mơ dịch sẽ được kiểm soát trước ngày khai giảng năm học mới đã không thành sự thật. Nhiều ý kiến tranh cãi xoay quanh việc học online của học sinh. Một vấn đề không mới, những ý kiến cũng không mới nhưng vẫn khiến dư luận “rộn ràng” mấy ngày nay.
Học online là phương thức buộc học sinh phải áp dụng trong tình hình chưa thể đến trường vì dịch Covid-19. Cho đến thời điểm này, học online không còn xa lạ với học sinh, giáo viên và cả phụ huynh.. Những hạn chế, khó khăn mà hình thức học online mang lại, phần nào đã được ước lượng, do cả thầy trò và phụ huynh từng có thời gian làm quen và trải qua trong năm học trước.
Nhưng tại sao điều này vẫn làm hao tốn giấy mực của “giới quan tâm”? Tại sao những bức xúc của phụ huynh vẫn không hề vơi bớt?
Khi những mái trường còn tồn tại cùng với những ghế đá, hàng cây, với tiếng ve ngân, hoa phượng nở, với bục giảng, phấn trắng, bảng đen; còn là khung trời hoa mộng nhất của một đời người… thì học sinh vẫn còn cắp sách đến trường. Và chưa có một phương thức học tập nào tốt hơn có thể thay thế hoàn toàn. Nhưng khi mái trường là nơi không thể bảo đảm an toàn cho học sinh vì một lý do gì đó thì chúng ta sẽ “tùy cơ ứng biến” bởi không thể để các em phải gián đoạn hoặc ngưng trệ việc học tập trong thời gian dài.
Việc này đã từng xảy ra trong chiến tranh. Trong thời gian cao điểm của chiến tranh phá hoại miền Bắc, để tiếp tục đến trường trong mưa bơm bão đạn, các em học sinh phải học làm mũ rơm, học đào hào, làm hầm... Cặp sách đến trường không chỉ có bút vở, còn có túi cứu thương.
Có những bạn còn rất nhỏ đã phải xa cha mẹ, chịu cảnh chia lìa anh em mỗi người một nơi, theo thầy cô đi sơ tán… Ở các lớp học sơ tán, thầy trò hầu như phải làm lại từ đầu, đốn cây, đào đất, dựng các lớp học tạm bợ, che chắn bằng phên, bạt, “sang” hơn thì trát bùn trộn rơm làm vách. Nhiều nơi để phòng tránh bom đạn tốt hơn, người ta nghĩ ra cách đào hầm dưới lòng đất để làm lớp học.
Sài Gòn những năm chiến tranh, trường tôi cũng bị sập vì bom đạn. Trường vừa xây dựng nhưng đã phải sửa chữa lại, vừa cho học sinh đến lớp. Chúng tôi phải chia ca để học. Thầy cô giáo cũng thay phiên nhau dạy học từ 7g sáng đến 18g chiều (hồi ấy Sài Gòn “kéo lệch” đồng hồ sớm một tiếng). Chúng tôi ngồi học giữa âm thanh của máy trộn bê tông, máy cưa, máy cắt rền rĩ, nhìn ra khoảng sân trường không một bóng cây, chỉ có bóng nắng nhảy múa ngời sao. Để tránh bụi bay vào, các cửa sổ, cửa lớp phải đóng kín mít. Hai cái quạt trần chạy vù vù hết công suất, giọng thầy giảng bài cũng hết công suất mà học sinh vẫn nghe "tiếng đậu tiếng bay". Không phải một tuần, một tháng mà suốt gần hai năm, ngôi trường mới được sửa chữa khang trang.
Ấy thế mà thế hệ chúng tôi vẫn sản sinh ra biết bao người con ưu tú cho Tổ Quốc.
Dịch Covid-19 bùng lên làm đảo lộn cuộc sống của cả nhân loại. Chính phủ và đồng bào cả nước đã dồn hết sức để chống dịch, làm sao để hạn chế đến mức thấp nhất có thể những mất mát đau thương mà dịch bệnh mang lại. Khó khăn chồng chất khó khăn. Trong đó có việc làm sao để không làm gián đoạn việc học tập mà vẫn bảo vệ được sức khỏe và tính mạng cho các em học sinh.
Học online được chọn là cách thức phù hợp nhất trong thời điểm hiện tại. Tất nhiên, nó không thể diễn ra trơn tru, hoàn hảo được. Tất nhiên, nó sẽ nảy sinh rất nhiều bất cập và khó khăn. Nhưng thật ra đây không phải là lần đầu học sinh phải học online. Không phải lần đầu với nhiều bỡ ngỡ và cập rập. Ít ra là mọi việc có thể nói đã đi vào quỹ đạo từ năm trước.
Có thể bây giờ hoàn cảnh khó khăn hơn do mấy tháng nay chúng ta rơi vào tâm dịch với những chỉ thị siết chặt làm ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của mỗi gia đình. Nhưng hiện nay trong xã hội, tỷ lệ mỗi cá nhân sở hữu một điện thoại thông minh không hề nhỏ. Trung bình mỗi gia đình có hai con đi học, thiết nghĩ việc nhường điện thoại của bố mẹ cho các con học là việc không khó để thực hiện. Cái khó ló cái khôn, ông bà ta đã đúc kết.
Khó khăn nào cũng vượt qua là ý chí, là tính cách của người Việt Nam. Chúng ta cũng cần rèn luyện tinh thần này để trang bị kỹ năng sống cho các con trong tương lai.
Thật ra, có những lúc bố mẹ cũng nên giữ trong lòng những khó khăn mà chúng ta đang trải qua như một cách tránh cho các con cảm giác chúng là gánh nặng của gia đình. Tôi nói điều này nhân vừa nhận được tin nhắn của một cô cháu họ ở quê: “Bà ơi! Mấy nay tội nghiệp má con than thở không có tiền để mua máy cho con học online, chắc bận này con nghỉ học quá!”.
Người ta thường nói nếu yêu thì sẽ tìm cách, phải không nào? Các bố mẹ hãy cố lên. Rồi dịch bệnh sẽ qua. Rồi các con sẽ lại đến trường. Vì chúng ta đang rất nỗ lực.