Có hay không sự trở lại của nhóm 'cổ phiếu vua'?
(DNTO) - Bất ngờ bật tăng trong những phiên gần đây, cổ phiếu ngân hàng trở thành động lực chính kéo chỉ số VN-Index đi lên, có thời điểm chạm mốc 1.400 điểm. Điều này cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư chưa bao giờ rời bỏ nhóm "cổ phiếu vua" này.
"Sức khỏe" ngành ngân hàng trong quý 3
Thị trường chứng khoán ghi nhận sự tăng điểm tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong các phiên giao dịch gần đây. Ngay phiên cuối tuần trước, sắc xanh lan tỏa ở nhóm ngành này, tiêu biểu như TCB, SSB, HDB, SSB cùng tăng hơn 1%; OCB tăng 2,3%...
Phiên giao dịch hôm qua, 11/10, nhóm ngân hàng tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt thị trường đưa VN-Index tăng sát 1.400 điểm, nhiều mã tăng mạnh như VCB, TCB, CTG. Thanh khoản trung bình của nhóm này đã tăng 97% so với phiên liền trước.
Sáng nay, 12/10, ngay đầu phiên, hiệu ứng tích cực tiếp tục ở lại với nhóm ngân hàng. Vào lúc 9g, nhóm này vẫn giữ mức tăng trung bình 0,7%. Đà tăng dường như chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tính đến thời điểm này, mới chỉ duy nhất TPBank hé lộ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay với kết quả khả quan là 4.400 tỷ đồng lợi nhuận, tăng hơn 45% so với cùng kỳ. Dự đoán của SSI Research khá sáng khi cho rằng lợi nhuận của đa phần ngân hàng trong 9 tháng đầu năm nay vẫn có nhiều khả quan.
Theo SSI, lợi nhuận của Vietcombank có thể tăng 0,3%, VietinBank tăng 3,3% và ước tính cả năm, Vietcombank tăng lợi nhuận 5,4%, VietinBank tăng 2,7% so với cùng kỳ. Duy chỉ VIB được dự báo có kết quả âm với lợi nhuận trước thuế quý 3 ước giảm 16% nhưng lũy kế 9 tháng có thể đạt 5.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 36,6% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, theo nhận định từ các chuyên gia chứng khoán BSC, nhóm ngân hàng sẽ khó giữ được thành tích lợi nhuận đã đạt được trước đó.
"Việc hỗ trợ lãi suất bắt đầu từ tháng 7 khiến giảm thu nhập lãi, nhu cầu tín dụng giảm do dịch bệnh, chất lượng tài sản có thể suy giảm trong quý 3 khiến lợi nhuận của nhóm ngân hàng khó có thể giữ được mức tăng trưởng tương đương trong 2 quý đầu năm", BSC nhận định và kỳ vọng "Lợi nhuận có thể hồi phục vào quý 4 khi dịch bệnh được kiểm soát và nhu cầu tín dụng phục hồi lại".
Nợ xấu ngân hàng cũng là một câu chuyện dài và được quan tâm nhiều khi các ngân hàng phải thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại các khoản nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Quý 4 được nhiều chuyên gia nhận định sẽ là điểm rơi về nợ xấu của ngành ngân hàng, tuy nhiên, điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào tình hình và năng lực tài chính của mỗi ngân hàng trong việc chủ động trích lập quỹ dự phòng trong quý 3. Kết quả cụ thể ra sao sẽ cần thêm thời gian chờ đợi, nhưng một điều chắc chắn, sự phân hóa của các cổ phiếu trong nhóm này sẽ rất lớn.
"Lạc quan trong thận trọng"
Báo cáo về ngành ngân hàng trong quý 3 vừa công bố của FiinGroup cho biết, giá cổ phiếu ngân hàng thời gian qua vẫn còn quá đắt so với lịch sử, cũng như triển vọng lợi nhuận của ngành này.
Báo cáo có đoạn viết, "giá cổ phiếu ngân hàng cũng đã phần nào phản ánh tình hình kinh doanh kém tích cực, với mức giảm 14,3% kể từ đầu tháng 7 sau khi đã tăng gần 50% trong nửa đầu năm 2021, đưa định giá dựa trên giá trị sổ sách (P/B) của khối ngân hàng về 2,08 lần từ mức đỉnh 2,65 lần đầu tháng 5".
Tuy nhiên, theo FiinGroup, "đây vẫn là mức khá đắt so với lịch sử cũng như triển vọng lợi nhuận ngắn và trung hạn dưới áp lực trích lập chi phí dự phòng rủi ro theo các quy định hiện hành bao gồm Thông tư 14 cũng như thực tế tác động của Covid-19 đến chất lượng tín dụng của người vay".
Theo đó, lựa chọn cổ phiếu ngân hàng nào là bài toán cần được các nhà đầu tư cân nhắc. Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích VNDirect cho biết, nếu trước đây các nhà đầu tư thường ưu tiên chọn các ngân hàng có chi phí vốn thấp thì hiện nay nên ưu tiên các ngân hàng có khả năng đẩy mạnh cho vay cá nhân để hưởng lợi suất tài sản cao hơn trong bối cảnh sự cạnh tranh tiền gửi hiện đang thấp, thanh khoản dồi dào.
Ngoài ra, theo bà Hiền, nhà đầu tư cũng nên chú trọng những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, nghĩa là những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao bởi khả năng nợ xấu sẽ tăng cao trong thời gian tới.
Thực tế, việc cổ phiếu ngân hàng bật tăng trong giai đoạn hiện nay đã phần nào thể hiện niềm tin của nhà đầu tư dành cho nhóm ngành này. "Lạc quan trong thận trọng là điều mà VDSC muốn nhắn nhủ với các nhà đầu tư.
"Chúng tôi duy trì quan điểm lạc quan trong thận trọng về ngành ngân hàng, với tầm nhìn tích cực tập trung tại một số lượng cổ phiếu nhất định". Cũng theo VDSC, hiện tại "nhiều ngân hàng đã gần chạm mức trần tín dụng được giao và nộp đơn xin cấp hạn mức mới, đây sẽ là động lực cho ngành ngân hàng trong quý 4".