Chuyên gia chỉ ra 3 chiến lược có thể đưa doanh nghiệp... 'xuống hố'
(DNTO) - Theo TS. Giản Tư Trung, trong thời đại mọi thứ bất định như hiện nay, mọi bước đi doanh nghiệp đều phải rất thận trọng.
3 chiến lược có thể đưa doanh nghiệp "xuống hố"
4 đợt bùng phát dịch bệnh từ đầu năm 2020 đến nay đã gây ra khủng hoảng chưa từng có đối với các cá nhân, tổ chức và cộng đồng. Theo TS. Giản Tư Trung - Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục IRED, dịch Covid-19 không còn là “khủng hoảng kép” mà là “khủng hoảng chồng”, bởi đây không chỉ là cuộc khủng hoảng về y tế, kinh tế, mà kéo theo là khủng hoảng chính trị, giáo dục, xã hội, tự nhiên…, ở mọi cấp độ từ thế giới, quốc gia, doanh nghiệp, gia đình, cá nhân…, và tác động đến cả vật chất và tinh thần của con người.
Ông Trung kể, thời điểm này năm ngoái, ông nhận được rất nhiều chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp rằng họ sắp cạn kiệt, sắp “khô máu”. Nhưng điều kì lạ là, đợt bùng dịch thứ 4 này so với năm ngoái thiệt hại hơn nhiều, “lương khô” cạn kiệt nhiều nhưng lại không thấy lời than nào cả.
“Khi doanh nghiệp còn than nghĩa là họ vẫn còn chút gì đó, còn khi họ không than, không phải không còn khó khăn, mà là không còn gì để nói, không biết than với ai, nên không than nữa”, ông Trung lý giải trong buổi tư vấn trực tuyến chiều 1/7.
Với những khó khăn, biến cố dồn dập, câu hỏi đặt ra là làm sao để doanh nghiệp sống sót. Theo ông Trung, trước hết, có 3 chiến lược doanh nghiệp nên tránh.
Chiến lược thứ nhất là “có gì làm nấy”. Có những doanh nghiệp rất ít cơ hội, không có gì để làm, nhưng có doanh nghiệp rất nhiều cơ hội nên cứ lao theo những cơ hội ấy thì cũng rất nguy hiểm, sẽ khiến doanh nghiệp rời xa giá trị cốt lõi của mình.
Chiến lược thứ hai là “cố đấm ăn xôi”, đó là khi doanh nghiệp đã bước đầu nhận thấy hướng đi này không hiệu quả nhưng vẫn cố chấp thực hiện, nếu dừng lại sớm thì thiệt hại ít, nhưng càng lún sâu thì thiệt hại càng nặng, có thể đến mức không gượng dậy được.
Chiến lược thứ ba là “tham đĩa, bỏ mâm”, tức là khi doanh nghiệp đã đạt thành công nhất định nhưng chủ quan, không biết điểm dừng mà tiếp tục lao vào những thứ không kiểm soát, rất dễ thất bại.
Tư duy "không thể" đang kéo lùi doanh nghiệp
Tuy nhiên, để sống sót là một chuyện, nhưng để bứt phá trong thời kì bất định như hiện nay, theo ông Trung, doanh nghiệp phải có cách nghĩ, cách làm đột phá.
Vị chuyên gia này cho biết, các doanh nghiệp hiện nay đang phải đối diện với 7 khó khăn: đầu ra, đầu vào, tài chính, chiến lược, nhân sự, hệ thống, văn hóa. Trong khi các nhân viên cũng khó khăn về việc giảm lương, mất việc, công việc không hiệu quả, cấp trên không hài lòng, việc làm việc ở nhà khó khăn khi phối hợp với các phòng ban khác, stress khi làm việc ở nhà quá lâu…
Thời gian qua rất nhiều chuyên gia đã nói đến khái niệm “biến nguy thành cơ”, ông Trung cũng cho rằng, trong mọi “nguy” đều có “cơ”, ngay cả trong lúc “nguy” đang trùng trùng như hiện nay. Thế nhưng, đứng trước những cơ hội, hiện nhiều doanh nghiệp vẫn tồn tại tinh thần “không thể”, vẫn tồn tại những nhân viên luôn nói “cái này, cái kia khó quá không làm được; công ty mình không thể làm thành công”, và tinh thần “không thể” này đã hình thành chuỗi DNA của nhiều doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp mà có những nhân viên mang tinh thần không thể, trước đây có thể lay lắt sống, nhưng trong thời đại này chắc chắn chết. Còn những nhân viên nếu tiếp tục giữ tinh thần này chắc chắn bị đào thải. Nếu tiếp tục “không thể”, vậy thì chỉ có một thứ công ty làm được, đó là… giải thể”, ông Trung nêu quan điểm.
Lý giải nguyên nhân khiến nhân viên dễ dàng bỏ cuộc, ông Trung cho biết họ luôn có niềm tin “không thể”, có thể do họ từng trải qua những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ, nó ăn vào nếp nghĩ của họ và quyết định hành vi của họ. Quá trình này đã được giải thích thông qua mô hình tâm lý của nhiều nhà khoa học.
Do vậy theo ông Trung, đội ngũ “lõi” của doanh nghiệp phải có tinh thần “có thể”. Đơn cử một doanh nghiệp 1.000 người, có 700 người “có thể”, nhưng lại có 300 người “không thể” là thành phần nhân viên chủ chốt thì cũng khó thành công. Trong khi đó, nếu 900 người “không thể”, nhưng chỉ cần 100 người là những người chủ chốt nói “có thể” thì sẽ xoay chuyển được tình thế.
Vị chuyên gia này cũng khuyến nghị, khi đứng trước một cơ hội, doanh nghiệp hãy tự đặt cho mình 3 câu hỏi: Nếu làm điều này, viễn cảnh tốt đẹp có thể xảy ra là gì? Nếu làm điều này, điều tệ hại có thể xảy ra là gì? Mình có thể làm gì để xử lý nó? Nếu không làm điều này, điều gì sẽ xảy ra (tụt hậu, mất cơ hội…). Và sau khi trả lời được 3 câu hỏi này, doanh nghệp sẽ có quyết định chính xác hơn.
“Tôi có quen biết nhiều chủ tịch tập đoàn lớn, họ dành rất ít thời gian cho việc đọc báo cáo thành tích, tuy nhiên lại rất đắm đuối đọc các bình luận, phản hồi của khách hàng, đối tác và coi đây là một loại tài nguyên, là chất kích hoạt cho sự sáng tạo để tạo ra những giải pháp ưu việt hơn cho khách hàng”, ông Trung nêu ví dụ.