Chuẩn mực ứng xử văn hóa của người nổi tiếng: Vấn đề của giáo dục nền tảng
(DNTO) - Tình trạng người nổi tiếng phát ngôn lệch chuẩn và hành động sai trái, vi phạm các chuẩn mực ứng xử văn hóa là một thực trạng buồn, đáng báo động hiện nay. Nó đặt ra vấn đề giáo dục từ nền tảng.
Bằng những phát ngôn thiếu kiểm soát, lệch chuẩn, thậm chí là thô tục trên các nền tảng mạng xã hội, đình đám nhất, có một không hai, phải kể đến trường hợp của CEO Nguyễn Phương Hằng - TGĐ Công ty CP Đại Nam. Trả giá cho việc làm này là cái án 3 năm tù về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân mà đương sự phải nhận lĩnh.
Trước đó nữa là vụ việc đầu bếp Võ Quốc bị phạt 7,5 triệu đồng do có lời lẽ xúc phạm nhà báo và nghề báo trên mạng xã hội. Vụ MC Trác Thúy Miêu cũng bị phạt 7,5 triệu đồng vì hành vi đăng tải thông tin trên mạng xã hội có nội dung sai phạm, gây ảnh hưởng tới công tác hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 theo quyết định của Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM. Vụ NSƯT Đức Hải đăng tải bài viết công kích cá nhân bằng từ ngữ tục tĩu khiến người hâm mộ vô cùng thất vọng. Vụ Hoa hậu Ý Nhi trả lời phỏng vấn gây tranh cãi.
Đây chỉ là những vụ nổi cộm trong số rất nhiều vụ phát ngôn lệch chuẩn, thô tục, kém văn minh, vi phạm đạo đức thậm chí vi phạm pháp luật của người nổi tiếng.
Không chỉ là phát ngôn, nhiều hành vi, lối sống của người nổi tiếng thể hiện sự vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật rõ rệt cũng đã góp phần bôi xấu hình ảnh, danh dự, uy tín cá nhân và tác động tiêu cực đến xã hội.
Vẫn còn chưa hạ nhiệt là câu chuyện người mẫu Ngọc Trinh vừa bị bắt tạm giam bởi hành vi gây rối trật tự công cộng với hành vi biểu diễn lái xe mô tô với các tư thế phản cảm, nguy hiểm như quỳ gối trên yên xe, thả 2 tay… rồi ghi hình đăng tải lên mạng xã hội. Đáng chú ý là những video này sau khi bị phạt hành chính, cô vẫn không gỡ xuống.
Chấn động cả giới showbiz vào hồi năm ngoái là việc diễn viên Hữu Tín bị Công an quận 8, TP. HCM tạm giữ hình sự để điều tra tội "Tàng trữ trái phép chất ma túy" và "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy". Sau đó không lâu, vào tháng 7/2022, diễn viên Hồng Đăng và nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cũng khiến mạng xã hội "dậy sóng" khi bất ngờ vướng phải bê bối trong một vụ liên quan đến hiếp dâm tại Tây Ban Nha.
Ngoài ra, phổ biến trong một thời gian dài và hầu như cũng còn đang tiếp diễn là việc hàng loạt diễn viên nổi tiếng quảng cáo sữa, thuốc, thực phẩm chức năng sai sự thật, thổi phồng công dụng của sản phẩm trên mạng xã hội. Cụ thể là mới đây, sau khi chấm dứt các hợp đồng quảng cáo sản phẩm trên mạng, diễn viên Cát Tường đã gặp gỡ truyền thông công khai xin lỗi vì quảng cáo sản phẩm không đúng chất lượng, làm ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng.
Chưa bao giờ văn hóa ứng xử của người nổi tiếng trên mạng xã hội lại thảm hại như hiện nay. Thảm hại bởi vì sức ảnh hưởng của người nổi tiếng đối với công chúng là rất lớn. Từng lời nói, hành vi của họ đều được “soi mói”, lan tỏa một cách thần tốc. Lời nói, hành vi của người nổi tiếng có thể truyền cảm hứng đến cho công chúng nhưng cũng có thể lôi kéo công chúng vào các xu hướng gây rối trật tự xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống.
Người nổi tiếng thường là thần tượng của một bộ phận công chúng, nhất là giới trẻ. Đây là thành phần bị ảnh hưởng, bị cuốn theo đầu tiên vì các bạn chưa có khả năng tự bảo vệ mình, các bạn còn “hồn nhiên” trước những góc khuất phức tạp của đời sống, chưa đủ suy nghĩ chín chắn để phân biệt phải trái và có xu hướng “đu” theo số đông…
“Giới trẻ tiếp xúc với điều tiêu cực ảnh hưởng rất nhiều đến nhân cách đối với sự trưởng thành và tương lai của chính họ”. Đó là nhận định của Phó GS-TS Bùi Hoài Sơn UV Thường trực UB Văn hóa giáo dục của Quốc hội.
Là một công dân bình thường, ai cũng cần tuân thủ và thực hiện tốt các quy tắc ứng xử, sống có trách nhiệm với cộng đồng, tuân thủ các quy tắc đạo đức, quy định pháp luật. Là người nổi tiếng càng phải nâng cao trách nhiệm giữ gìn hình ảnh trước công chúng trong từng lời nói, cử chỉ, hành động. Không chỉ cho riêng mình mà còn để truyền cảm hứng, lan tỏa đến công chúng.
Sự “sơ sẩy” bất kỳ vì lý do gì, ngoài đánh mất hình ảnh của mình trong lòng công chúng, bị tẩy chay, sự nghiệp dày công gầy dựng phút chốc “đổ sông đổ biển”… còn phải đối mặt với tù tội, đó là thực tế trước mắt mà nhiều người nổi tiếng vừa qua đã vướng phải.
Tuy nhiên ,xem ra những hình phạt được áp dụng chưa đủ sức răn đe. Bộ quy tắc ứng xử văn hóa của nghệ sĩ mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành cách đây hai năm trước vẫn không mấy phát huy hiệu quả...
Trong phát ngôn lẫn việc làm, hành vi và lối sống, người nổi tiếng đặc biệt buộc phải am hiểu và tuyệt đối tuân thủ luật pháp, phải nhận thức mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đã có trường hợp, khi đối mặt với cơ quan điều tra, thậm chí ra tòa, họ vẫn “ngây thơ” trả lời "không biết làm vậy là vi phạm luật pháp". Đó là trường hợp của CEO Phương Hằng cùng các đồng phạm. Và mới đây nhất là người mẫu Ngọc Trinh.
Khi tầm hoạt động và ảnh hưởng của người nổi tiếng không còn giới hạn ở phạm vi trong nước kỹ năng giao tiếp còn phải tiến tới nâng tầm theo quy chuẩn quốc tế. Việc này đòi hỏi phải xử lý ngay tận gốc là giáo dục nền tảng. Đào tạo con người tinh thông văn hóa ứng xử, giao tiếp xã hội ngay từ bé, thường xuyên trau giồi trong suốt quá trình sống, nhất là khi trở thành người nổi tiếng càng phải chuyên nghiệp, khắt khe hơn. Đi lên bằng nền tảng mới là bước đi vững chắc.