Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam: Cần có mô hình giám sát chính sách ‘từ xa, từ sớm’
(DNTO) - Mô hình giám sát chính sách ‘từ xa, từ sớm’ đặc biệt phù hợp với các chính sách kích cầu kinh tế bởi nó cho phép chính sách được cập nhật, điều chỉnh kịp thời khi gặp những vướng mắc, tránh “sự đã rồi” gây gián đoạn và làm giảm hiệu quả của chính sách, theo Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.
Ngày 5/12/2021, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ICC, dưới sự chủ trì của Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ''Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững'' chính thức được khai mạc theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến tại 57 điểm cầu trong nước và quốc tế.
Thay mặt cho Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và hơn 10.000 hội viên doanh nghiệp từ 63 tỉnh thành, ông Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã có tham luận về cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển bền vững.
Theo ông Đặng Hồng Anh, trong hai năm qua, và đặc biệt là sau đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư vừa qua, khu vực doanh nghiệp tư nhân đã chịu thiệt hại nặng nề với những ảnh hưởng kéo dài kìm hãm sự phục hồi kinh tế. Điều này đặc biệt đúng với hơn 10.000 hội viên của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam mà phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Hiện nay, với mục tiêu khôi phục và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho sự phục hồi của doanh nghiệp và sinh kế của người dân, Chính phủ đang soạn thảo gói phục hồi kinh tế trình Quốc hội phê duyệt theo tinh thần Kết luận của Hội nghị Trung ương 4, Khóa 13 là xem xét, điều chỉnh chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng linh hoạt và quy mô phù hợp để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Hồng Anh, bài học từ gói kích cầu đầu tư 2008-2009, Việt Nam dành ra 122 nghìn tỷ đồng, tương đương 6,9 tỷ USD. Riêng năm 2009, trong số 122 nghìn tỷ, Việt Nam đã thực hiện giải ngân 106 nghìn tỷ, tương đương 5,6% GDP lúc đó. Mặc dù gói kích cầu đầu tư đã giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng tại thời điểm đó, nhưng cũng tạo ra những hệ lụy to lớn cho sự phát triển bền vững khi chính sách tuy đúng đắn nhưng việc thực hiện thiếu đồng bộ, thiếu giám sát dẫn đến thất thoát, tiêu cực, thậm chí phản tác dụng.
Nguyên nhân chính được đúc kết là do thiếu một cơ chế kiểm soát tốt trong quá trình triển khai chính sách, thiếu sự phối hợp trao đổi giữa khu vực doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp và các cơ quan, chủ thể thực thi chính sách kích cầu nên khi thực hiện hỗ trợ quy mô lớn, dòng tiền không chảy vào sản xuất mà chảy vào chứng khoán, đầu cơ bất động sản, vàng… Hậu quả là lạm phát tăng cao gây bất ổn nền kinh tế vĩ mô, kìm hãm sự phục hồi kinh tế.
Vì vậy, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam kiến nghị Quốc hội cần tập trung tăng cường công tác giám sát thực thi chính sách kích cầu kinh tế sắp tới theo phương châm “từ xa, từ sớm’”.
"Mô hình giám sát chính sách “từ xa, từ sớm’” là mô hình tiên tiến nhất hiện nay về giám sát thực thi chính sách theo phương châm khoa học, toàn diện và xuyên suốt bắt đầu ngay từ khâu xây dựng chính sách và việc giám sát, đánh giá hiệu quả thực hiện được diễn ra song song với quá trình triển khai chính sách", ông Đặng Hồng Anh nói.
Cũng theo đại diện Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cách làm này đặc biệt phù hợp với các chính sách kích cầu kinh tế bởi nó cho phép chính sách được cập nhật, điều chỉnh kịp thời khi gặp những vướng mắc, vấn đề phát sinh trong thực tiễn, tránh “sự đã rồi” hay những bất cập không được giải quyết trong quá trình triển khai khiến cho việc giải ngân liên tục bị gián đoạn và làm giảm hiệu quả của chính sách.
Đồng thời phương pháp tiếp cận “từ xa, từ sớm’” cũng giúp nâng cao tính thực tiễn và tính đại diện của chính sách thông qua cơ chế tham vấn công-tư và sự vào cuộc giám sát, phối hợp thực hiện của chính các đối tượng thụ hưởng như khối doanh nghiệp và các tổ chức xã hội như Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn Thanh niên,…qua đó đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc đưa chính sách đi vào đời sống người dân.
Trên thực tế, mô hình giám sát chính sách “từ xa, từ sớm’” của Quốc hội đã và đang được áp dụng rộng rãi tại các quốc gia phát triển trên thế giới như Anh, Pháp, Úc, New Zealand, Scotland với số lượng chính sách được áp dụng cơ chế song kiểm này ngày càng tăng vì hiệu quả thực tiễn của nó đã được chứng minh.
“Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất mong được phối hợp với các nhà khoa học và các tổ chức quốc tế như World Bank thực hiện một chương trình hỗ trợ Quốc hội triển khai mô hình giám sát chính sách “chính sách “từ xa, từ sớm", với nguồn tài trợ từ World Bank cũng như các chuyên gia của họ, nhằm đảm bảo hiệu quả cao nhất cho gói chính sách kích cầu giúp nền kinh tế vượt qua suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra”, ông Đặng Hồng Anh nhấn mạnh.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ tham gia đóng góp vào công tác phòng chống dịch Covid-19, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đã thực hiện rất nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho người dân, bệnh nhân, các y bác sỹ và lực lượng tuyến đầu.
Cụ thể là các hoạt động đóng góp trang thiết bị y tế bao gồm máy thở, bộ test Covid-19 nhanh, máy PCR, xe cứu thương, ủng hộ hơn 125.000 suất ăn miễn phí cho người nghèo và lực lượng tuyến đầu; 16.000 túi thuốc cho cán bộ chiến sỹ và người bệnh F0; 1.500 đơn vị máu; 10.000 bình oxy hỗ trợ cho hơn 60.000 F0; vận động và trả lương cho 1.500 F0 khỏi bệnh vào 45 bệnh viện hỗ trợ y bác sỹ và chăm sóc bệnh nhân; 50 đội tiêm vắc xin; và bảo trợ cho 500 trẻ mồ côi cha mẹ trong đại dịch.
Tất cả các chương trình Hội đặt tên là ATM với ý nghĩa An sinh - Tận tâm - Mau chóng đã giúp đỡ hàng ngàn bệnh nhân trong dịch bệnh.