Chữ hiếu theo quan điểm mới

(DNTO) - Gần đây, chúng ta thường nghe dư luận than phiền chữ hiếu ngày nay không còn được giới trẻ xem trọng. Tuy nhiên, nếu khai thác và nhìn nó theo một chiều hướng tích cực, phù hợp với quan điểm thời đại, với thực tế cuộc sống, vấn đề sẽ không tồi tệ như chúng ta nghĩ.
Thời đại chúng ta đang sống đã đi rất xa, xa lắm thời kỳ văn minh làng xã. Cái thời mà ba bốn thế hệ ở chung một nhà, dân cư sinh sống quây quần với nhau đời này sang đời khác bên trong lũy tre làng, ăn chung giếng nước, giặt cùng cầu ao…
Đặc thù của cách sống ấy khiến người ta nương tựa, dựa dẫm vào nhau để sinh tồn. Con cái không thể trưởng thành mà không có sự giúp đỡ của bố mẹ, ông bà. Ngược lại, ông bà bố mẹ về già cũng chủ yếu sống dựa vào con cái. Mối quan hệ ấy trói buộc con người ta lại với nhau hết thế hệ này sang thế hệ khác. Do đó, chữ hiếu được xem như là một bổn phận, một nghĩa vụ vô điều kiện của con cái đối với ông bà cha mẹ.

Thực trạng con cái ngày càng sống xa bố mẹ. Việc báo hiếu gần như là “điều khiển từ xa”. Ảnh TL
Có hiếu ngày xưa được hiểu là phải vâng lời (“cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, “áo mặc sao qua khỏi đầu…”), chăm sóc phụng dưỡng (“mai sau cha yếu mẹ già, chén cơm đôi đũa, chung trà ai nâng”), đó là khi sống. Còn khi ông bà, cha mẹ qua đời thì chữ hiếu còn được tính bằng mồ yên mả đẹp, giỗ chạp linh đình.
Ngày nay, thời đại công nghiệp phát triển, nhà máy, xí nghiệp mọc lên thu hút một lượng lớn người nông dân từ bỏ mảnh đất ông cha, tập trung về các thành phố với khát vọng đổi đời. Có nhiều người rời quê, học tập rồi lập nghiệp sinh sống luôn ở thành phố không trở về quê nữa, con số này ngày càng gia tăng. Hiện trạng này khiến con cái không thể sống gần gũi cha mẹ, việc báo hiếu gần như là “điều khiển từ xa”.
Xã hội phát triển, hội nhập giáo dục, thế hệ trẻ thoát ly cách sống phụ thuộc, áp đặt, lễ nghi, nhường cho sự nảy sinh tính độc lập cá nhân. Tính độc lập góp phần quyết định sự thành công trong cuộc sống ở thời hiện tại.
Ai cũng nói “cái cha mẹ cần không phải là tiền”. Hiểu theo nghĩa nào đó thì không sai. Nhưng chế độ ăn uống, dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thuốc men, viện phí, dịch vụ khám chữa bệnh loại tốt… thực tế đều cần… tiền. Con cái vất vả làm ra tiền nếu nhằm để phục vụ những nhu cầu kể trên của bố mẹ già thì đó chính là những đồng tiền trả hiếu. Để có thể kiếm tiền, các bạn trẻ phải bươn chải mưu sinh, việc không thể cận kề chăm sóc bố mẹ là điều dễ hiểu.
Cho nên, lấy tiêu chuẩn thời xưa để áp vào thời đại ngày nay rồi kêu ca con cái chúng ta ngày càng bất hiếu thật sự là không công bằng. Người lớn không thể bắt lớp trẻ quay lại ngày xưa mà chủ yếu là người lớn nên thay đổi cách nhìn về chữ hiếu theo quan điểm mới, cần đi sâu vào gốc rễ, dựa trên tình yêu thương, tinh thần bình đẳng, dân chủ, sẻ chia… Có như vậy chúng ta mới không tạo áp lực cho con cái và quan trọng không tạo ra sự buồn tủi không đáng có cho chính mình.
Muốn như thế, các bậc cha mẹ cũng phải chuẩn bị cho mình một cuộc sống “tự lập” khi về già. Cần có một khoản tài chính nhất định của riêng mình, có một nơi ở của riêng mình, có các mối quan hệ “bạn bè đồng trang lứa”, có niềm đam mê hoặc “thú chơi” của riêng mình.
Hãy xem việc con cái sống vui vẻ, khỏe mạnh, hạnh phúc, giàu sang, không để bố mẹ phải bận tâm lo lắng chính là cách chúng trả hiếu hiệu quả nhất.
Hãy xem việc con cái thuê người chăm sóc bố mẹ khi về già là việc bình thường vì điều đó chứng tỏ con cái chúng ta là những người thành đạt, có công ăn việc làm đàng hoàng chứ không phải thất nghiệp hay lao động làng nhàng. Nếu thuê người chăm sóc là một người có chuyên môn y tế thì càng tuyệt vời.
Vậy thì chữ hiếu thời nay được hiểu như thế nào là phù hợp. Không có một mẫu số chung nào, tùy theo điều kiện của mỗi người, mỗi nhà. Nhưng trước hết, con cái hãy hết lòng yêu thương cha mẹ. Sự yêu thương sẽ sinh ra lòng hiếu thảo, sẽ dẫn dắt cho con cái biết phải làm gì.

Con cái sống vui vẻ, khỏe mạnh, hạnh phúc, giàu sang, không để bố mẹ phải bận tâm lo lắng chính là cách chúng trả hiếu hiệu quả nhất. Ảnh: TL
Tất nhiên, không thể có cha mẹ quanh năm gây nợ nần vì chơi bời, hút sách, bỏ bê con cái mà tạo được tình thương từ con cái. Đồng thời, dù có phát triển hội nhập tới đâu, xã hội cũng không chấp nhận con cái sống ích kỷ, thực dụng, tính toán chi li, hắt hủi cha mẹ lúc tuổi già.
Tóm lại, chữ hiếu là bài học đầu tiên của “đạo làm người”, là nền tảng đạo đức của xã hội. Nếu chữ hiếu thời xưa mang nặng tính áp đặt, lễ nghi thì chữ hiếu thời hiện đại cần được nhìn nhận thoáng hơn, phù hợp với thực tế cuộc sống hơn.