Chỉ cần kiềm chế một chút, chỉ cần rộng lượng một chút...
(DNTO) - Vừa qua trên trang mạng xã hội, một nữ tiếp viên hàng không chia sẻ bài viết về việc chị bị ném tàn thuốc vào tà áo dài đồng phục khi đang lưu thông trên đường. Chị cho rằng đó là hành vi “trả đũa” có liên quan đến bệnh nhân (1342) mắc Covid-19.
Đại đa số cộng đồng mạng tỏ ra bất bình với cách hành xử của đối tượng ném tàn thuốc vào nữ tiếp viên. Phần đông cho rằng: Người nào sai người đó chịu trách nhiệm, có pháp luật xử lý, không thể vơ đũa cả nắm; Chỉ vài cá nhân vô ý thức, vô trách nhiệm không thể quy chụp cho tập thể. Nhiều người đưa ra lời khuyên: Không nên kỳ thị, ai sai đã có pháp luật xử lý, không nên gây rối trật tự công cộng. Nhiều người phê phán nhẹ nhàng cho rằng đó là hành động nông cạn, không hay, hết sức vô lý và đáng chê trách… Cũng có người gay gắt hơn, bình luận: Sự kỳ thị này là phản ứng tào lao, hành động tồi tệ, rất đáng lên án, phải bị xử lý thật nghiêm…
Tuy nhiên, ở một diễn biến khác, có người cho rằng đây chỉ là một cách xử lý truyền thông, thậm chí là một fake news (tin giả).
Giữa các luồng dư luận phải trái, chưa biết có bao nhiêu phần trăm là sự thật. Tuy nhiên, qua phản ứng của hầu hết cộng đồng mạng, chúng ta thấy nổi rõ lên một tính cách rất đáng trân quý của dân ta, đó là tấm lòng độ lượng. Lòng độ lượng là một trong những cảm xúc tích cực của con người với cuộc sống và với những người xung quanh.
Ngược lại, hành động “giận cá chém thớt” là một cảm xúc tiêu cực. Đó là khi bạn phóng thích cơn giận dữ người này của bạn sang một người khác cho thỏa mãn cảm xúc. Đối tượng để bạn trút bỏ bực tức nhiều khi hoàn toàn không liên can gì đến sự tức giận của bạn.
Có một thực tế rất trái khoáy nhưng lại là “chuyện thường ngày ở huyện”. Đó là chúng ta hay giận con cá ngoài đường nhưng lại “chém” cái thớt trong nhà. Rất nhiều người có thói quen mang nỗi tức giận, lo lắng, uất ức trong công việc về nhà trút lên những người trong gia đình.
Cuộc sống càng hiện đại, nhịp sống càng tất bật, chuyện gì cũng có thể khiến người ta bực mình. Suốt ngày cắm mặt ở cơ quan đã mệt. Chiều về, ra đường phải căng mắt, căng tai luồn lách trong dòng xe cộ kín đặc, đèn xanh chưa kịp kéo ga, đằng sau đã nghe tiếng kèn bóp inh ỏi. Quay lại, gặp mấy gã ngổ ngáo xăm mình, giương đôi mắt hình viên đạn thách thức nhìn mình. Đã thế, việc cơ quan cuối năm ngập mặt, sếp thì quát nạt, thúc hối… Nhiều thứ dồn nén, tới nhà, chỉ cần vợ nói một câu hơi khó nghe, hay con cái vòi vĩnh điều gì là lập tức lửa bùng lên luôn. Nghe vô lý thật, nhưng thực tế nó vẫn xảy ra.
Có một học sinh được xếp vào loại xuất sắc. Không hiểu sao thời gian gần đây, em hay lủi thủi một mình, ít quan hệ bạn bè và học hành sa sút thấy rõ. Sau một thời gian cất công tìm hiểu, cô giáo chủ nhiệm mới biết: Bố em trước đây đã sẵn tính nóng nảy. Ông làm quản lý trong một phân xưởng. Cả năm nay do tình hình dịch bệnh, công việc làm ăn khó khăn, thu nhập không ổn định, đời sống công nhân bấp bênh, khiến ông lúc nào cũng lo lắng, căng thẳng. Bữa cơm nào, em cũng chứng kiến bố mình than thở, trách móc, tức giận. Mẹ em cũng nhiều việc, vất vả, thế là không nhịn được, thành ra cãi nhau. Em cảm thấy không khí gia đình trở nên rất ngột ngạt mỗi khi bố em bước chân vào nhà.
Cảm xúc tiêu cực thực sự giống như một con dao vô hình. Việc bạn "giận cá chém thớt", mang những uất ức, tức giận bên ngoài về nhà quát mắng người thân hết lần này đến lần khác sẽ vô tình tạo ra những tổn thương không đáng có cho họ và làm rạn nứt mối quan hệ gia đình.
Ngược lại, ở nơi làm việc, việc “giận cá chém thớt” khi xảy ra thì nhân viên dưới quyền và người lao động là đối tượng lãnh đủ. Kẻ “cầm dao” không ai khác hơn là các sếp. Vuột một hợp đồng, nhân viên không hoàn thành chỉ tiêu được giao, bị “đối thủ” cạnh tranh, chơi xấu sau lưng; Ở nhà bà vợ suốt ngày mê shopping, "nghiện" hàng khuyến mãi, nhắc nhở một câu là đông đổng cãi, thằng con mê game, học hành sa sút… Tất tần tật, sếp đều đổ trút lên nhân viên cho hả cơn.
Việc sếp “giận cá chém thớt” trong môi trường làm việc không phải hiếm, mặc dù có thể ngay sau đó mọi người liền rủ nhau đi… nhậu.
“Giận cá chém thớt” là một cách hành xử trong cuộc sống cần nên tránh. Tuy nhiên, cũng không thể nói là tuyệt đối không mắc phải. Để mọi việc được nhẹ nhàng hơn, người “chém” nên biết kiềm chế cảm xúc của mình, phân biệt rạch ròi “người nào việc nấy”. Còn những ai trót lâm vào cảnh làm “thớt” thì nên xem đó là một cách để trút giận, đối phương chỉ muốn xả ra cho hết bực tức thôi chứ không có ý gì; Đừng suy diễn, đừng cố chấp, mà chuyện bé xé ra to khiến sự việc đi xa không kiểm soát được.