Chênh lệch hàng trăm tỷ đồng, nhiều dự án đầu tư công có nguy cơ đình trệ
(DNTO) - Đà tăng giá đột biến của thép và nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng khác… làm nhiều dự án "đội” chi phí thêm hàng trăm tỷ đồng.
Trước tình trạng “càng làm càng lỗ”, nhiều nhà thầu buộc phải lựa chọn giải pháp ngưng thi công. Điều này khiến hàng loạt dự án đầu tư công, dự án trọng điểm quốc gia đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.
Muôn sự tại... vật liệu xây dựng
Hơn 1 tháng qua, lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả phải “chạy đôn chạy đáo” khắp nơi để thương thảo những vấn đề phát sinh do đà tăng “đột biến” của thép và nhiều mặt hàng vật liệu xây dựng trong 4 tháng đầu năm.
“Bởi nếu không cập nhật biến động giá kịp thời, Đèo Cả sẽ phải chịu thâm hụt lớn về tài chính ở hàng loạt dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước như Cầu Cửa Lục 1, Cầu Cửa Lục 3…”, ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết.
Chỉ tính riêng tại dự án thành phần Cam Lâm – Vĩnh Hảo thuộc cao tốc Bắc Nam phía Đông mà Đèo Cả làm chủ đầu tư, giá thép tăng 40% đã làm phát sinh chi phí thêm gần 150 tỷ đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai dự án của doanh nghiệp.
Hiện nay, trên thị trường, gần như tất cả các mặt hàng nguyên vật liệu xây dựng đều có sự biến động rất lớn về giá cả. Trong khi giá thép đã tăng vọt 40% so với quý 4/2021, thì các vật tư khác như cát, đá, gạch, xi măng, tôn... cũng đồng loạt tăng theo từ 20-25%. Điều này gây khó khăn trong việc lập dự toán chi phí, nguồn vốn cho các dự án đầu tư công sắp triển khai cũng như ảnh hưởng đến tiến độ thi công của các dự án đầu tư công đang triển khai.
Theo ông Hồ Ngọc Anh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cơ khí xây dựng Thăng Long, việc tăng giá đột biến, khó lường của mặt hàng này đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp, các nhà thầu đang triển khai thi công các công trình, dự án trong nước, đặc biệt đối với các dự án dùng vốn ngân sách do phải đảm bảo đúng các quy định, quy trình trong hợp đồng bỏ thầu mới giải ngân được. “Tuy nhiên, nếu chỉ thanh toán theo đúng hợp đồng đã ký trước thì doanh nghiệp, nhà thầu sẽ bị thiệt hại, lỗ lớn do giá thép tăng quá cao”, ông Ngọc Anh chia sẻ.
Đơn cử, tại dự án Cầu Rào 1 tại Hải Phòng, đơn giá thép tròn khi dự thầu theo giá công bố quý 3/2020 là 10.900 đồng/kg (chưa bao gồm VAT), nhưng hiện nay giá bán đã tăng gần 55% lên 16.845 đồng/kg. Trong khi đó, đơn giá mà liên danh nhà thầu đang áp dụng vào công trình này là 12.084 đồng/kg (chưa bao gồm VAT), chênh lệch gần 5.000đồng/kg so với giá bán.
“Với tổng khối lượng sắt thép sử dụng cho công trình này lên khoảng 6.200 tấn, chênh lệch giữa giá thép áp dụng cho gói thầu và giá thị trường hiện tại đã lên gần 30 tỷ đồng. Vì vậy, việc bảo đảm tiến độ dự án hoàn thành vào cuối năm 2021 là một thách thức lớn với liên danh nhà thầu”, ông Ngọc Anh nhấn mạnh.
Cần sớm có hướng dẫn điều chỉnh
Mặc dù đã có phương án dự phòng rủi ro từ biến động giá của thị trường, song đà tăng “phi mã” hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp và nhà thầu khó cầm cự, buộc phải chấp nhận chịu phạt thầu hoặc dừng thi công để tránh bị thiệt hại.
“Các gói thầu đầu tư có dùng vốn ngân sách nhà nước mà doanh nghiệp đang thi công buộc phải ngưng trệ. Tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công của doanh nghiệp trong năm 2021 chắc chắn bị ảnh hưởng. Điều này cần sớm được tháo gỡ nhất là trong bối cảnh đầu tư công được xem là động lực tăng trưởng quan trọng giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp”, đại diện một nhà thầu xây dựng quân đội cho biết.
Thậm chí, trong giai đoạn này, một số dự án đầu tư công đang trong giai đoạn chào thầu cũng không “hút” được doanh nghiệp tham gia do chưa có sự điều chỉnh giá vật liệu xây dựng và ổn định giá thầu.
“Vì vậy, với các dự án đầu tư bằng vốn đầu tư công, vốn ngân sách, Bộ Xây dựng, sở xây dựng các tỉnh cần cập nhật đơn giá thị trường để có cơ sở áp dụng cho các nhà thầu, tránh những tổn thất không đáng có cho các doanh nghiệp khi giá thép và vật liệu xây dựng liên tục tăng cao”, nhà thầu quân đội đề xuất.
Trong khi đó, ông Ngọc Anh cho rằng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, rất cần sự vào cuộc của Chính phủ, các Bộ, các địa phương, trong đó Chính phủ cần có những Tổ công tác đặc biệt với sự tham gia của những người có đủ thẩm quyền.
“Đồng thời, Chính phủ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể cho Bộ ngành và địa phương trong việc hỗ trợ, bù giá cho các dự án, công trình công một cách thực tế, kịp thời. Theo đó, các địa phương, đại diện chủ đầu tư phải thường xuyên cập nhật giá thị trường, ít nhất 1 tháng /lần để thúc đẩy giải ngân đầu tư công theo các bước tiến độ của từng dự án ở thời điểm thanh toán”, đại diện Tổng Công ty cơ khí xây dựng Thăng Long kiến nghị.
Còn theo ông Trần Văn Thế, trước những diễn biến tăng giá vật liệu phức tạp có nhiều dấu hiệu bất thường như hiện nay, Chính phủ cần sớm chỉ đạo bộ ngành kiểm tra, xử lý triệt để nguyên nhân dẫn tới tình trạng giá thép tăng đột biến. “Bởi nếu không, hàng loạt các dự án đầu tư công sẽ có nguy cơ... chậm tiến độ, còn doanh nghiệp... đứng trước nguy cơ phá sản”, ông Thế nói.