Chấp nhận chi lớn để tăng thị phần - cách Masan đi qua thách thức
(DNTO) - Sức ép của lạm phát, lãi suất tăng cao, sự thắt chặt nhu cầu chi tiêu... đang đặt ra nhiều thách thức với các "ông lớn" trong ngành bán lẻ. Với Masan, dù doanh thu có thể chưa đạt như kỳ vọng nhưng với mảng bán lẻ, họ đã có một năm thành công.
Sau giai đoạn dịch bệnh, thị trường bán lẻ chứng kiến nhiều bước tăng trưởng vượt bậc. Theo Vietnam Report, ở thời điểm tháng 8/2022 cho thấy, hơn 53 doanh nghiệp bán lẻ hiện đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, giai đoạn cuối năm 2021 và sáu đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã đạt đỉnh lợi nhuận, sự giảm tốc tăng trưởng sẽ bắt đầu xuất hiện giai đoạn cuối năm qua và câu chuyện năm 2023, khi mà mỗi doanh nghiệp có tầm nhìn và chiến lược riêng, ngành bán lẻ sẽ có nhiều điều "thú vị".
Như nhiều doanh nghiệp khác, quý 3 và quý 4 năm qua của Masan ghi nhận sự tăng trưởng chững lại. Quý 4, doanh thu của tập đoàn đạt hơn 26 tỷ đồng, giảm hơn 2,8% so với cùng kỳ. Cho cả năm 2022, doanh thu Masan đạt hơn 76 ngàn tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2021.
Đóng góp nhiều nhất cho khoản doanh thu trên là The CrownX, công ty sở hữu cổ phần của Masan Consumer (MCH) và VinCommerce (WCM), con át chủ bài trong chiến lược phát triển doanh nghiêp, chiếm hơn 70% doanh thu, trên 56 ngàn tỷ đồng. Điều đáng nói, VinCommerce, mảnh bán lẻ của Masan, doanh thu lại tăng tới 7,7% đạt 7,4 ngàn tỷ đồng, trong khi đa phần các mảng khác của tập đoàn sụt giảm. Lợi nhuận gộp của VinCommerce tăng lần lượt 17% và 10% so với cùng kỳ giai đoạn quý 4 và cả năm 2022.
Chiến lược tăng thị phần
Có thể dễ dàng nhận thấy độ phủ với tốc độ chóng mặt các chuỗi bán lẻ WinMart, WinMart+ trong năm qua tại nhiều địa phương cả thành thị và nông thôn. Phía Masan cho biết, riêng trong quý 4/2022, WCM đã khai trương 253 cửa hàng WinMart+. Tính chung cả năm 2022, có tới 730 cửa hàng WinMart+ ra đời nâng tổng số lên 3.268 cửa hàng WinMart+.
Cùng đó, WCM đã ra mắt các mô hình “Point of Life” tích hợp đa dạng nhu cầu người tiêu dùng: nhu yếu phẩm (WinMart+), dịch vụ tài chính (Techcombank), dược phẩm (Dr.Win), chuỗi F&B (Phúc Long), dịch vụ viễn thông (WinTel) với 102 cửa hàng WIN tại các thành phố lớn. Việc đẩy mạnh kênh online cũng được doanh nghiệp chú trọng. Ở thời điểm hiện tại, Masan đang có lợi thế dẫn đầu về hệ thống phân phối.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, khi nhiều chuỗi bán lẻ bắt buộc phải thu hẹp hoạt động để duy trì thì Masan có xu thế đi ngược lại: mạnh tay mở rộng chuỗi cửa hàng, đầu tư mô hình mới để thu hút khách hàng, mục tiêu để hướng đến phát triển hệ sinh thái của mình.
"65% cửa hàng WinMart+ mở vào năm 2022 đã đạt EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) ở cấp độ cửa hàng dương trong vài tháng đầu đi vào hoạt động so với 45% cửa hàng WinMart+ được mở và hoạt động vào năm 2021 đã đạt hòa vốn EBITDA", phía Masan thông tin. Biên EBITDA ở cấp độ cửa hàng đã đạt 6,5%.
Dù hiện tại đóng góp của WCM cho tập đoàn chưa lớn nhưng điều này cho thấy, chiến lược tăng thị phần của doanh nghiệp sẽ hứa hẹn nhiều yếu tố tích cực. Đây không chỉ tiền đề tốt cho tương lai mà còn thể hiện cách lèo lái của doanh nghiệp qua một năm nhìn chung đầy thách thức với ngành bán lẻ.
"Chúng tôi giữ quan điểm lạc quan với triển vọng tăng trưởng doanh thu của WCM trong năm 2023-2024 nhờ kế hoạch mở rộng mạnh mẽ được giữ vững và tiềm năng của mô hình cửa hàng tiện lợi sẽ tiếp tục là phân khúc bùng nổ nhất tại Việt Nam", báo cáo của Vietcombank Securities nhấn mạnh.
Chấp nhận chi lớn
Việc mở rộng chuỗi cửa hàng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp chấp nhận các khoản chi phí lớn. Theo báo cáo tài chính của Masan, mục SG&A (chi phí bán hàng, chi phí quản trị...) của VinCommerce đã tăng mạnh. Quý 4/2022 là hơn 1,8 ngàn tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là hơn 1,6 ngàn tỷ đồng, tương đương mức tăng hơn 10,2%; tính chung cả năm 2022, khoản chi phí này tăng 8,7% từ hơn 6,6 ngàn tỷ lên 7,2 ngàn tỷ. Đáng chú ý, trong bản cân đối kế toán, mục Nợ vay ngắn hạn của tập đoàn tăng rõ rệt từ hơn 18 ngàn tỷ đồng năm 2021 lên hơn 40 ngàn tỷ đồng năm 2022, tức tăng hơn 50%.
Với các khoản chi phí đang kéo lùi lợi nhuận của WCM, nhất là trong bối cảnh lãi suất không ngừng tăng cao khiến chi phí đầu vào bị đẩy lên, sức ép của lạm phát lớn đang ảnh hưởng đến sức cầu của người tiêu dùng, Masan đã có những tính toán riêng của mình.
Chuyên gia của Vietcombank Securities nhận định: "Chúng tôi chưa nhìn thấy động lực rõ ràng của WCM trong việc tiết giảm các chi phí này, do đó, theo quan điểm thận trọng, VCBS cho rằng WCM vẫn chưa có lãi ròng trong 2023".
Trong khi đó, theo một phân tích từ Chứng khoán KB Việt Namc (KBSV), các chuyên gia khá lạc quan cho biết: "Chúng tôi cho rằng năng lực mở rộng hệ thống và hiệu quả hoạt động các cửa hàng đã được cải thiện đáng kể, giúp WCM có khả năng mở rộng quy mô mà vẫn đảm bảo lợi nhuận".
Mặc dù vậy, ở góc nhìn của người trong cuộc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan, ông Nguyễn Đăng Quang khẳng định: “Tôi tự hào về cách Masan đã và đang đổi mới để vượt qua bối cảnh kinh tế vĩ mô và vi mô đầy biến động" và cũng theo ông: "Tốc độ và mức độ đổi mới sâu rộng là điều khiến Masan tự tin về triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn".
Kỳ vọng gì cho năm 2023?
Nếu năm 2022 là một năm doanh nghiệp này ghi nhận sự mạnh tay cải tổ với chuỗi bán lẻ của mình thì năm 2023 chắc chắn sẽ có nhiều điều bất ngờ chờ đợi họ.
Phía Masan cho biết, dự kiến WCM mang lại doanh thu thuần khoảng 36.000-40.500 tỷ đồng trong năm nay, tăng từ 23 - 38% so với cùng kỳ; mở 800-1.200 cửa hàng; thực hiện chương trình hội viên WIN, hướng đến phát triển các nhãn hàng riêng với các dịch vụ vượt trội và ưu đãi độc quyền nhằm gia tăng lưu lượng khách đến cửa hàng... "Ước tính sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu cửa hàng 5-10%, trên cơ sở so sánh tương đương", Masan dự đoán.
Masan ước tính cho cả năm 2023 sẽ đạt doanh thu từ 90.000-100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18-31%. Theo đó, The CrownX (TCX) tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu, đóng góp hơn 70% vào tổng doanh thu dự kiến khoảng 65.000- 72.300 tỷ đồng, tăng 16-29% so với năm 2022.
Với dự tính trên, có thể thấy nhiều kỳ vọng của ban lãnh đạo tập đoàn. Tuy nhiên, sự lạc quan luôn là tiền đề quan trọng để mỗi người tiến đến thành công phía trước. Và không phải ngẫu nhiên, BVSC đặt tiêu đề cho báo cáo của mình khi phân tích về Masan: "Khó khăn trong ngắn hạn. Câu chuyện dài hạn vẫn sáng".